Bộ đội Hóa học với việc xử lý chất độc tồn lưu sau chiến tranh: Làm “sống lại” những vùng đất “chết”

Cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ tiến hành ở Việt Nam đã trôi qua gần nửa thế kỷ nhưng hậu quả của nó để lại còn rất nặng nề đối với con người và môi trường sinh thái. Cùng với bom mìn, vũ khí hóa học vẫn còn rải rác ở nhiều nơi. Việc xử lý nó không chỉ đòi hỏi sự đầu tư rất lớn về tiền của, nhân lực mà còn phải có sự quyết tâm vào cuộc của mọi cấp, mọi ngành, mọi lực lượng trong đó Bộ đội Hóa học đóng vai trò chủ đạo.

Một ngày tìm hiểu công việc của Bộ đội Hóa học xử lý một vùng đất vừa được phát hiện ô nhiễm chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh khiến chúng tôi mệt nhoài. Ngay từ sáng sớm bộ đội đã có mặt tại hiện trường. Bắt đầu là một quy trình đào mới, thu gom rồi mới đến quy trình xử lý đặc biệt phức tạp. Nhìn những chiến sĩ trong bộ đồ bảo hộ và mặt nạ phòng độc kín mít mới thấy họ thực sự vất vả. Chỉ cần vài phút trong bộ quần áo bảo hộ là mồ hôi đã túa ra như tắm. Thời tiết khu vực sân bay nắng và nóng hầm hập. Đặc biệt, do không có các cây xanh tỏa bóng nên không khí ở đây càng trở nên ngột ngạt. Công việc của họ phải tiến hành vào mùa khô, nhưng hằng ngày phải kết thúc trước cái nắng gay gắt buổi trưa. Đó là công việc đã và đang diễn ra nhiều năm nay tại sân bay Biên Hòa và sân bay Phù Cát mà Bộ đội Hóa học đang thực hiện. Sân bay Đà Nẵng là nơi chúng tôi được chứng kiến rõ nhất thảm họa môi trường do chất độc hóa học mà chiến tranh để lại. Một khu đất hoang hóa, bề mặt chai cứng, sẫm màu, lỗ chỗ. Ngày nắng, khí nóng bốc lên hầm hập. Trên khu đất nhiễm chất độc này, không có một cây cỏ nào mọc được. Bởi thế, nó cũng được cách ly hoàn toàn với môi trường sống của con người. Tại khu vực bị nhiễm độc của sân bay Đà Nẵng, sau khảo sát của nhiều tổ chức trong và ngoài nước, trong đó có Binh chủng Hóa học cho thấy, hàm lượng đi-ô-xin cao gấp hàng trăm lần ngưỡng 1.000ppt. Thảm thực vật, động vật, hồ sen bệnh cạnh sân bay Đà Nẵng có sự biến đổi khác thường. Tại sân bay Biên Hòa, sau khi chúng ta tiến hành khảo sát khu vực nhiễm độc, kết quả cho thấy: Hàm lượng đi-ô-xin tồn lưu trong đất tại khu vực này cao gấp hàng trăm lần so với tiêu chuẩn cho phép đối với đất phi nông nghiệp, đặc biệt sự phân bố lại không theo quy luật và thấm đến độ sâu trên 1 mét. Tại sân bay Phù Cát, phân tích phát hiện bãi độc có độ ô nhiễm rất cao chất da cam/đi-ô-xin (diện tích khoảng 2.000m2). Trên khắp miền Nam, còn nhiều khu đất nhiễm độc tại các bãi chứa, nạp, rửa, đặc biệt ở các sân bay quân sự cũ của Mỹ và đồng minh đã từng sử dụng trong cuộc chiến tranh. Các khu vực như Tây Nguyên, Quân khu 5, Quân khu 7, Quân khu 9 phát hiện hàng loạt chất độc CS và đạn dược của Mỹ trong chiến tranh chứa chất độc CS, photphat, napal... Thiếu tướng Tiến sĩ Phạm Quốc Trung, Tư lệnh Binh chủng Hóa học cho biết: “Việc điều tra, thu gom và xử lý chất độc tồn lưu sau chiến tranh là rất phức tạp và tốn kém. Với khả năng và kinh phí hiện tại, chúng ta đang tiến hành xử lý từng bước, chứ chưa thể xử lý đồng loạt ở tất cả các khu vực. Ở những khu vực đã điều tra, phát hiện ô nhiễm, chúng ta đã tiến hành khoanh vùng khu vực ô nhiễm, áp dụng các biện pháp tạm thời hạn chế lan tỏa của chất độc ra môi trường xung quanh, phân tích đánh giá các chỉ số cơ bản ảnh hưởng của chất độc chứa đi-ô-xin đối với con người và biện pháp khắc phục, thu thập các tài liệu phục vụ nghiên cứu. Từ năm 1995, Binh chủng Hóa học đã triển khai công tác thu gom, xử lý chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh và đạt được kết quả tích cực. Binh chủng đã thực hiện 5 dự án về điều tra, khảo sát, thu gom và xử lý chất độc CS trên địa bàn các tỉnh khu vực Tây Nguyên (Z4); tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế thuộc Quân khu 4 (Z5); các tỉnh thuộc địa bàn Quân khu 5 (Z6); các tỉnh thuộc địa bàn Quân khu 7 và Quân khu 9 (Z7) và dự án Xử lý chất độc CS tại khu vực 8, phường Bùi Thị Xuân (thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định). Trong các dự án này, đã điều tra được 283 quận (huyện), thị của 34 tỉnh và một số cụm kho lớn của Tổng cục Kỹ thuật và các Quân khu 4, 5, 7, 9. Tổng số đã phát hiện, thu gom và xử lý hàng trăm tấn chất độc CS và vũ khí, đạn dược, phương tiện chứa chất độc CS (trong đó có hơn 160 tấn chất độc CS và gần 200 tấn vũ khí, đạn dược chứa CS). Hiện nay, Binh chủng Hóa học phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng đang tiếp tục thực hiện các dự án “Điều tra, thu gom, xử lý chất độc CS tồn lưu sau chiến tranh trên địa bàn các tỉnh từ Quảng Trị đến Kiên Giang”. Bài và ảnh: Tuấn Hưng

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/QDNDSite/vi-VN/61/43/4/39/39/109055/Default.aspx