Bộ Tài nguyên - Môi trường: Thủy điện Đồng Nai 6, 6A gây nhiều tác động tiêu cực

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có Văn bản số 142/BC-BTNMT gửi Thủ tướng Chính phủ về việc thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) các dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A.

Theo đó, Bộ cho rằng, nếu được xây dựng, các dự án trên sẽ gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái, đặc biệt là Vườn quốc gia Cát Tiên, khu ngập nước Bàu Sấu; gây bất lợi đến quá trình xem xét, công nhận di sản thiên nhiên thế giới đối với Vườn quốc gia Cát Tiên. Bộ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương xem xét, rà soát lại quy hoạch đối với hai dự án trên cũng như quy hoạch thủy điện tổng thể trên lưu vực sông Đồng Nai.

Bộ Tài nguyên – Môi trường cho biết, theo nội dung báo cáo ĐTM mà chủ đầu tư là Tập đoàn Đức Long Gia Lai gửi tới Bộ ngày 28/6/2013, khi vận hành, thủy điện Đồng Nai 6 và 6A sẽ sản xuất ra 929 triệu kWh điện và nộp thuế cho Nhà nước khoảng 300 tỷ đồng mỗi năm.

Theo phương án được đưa ra, thủy điện 6A được thiết kế xây dựng cống xả đáy và sử dụng tuabin kaplan để điều hòa dòng chảy sau khi qua công trình thủy điện Đồng Nai 5. Tuy nhiên, việc thực hiện hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A sẽ làm mất vĩnh viễn 327,23ha đất rừng, trong đó có 128,37ha đất ở khu vực Cát Lộc thuộc vùng lõi Vườn Quốc gia Cát Tiên. Trong báo cáo ĐTM, chủ đầu tư có cam kết trồng rừng bồi hoàn diện tích rừng bị tổn thất do thực hiện các dự án, nhưng lại chưa nêu được vị trí cụ thể và phương án trồng rừng thay thế.

Các chuyên gia khảo sát khu vực dự kiến xây dựng thủy điện Đồng Nai 6, 6A.

Bên cạnh đó, hai dự án thủy điện trên cách khu ngập nước Ramsar Bàu Sấu 55km theo đường sông. Báo cáo ĐTM khẳng định khu này hầu như không chịu tác động bởi các dự án nhưng chưa đưa ra được số liệu cụ thể về chế độ dòng chảy theo mùa từ sông Đồng Nai vào khu vực ngập nước và ngược lại. Báo cáo ĐTM chưa đánh giá được đầy đủ sự tổn thất về đa dạng sinh học trong vùng ngập và khu vực xây dựng công trình, một số biện pháp giảm thiểu tác động đến đa dạng sinh học của báo cáo còn thiếu tính khả thi, không đề ra biện pháp bảo vệ, bảo tồn loài cá Chình hoa quý hiếm. Cả hai dự án trên đều nằm ở thượng nguồn, hồ chứa điều tiết ngày, sẽ có tác động xấu tới dòng chảy hạ lưu, trong khi báo cáo ĐTM chưa làm rõ phương án vận hành liên hồ chứa phù hợp.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho rằng, việc thực hiện hai dự án trên sẽ là vi phạm Luật Di sản và Luật Đa dạng sinh học. Bởi lẽ, mặc dù có thể gây ra tác động xấu tới cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái của Vườn quốc gia Cát Tiên, tuy nhiên đến thời điểm này, chủ đầu tư vẫn chưa có văn bản thẩm định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa. Một phần diện tích của dự án nằm trong khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn quốc gia, vì vậy vi phạm khoản 2, điều 7 Luật Đa dạng sinh học.

Mặt khác, nếu các dự án trên được triển khai sẽ phải xây dựng các hạng mục công trình phụ trợ, đường dây truyền tải, đường giao thông tiếp cận… Điều này sẽ gây ra những tác động bất lợi đến môi trường tự nhiên và các điều kiện kinh tế - xã hội khu vực diễn ra các hoạt động thi công, tạo cơ hội thuận lợi cho các hành vi xâm hại Vườn Quốc gia Cát Tiên. Không chỉ vậy, dự án cũng sẽ tác động đến sinh kế của người dân sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và đánh bắt cá vùng hạ du, đặc biệt là các dân tộc ít người như: Châu Ro - Mạ, STiêng, M nông…

Dựa trên báo cáo sơ bộ bước đầu về tác động môi trường của hai dự án, Bộ Tài nguyên – Môi trường cho rằng, việc quyết định đầu tư các dự án này cần được xem xét trên cơ sở cân nhắc hài hòa các yếu tố lợi ích kinh tế, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và di sản thiên nhiên. Hiện tại, Tập đoàn Đức Long Gia Lai đã xin rút báo cáo ĐTM của hai dự án để xin bổ sung tiếp thông tin.

Trao đổi với PV Báo CAND, TS Đào Trọng Tứ - Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi với biến đổi khí hậu – thành viên Hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A khẳng định: “Đây là quan điểm riêng của Bộ Tài nguyên – Môi trường, vì Hội đồng thẩm định chưa họp để đi đến quyết định cuối cùng. Nhưng Bộ đã thể hiện “cái nhìn nghiêm khắc” với dự án, thấy rõ nguy cơ tiềm ẩn của dự án. Tôi ủng hộ việc dừng hai dự án này, bởi chúng ta không thiếu điện, không thể phá rừng quốc gia để làm thủy điện”.

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/xahoi/2013/9/208860.cand