Bộ Ngoại giao Mỹ rung động sau cái chết của Đại sứ Christopher Stevens

Mới đây, Ủy ban điều tra về cái chết của Đại sứ Mỹ tại Lybia Christopher Stevens đã tìm ra hàng loạt những sai phạm nghiêm trọng trong hoạt động của Bộ Ngoại giao Mỹ. Dư luận cho rằng, những sai phạm này là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cái chết của nhà ngoại giao.

(GD&TĐ) - Mới đây, Ủy ban điều tra về cái chết của Đại sứ Mỹ tại Lybia Christopher Stevens đã tìm ra hàng loạt những sai phạm nghiêm trọng trong hoạt động của Bộ Ngoại giao Mỹ. Dư luận cho rằng, những sai phạm này là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cái chết của nhà ngoại giao. Ngay lập tức, Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách an ninh Eric Boswell và 3 quan chức ngoại giao khác đã bị cách chức. Sự việc không dừng lại ở đấy, có tin đồn rằng Ngoại trưởng Hillary Clinton sẽ đệ đơn từ chức vào đầu năm 2013 cũng vì những bê bối này.

Cái chết của Đại sứ Mỹ tại Lybia Christopher Stevens và 3 đồng nghiệp của ông không khác gì một quả bom làm rung động Bộ Ngoại giao Mỹ. Christopher Stevens hy sinh trong vụ tấn công lãnh sự quán Mỹ ở thành phố Benghazi của những tên khủng bố "Nhóm Shariat" và "Nhóm 17/2" vào ngày 11/9. Lúc đầu dư luận cho rằng, nhóm Hồi giáo cực đoan tấn công lãnh sự quán Mỹ nhằm phản đối bộ phim "Người Hồi giáo vô tội" có nội dung phỉ báng đạo Hồi đang được công chiếu khắp nước Mỹ. Sau khi tìm được cuốn nhật ký của Stevens, các nhà điều tra mới giật mình rằng chuyện không chỉ đơn giản như vậy. Trong nhật ký, Stevens viết rằng chủ nghĩa cực đoan ở Lybia đang lớn mạnh, rằng Stevens lo ngại cho sự an toàn của chính bản thân ông, bởi "Al-Qaeda" đã ghi tên ông vào "danh sách đen".

Đại sứ của một siêu cường như Mỹ lại rơi vào cảnh này sao?

Ủy ban điều tra đặc biệt về cái chết của Christopher Stevens nhận định: Trước khi bị tấn công, Stevens và các đồng nghiệp của ông đã yêu cầu tăng cường an ninh cho lãnh sự quán Mỹ và cho chính các nhà ngoại giao. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ đã phớt lờ yêu cầu này. Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng, cái chết của Stevens và các đồng nghiệp của ông đã góp phần làm chia rẽ các bộ phận trong chính Bộ Ngoại giao Mỹ.

Theo báo cáo của Ủy ban điều tra, công tác an ninh ở các lãnh sự quán Mỹ là do các đơn vị an ninh địa phương, những người chưa được thử nghiệm về kỹ năng trên thực tế đảm nhiệm. Yêu cầu tăng cường số người canh giữ và tăng cường hệ thống an ninh của các nhà ngoại giao đã bị Bộ Ngoại giao Mỹ bỏ qua đơn giản như các báo cáo về nguy cơ đe dọa.

Kết quả điều tra cho thấy, nhiều quan chức cũng như nhân viên ngoại giao lơ là với nhiệm vụ của mình. Ngay sau khi báo cáo của Ủy ban điều tra đưa ra, Bộ Ngoại giao Mỹ đã sa thải 3 quan chức ngoại giao, trong đó có Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách an ninh Eric Boswell và cảnh cáo nhiều vị quan chức khác. Báo giới đưa tin, những ứng cử viên cho cuộc thanh trừng lần này là Trợ lý an ninh Đại sứ quán Charlene Lamb và nhân viên an ninh của Cục Trung Đông. Mọi chuyện đã rõ: Người chịu trách nhiệm cao nhất-Ngoại trưởng Hillary Clinton sẽ ra đi vào đầu năm 2013. Tổng thống Barack Obama đã chọn John Kerry làm người kế vị Hillary Clinton. Những ngày này, Ngoại trưởng Mỹ không xuất hiện trong các phiên điều trần công khai với lý do...bệnh tật. Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ John Kerry cho biết, Hillary Clinton chỉ có thể phát biểu trước công chúng vào tháng 1/2013.

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Bob Crocker cho rằng, các quan chức ngoại giao không thể không biết những hiểm nguy rình rập ở Lybia trong giai đoạn bị kích động và nhiệm vụ bảo vệ lãnh sự quán phải đưọc đặt lên trên hết. Thứ trưởng Ngoại giao Thomas Nayds nhấn mạnh rằng Chính phủ phải tìm ra những người chịu trách nhiệm trong vụ này để trừng phạt nghiêm theo luật pháp. Trong một nỗ lực để biện minh, một số quan chức ngoại giao Mỹ cho rằng, Mỹ luôn dựa vào các quốc gia sở tại trong việc đảm bảo an ninh cho các đại sứ quán và lãnh sự quán của mình. Tuy nhiên, theo Thomas Nayds, càng ngày Mỹ càng phải đối diện với những mối đe dọa mới và như vậy không thể chỉ dựa vào hệ thống an ninh của các nước khác.

Theo Thomas Nayds, phát biểu trước Quốc hội Mỹ, Hillary Clinton đã thừa nhận tất cả những khiếm khuyết của Bộ Ngoại giao Mỹ mà Ủy ban điều tra về cái chết của Christopher Stevens đưa ra trong phiên họp đặc biệt vào ngày 20/12 và đã thực hiện các biện pháp để những đề nghị của ủy ban này "được thực thi mau chóng và đầy đủ".

Theo các nguồn tin, Ngoại trưởng Mỹ đang ra sức xốc lại hệ thống an ninh đối với các đại sứ quán, lãnh sự quán của Mỹ trên toàn thế giới. Bộ Ngoại giao Mỹ đang trải qua giai đoạn khủng hoảng nghiêm trọng và chẳng ai vội vã đưa ra những dự đoán tích cực về tương lai của nó. Rất có thể mọi việc sẽ tốt hơn sau khi Hillary Clinton ra đi.

Anh Phương (TH)

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/channel/2767/201212/Bo-Ngoai-giao-My-rung-dong-sau-cai-chet-cua-Dai-su-Christopher-Stevens-1965951/