Bộ GD-ĐT: Tránh hình thức phô trương trong lễ khai giảng

(Dân trí) - Bộ GD-ĐT vừa có văn bản chỉ đạo các Sở GD-ĐT về công tác chuẩn bị cho khai giảng năm học 2012-2013. Theo đó, việc tổ chức lễ khai giảng cần tránh hình thức phô trương, không làm ảnh hưởng xấu đến môi trường. Thời gian không nên kéo dài quá 60 phút.

Theo quan điểm của Bộ GD-ĐT, lễ khai giảng năm học, gồm cả phần “Lễ” và phần “Hội” nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi, sẵn sàng bước vào năm học mới cho các thầy cô giáo, các em học sinh, đồng thời thu hút được sự quan tâm, ủng hộ của toàn xã hội. Cần chuẩn bị chu đáo về mọi mặt để lễ khai giảng diễn ra với nghi lễ trang trọng, tạo dấu ấn tốt đẹp, thực sự là ngày hội đối với các thầy giáo, cô giáo và các em học sinh.

Lễ khai giảng cần tránh hình thức phô trương

Chính vì thế cần hướng dẫn các nhà trường trang trí khuôn viên sư phạm sạch, đẹp, có khẩu hiệu chào mừng năm học và thể hiện quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học mới; tùy thuộc vào điều kiện thực tế, phối hợp với Đoàn TNCSHCM, Đội TNTPHCM tổ chức phần “Lễ” cần trang trọng, phần “Hội” cần tiết kiệm, hiệu quả, với các hoạt động linh hoạt, sáng tạo, hấp dẫn có tác dụng thiết thực đối với giáo dục đạo đức học sinh.

Trong năm học này Bộ GD-ĐT cũng đề nghị các Sở GD-ĐT cần chủ động tham mưu với Tỉnh ủy/Thành ủy, HĐND và UBND tỉnh/ thành phố chỉ đạo các ngành, các cấp và toàn dân tham gia vào sự nghiệp phát triển giáo dục tại địa phương với những công việc cụ thể, thiết thực; Ban hành quyết định Kế hoạch thời gian năm học 2012-2013, Chỉ thị về nhiệm vụ trọng tâm năm học 2012-2013 đối với các cấp học, ngành học của tỉnh. Đồng thời đề xuất các giải pháp chỉ đạo phát triển giáo dục phù hợp với hoàn cảnh thực tế của địa phương.

Tiếp tục tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố ban hành các văn bản quy định và chỉ đạo thực hiện việc quản lý dạy thêm học thêm, quản lý các khoản thu, chi trong nhà trường; chấm dứt tình trạng dạy thêm học thêm trái quy định, lạm thu dưới mọi hình thức của các cơ sở giáo dục trên địa bàn.

Chỉ đạo các địa phương, các cơ sở giáo dục trong tỉnh đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất trường học, mua sắm bổ sung thiết bị dạy học đảm bảo theo yêu cầu của các hoạt động dạy và học; Bố trí đầy đủ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên cho các trường học; tổ chức tốt công tác đón học sinh đầu cấp; ôn tập phụ đạo cho học sinh học yếu; xây dựng, tổ chức học nội quy nhà trường; tổ chức hoạt động tập thể tuần đầu năm học theo hướng dẫn của Bộ, nhất là ở những lớp đầu cấp học; cung ứng đủ sách giáo khoa, giấy, vở cho học sinh; vận động quyên góp quần áo, sách vở cho học sinh vùng khó khăn; thực hiện được yêu cầu "3 đủ" đối với học sinh: "đủ ăn, đủ quần áo, đủ sách vở"; quan tâm những học sinh là con liệt sỹ, con thương binh, bệnh binh, học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh nghèo, học sinh khuyết tật để các em được hưởng đầy đủ chế độ chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước.

Ngoài ra các Sở GD-ĐT cần xây dựng kế hoạch tổ chức khai giảng, báo cáo và mời lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh dự khai giảng tại các nhà trường để động viên các thầy cô giáo, các em học sinh, nhất là tại các trường thuộc vùng dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn; Phối hợp với các cơ quan, đoàn thể của địa phương trong mọi công việc chuẩn bị cho năm học mới nhằm tạo được sự đồng thuận trong xã hội đối với sự nghiệp phát triển giáo dục ở địa phương.

S.H

Nguồn Dân Trí: http://dantri.com.vn/c25/s25-631479/bo-gddt-tranh-hinh-thuc-pho-truong-trong-le-khai-giang.htm