Bình luận: Hiệu ứng đám đông và những điều cần suy ngẫm

(VOH) - Trong lịch sử ngành giáo dục nước nhà có lẽ việc phụ huynh ở Hà Nội thức từ 1 giờ sáng chen chúc, xô đẩy và thậm chí là đạp đổ cổng sắt của Trường phổ thông cơ sở thực nghiệm để mong nhận đơn cho con được nhập học vào lớp 1 trong 2 ngày 12 và 13/5 vừa qua, thực sự là sự kiện gây kinh ngạc. Vì sao giữa lòng Thủ đô lại xảy ra hiện tượng hãi hùng đến vậy, chẳng lẽ chỉ có ngôi trường thực nghiệm này mới đảm bảo chất lượng để dạy dỗ lứa học sinh lần đầu tới trường?

Hàng trăm phụ huynh đạp đổ cổng sắt của Trường phổ thông cơ sở thực nghiệm để mong nhận đơn cho con được nhập học vào lớp 1 . (ảnh: vnexpress)

Tìm hiểu kỹ thì hóa ra tại trường thực nghiệm, sĩ số mỗi lớp chỉ có 40 học sinh; Việc học thật nhẹ nhàng, không có học thêm bất cứ môn nào- nghĩa là không bị nhồi nhét kiến thức, không phải chạy theo thành tích ảo… và nghe nói thầy cô hành xử có văn hóa, gây được cảm tình với phụ huynh. Nếu quả thật là Trường thực nghiệm này lâu nay duy trì nề nếp giảng dạy và học tập như vậy thì thật là đáng quý, nhưng thực ra đây cũng không phải là điều mới mẻ gì vì từ mấy chục năm trước việc học trong trường phổ thông ở miền bắc đã là như vậy. Vào những thập niên 80, chương trình thực nghiệm của giáo sư Hồ Ngọc Đại và các cộng sự cũng chỉ đề cao mấy nội dung vừa nêu - nhất là thí điểm dạy môn tiếng Việt, song khi áp dụng đại trà không được khuyến khích bởi Luật giáo dục quy định thống nhất thực hiện một chương trình. Vậy là trên thực tế hoàn toàn có thể xây dựng môi trường giáo dục thuận lợi kiểu này, nhưng tại sao nhiều nơi vẫn không làm được? Còn tại sao khi xin con vào lớp 1 thì lại chỉ có trường thực nghiệm nóng, trong khi cũng có khá nhiều ngôi trường có truyền thống và cơ sở vật chất không thua kém và thậm chí còn tốt hơn? Có dư luận vì đây còn là nơi mà GS Ngô Bảo Châu từng học thời trẻ nên phụ huynh đua nhau chen gửi con vào… Vậy là nảy sinh vấn đề tâm lý cho cả phụ huynh và áp lực cho học sinh đầu cấp. Đây chính là tâm lý đám đông hay hiệu ứng đám đông ở ta trong thời gian gần đây.

Còn nhớ cách nay chưa lâu, vào dịp khai ấn đền Trần vào đêm 16 rạng sáng 17/2/2011 ở Nam Định, hàng ngàn người dẫm đạp lên nhau, khóc la chen chúc tới ngộp thở, chỉ để mong có nhiều may mắn trong năm và rõ ràng là nét văn hóa truyền thống tốt đẹp bỗng chốc bị người ta biến thành hàng hóa và lợi lộc. Chưa hết, trên thương trường, khi thị trường chứng khoán sôi động, người ta đua nhau kinh doanh cổ phiếu đến độ không ít người sạt nghiệp vì máu liều. Khi giá vàng ổn định thì chẳng mấy người bán mua, nhưng khi vàng nhảy lên 45 hay 46 triệu đồng một lượng, người ta chen chúc mua vào, bán ra theo lời đồn đãi này nọ… cuối cùng không ít người ngậm đắng nuốt cay vì lỗ lã nặng nề cũng chỉ vì lời truyền miệng của số đông. Còn khá nhiều chuyện đại loại vẫn xảy ra đó đây tại các địa phương trong cả nước như khu vườn chữa bệnh kỳ lạ, hay một đêm thức với thần tượng âm nhạc của giới trẻ…

Từ câu chuyện của trường thực nghiệm phổ thông cơ sở ở Hà Nội, chuyện lá ấn đền Trần và việc mua bán vàng và cổ phiếu nói trên, chợt nghĩ về sự bình tâm, sự cân bằng cần thiết trong đời sống hiện tại vốn đã có quá nhiều áp lực và sự tranh đua… Đã tới lúc phải coi lời đồn đãi và truyền khẩu là việc bình thường mà nếu đua theo nó sẽ phải chấp nhận và thậm chí là hậu quả đáng tiếc không nên có. Các nước phương Tây đã từng phải trả giá về hiệu ứng đám đông như đã từng xảy ra ở ta. Mong rằng những cơn lốc lôi cuốn đám đông kiểu này sẽ dần ít xảy ra trong xã hội bởi không còn nhận được sự hưởng ứng của mọi người./.

Nguồn VOH: http://voh.com.vn/news/newsdetail.aspx?id=45505