Bình luận: Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là sự nghiệp muôn đời

(VOH) - “Trẻ em là nguồn hạnh phúc của gia đình, là tương lai của đất nước, là lớp người sẽ tiếp tục sự nghiệp của tổ tiên, gánh vác mọi công việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa” đó là sự khẳng định hùng hồn, là quan điểm nhân bản của Đảng, nhà nước ta được thể hiện ngay dòng đầu tiên của Pháp Lệnh về bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Các bạn nhỏ đến tham gia sinh hoạt, vui chơi tại Nhà Thiếu nhi Q.12, TP.HCM- Ảnh: TTO Công ước Liên Hiệp quốc về quyền trẻ em là một công ước quốc tế quy định các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa của trẻ em có hiệu lực từ ngày 2/9/1990 thì trước đó nửa năm, ngày 20/2, Việt Nam là nước đầu tiên của châu Á và là nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn công ước nói trên. Ngày 15/6/2004, Quốc hội nước CHXHCN VN cũng đã thông qua Luật về bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em với 5 chương, 60 điều, qui định rất rõ, chi tiết về trách nhiệm của gia đình, chính quyền, xã hội đối với việc bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em, trong đó bao gồm “trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt”. Trong thực tế đời sống xã hội, trẻ em nước ta được quan tâm chăm lo ở nhiều mặt như miễn giảm chi phí khám chữa bệnh cho trẻ dưới 6 tuổi, được khuyến khích đưa trẻ đến trường, phổ cập giáo dục tiểu học, được tạo điều kiện vui chơi giải trí nhân ngày quốc tế thiếu nhi 1-6, ngày tết trung thu. Với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ vào đời sớm thì xã hội cũng mở rộng vòng tay trong điều kiện có thể, như phát triển, nâng chất các mái ấm, nhà mở, trường tương lai, viện mồ côi…. Nhìn chung, về quan điểm, về khung pháp lý và thực tế xã hội thì trẻ em VN là đối tượng được nhà nước, luật pháp và xã hội hết sức quan tâm bảo vệ, chăm sóc và giáo dục. Bên cạnh hầu hết những người lớn, các bậc cha mẹ thương yêu chăm sóc con cái thì vẫn còn những kẻ vô nhân tính ruồng bỏ con cái, bóc lột, ngược đãi, xâm hại thân thể trẻ em. Số này tuy không nhiều, nhưng hành vi của chúng thời gian gần đây đã gây sốc, gây phẫn nộ cho cộng đồng. Không khó để nhận dạng những trẻ em bị bọn chăn dắt buộc đi xin ăn ở một số đô thị lớn kiếm tiền mang về cho chúng tiêu xài, không thiếu những cảnh đời cơ cực của trẻ em ở một số cơ sở sản xuất tư nhân nhỏ lẽ, vô cảm như bà bảo mẫu Quảng Thị Kim Hoa ở Đồng Nai hành hạ các cháu mầm non, ác tâm như vợ chồng Đức – Phương, chủ quán phở ở Hà Nội hành hạ em Nguyễn Thị Bình và mất nhân tính như vợ chồng Giang -Thơm hành hạ dã man em Nguyễn Hào Anh. Pháp luật sẽ trừng trị thích đáng những kẻ vô lương tâm, hành hạ ngược đãi trẻ em và những trường hợp vừa nêu đều phải đối diện với pháp luật. Tuy nhiên điều quan trọng của việc bảo vệ và chăm sóc trẻ em phải là ngăn chặn, phát hiện kịp thời những hành vi bạo hành, ngược đãi chứ không phải để sự việc xảy ra dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như trường hợp em Bình, em Hào Anh thì pháp luật mới chế tài. Muốn vậy, người dân phải phát huy hơn nữa tính cộng đồng và chính quyền địa phương, cụ thể là công an địa phương phải gần dân hơn nữa, đi sâu, đi sát với cơ sở nhằm một mặt giúp đỡ khó khăn, mặt khác ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật có thể xảy ra. Chăm sóc và giáo dục trẻ em cũng không phải chỉ định kỳ vào các ngày quốc tế thiếu nhi 1-6 hay trung thu mới thể hiện, thông qua hình thức khen thưởng, trại hè, ngày hội trăng rằm… dù rằng đó là việc làm không thể thiếu. Chăm sóc, giáo dục trẻ em đúng nghĩa là quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần theo hoàn cảnh và điều kiện đặc thù của từng địa phương như xây dựng thêm trường lớp, sân chơi thiếu nhi, nhà văn hóa, tổ chức sinh hoạt cộng đồng lành mạnh …. Để việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em phát huy hiệu quả cao hơn, hạn chế nạn bạo hành, ngược đãi trẻ em, thiết nghĩ rằng vấn đề cốt lõi là phải nâng cao nhận thức của cộng đồng. Muốn vậy công tác tuyên truyền giáo dục luật pháp cần được các cơ quan chức năng, đoàn thể chú trọng hơn nữa. Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em là sự nghiệp muôn đời chứ không phải chỉ thể hiện trong ngày quốc tế thiếu nhi./. Huy Quân

Nguồn VOH: http://voh.com.vn/news/newsdetail.aspx?id=18778