Bình luận: An toàn vệ sinh thực phẩm và công tác chuẩn bị thực thi luật an toàn vệ sinh thực phẩm

(VOH) - Tình hình vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm trong một số sản phẩm chăn nuôi trồng trọt thời gian gần đây đang ở mức báo động. Việc sử dụng không đúng qui định các hóa chất bảo vệ thực vật; kháng sinh và hormon trong các sản phẩm nông sản còn khá phổ biến, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người tiêu dùng. Vấn đề bức xúc nhất trong công tác an toàn vệ sinh thực phẩm ở nước ta là chính khâu quản lý.

Dù mới đây tại kỳ họp quốc hội lần thứ 7 - Quốc hội khóa 12 đã thông qua luật vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng phải chờ đến ngày 1/7/2011 luật mới có hiệu lực. Hiện nay có quá nhiều bộ, ngành cùng tham gia quản lý thực phẩm, nhưng lại không có cơ quan nào chịu trách nhiệm chính. Do đó, khi phát hiện vi phạm trong vệ sinh an toàn thực phẩm các cơ quan chức năng thường đùn đẩy trách nhiệm hoặc viện cớ chờ phối hợp xử lý, làm mất nhiều thời gian và giảm hiệu quả trong quản lý, dẫn đến công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm không đạt hiệu quả. Theo thống kê của Bộ Y tế, năm 2009 nước ta đã xảy ra hơn 5.000 ca ngộ độc thực phẩm, khoảng 4.000 ca phải nhập viện, trong đó các nguyên nhân được xác định phần lớn là do nhiễm độc thực phẩm tự nhiên và nhiễm khuẩn nhưng chưa có cơ sở chăn nuôi trồng trọt nào bị xử lý, dù chỉ xử lý hành chính. Điều mà nhân dân- những người tiêu dùng đòi hỏi các cơ quan quản lý là phải xử lý các cơ sở vi phạm phải kiên quyết, không thể xử lý qua loa, đại khái như nhiều cơ quan, địa phương đang làm hiện nay. Phải có biện pháp chế tài thật mạnh, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự trước pháp luật đối với những người chăn nuôi, trồng trọt dùng các hóa chất cấm sử dụng để tăng trọng nhanh, để thu hoạch nhiều sản phẩm của mình bất chấp sức khỏe người tiêu dùng. Luật vệ sinh an toàn thực phẩm mới được thông qua đã đưa ra cách tiếp cận tổng thể và toàn diện trên toàn quốc. Luật đã giảm số lượng các bộ ngành liên quan cùng tham gia quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, do đó sẽ dễ quản lý và xử lý hơn. Luật cũng quy định mức xử phạt sẽ cao hơn, số tiền phạt có thể gấp 7 lần giá trị sản phẩm và toàn bộ hàng hóa sẽ bị tịch thu, thậm chí còn truy cứu trách nhiệm hình sự. Rõ ràng biện pháp xử lý vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm có mạnh hơn, nghiêm hơn, mức răn đe cao hơn, tuy nhiên, vấn đề mà các chuyên gia về vệ sinh an toàn thực phẩm đang lo là khi luật có giá trị, liệu các cơ quan chức năng có thực thi được hay không ? Bởi chúng ta đang thiếu hụt nhiều thứ, trong đó quan trọng nhất là thiếu người và thiếu tâm huyết. Hiện nay nước ta chỉ có khoảng 100 người chuyên trách về an toàn vệ sinh thực phẩm, trong đó, Bộ Y tế có 12 người, Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn có 17 người-.Mỗi tỉnh 1 người. Con số nầy quả không làm gì được khi luật vệ sinh an toàn thực phẩm có hiệu lực-.Theo các đại biểu quốc hội tính toán, cả nước cần phải có từ 3.000 đến 5.000 người chuyên trách vệ sinh an toàn thực phẩm. Thời gian từ nay đến ngày 1/7/2011 - ngày luật có hiệu lực - liệu chúng ta chuẩn bị kịp số lượng, cán bộ chuyên trách bảo vệ vệ sinh an toàn thực phẩm hay không? Rồi trình độ đội ngũ thanh tra, giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm thế nào? Đặc biệt là đối với các hành vi vi phạm tinh vi trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt. Luật đã được Quốc hội thông qua, Chính phủ phải có trách nhiệm tổ chức thực hiện vì mục tiêu hướng đến là bảo vệ sức khỏe nhân dân. Đây là điều nhân dân mong đợi.

Nguồn VOH: http://voh.com.vn/news/newsdetail.aspx?id=20353