Bình Thuận phát triển ngành thủy sản theo hướng bền vững

ND- Bình Thuận là một trong những "vựa cá" lớn của nước ta và lâu nay, thủy sản luôn là ngành kinh tế "mũi nhọn" ở vùng đất cực Nam Trung Bộ này. Phát triển toàn diện ngành thủy sản theo hướng bền vững là cách mà Bình Thuận tiếp tục chọn lựa để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương...

Phát triển năng lực đánh bắt Với bờ biển dài 192 km, vùng lãnh hải rộng hơn 52 nghìn km2, có huyện đảo Phú Quý cách đất liền 56 hải lý, Bình Thuận có ngư trường thuận lợi, giàu nguồn lợi thủy sản nhất nước ta. Theo khảo sát của ngành thủy sản, khả năng cho phép khai thác hải sản các loại ở vùng biển Bình Thuận từ độ sâu 50 m trở vào bờ có thể hơn 120 nghìn tấn/ năm. Được thiên nhiên ưu đãi, bao đời nay, một bộ phận lớn dân cư vùng biển Bình Thuận đã xem biển như là "nồi cơm chung" và khai thác, đánh bắt hải sản luôn giữ vị trí quan trọng trong đời sống kinh tế của cả tỉnh. Theo đà phát triển và được sự khuyến khích từ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, bà con ngư dân Bình Thuận mạnh dạn đầu tư tàu to, máy lớn vươn ra xa khơi đánh bắt dài ngày để đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Anh Hồ Thanh Liêm, sinh năm 1967, vốn là một ngư dân nghèo ở phường Đức Thắng, TP Phan Thiết (Bình Thuận). Nhờ mạnh dạn dám nghĩ, dám làm trên cơ sở kinh nghiệm và sự tính toán hợp lý, nay đã trở thành ông chủ của ba tàu cá có tổng công suất đến 800 sức ngựa chuyên hành nghề giã cào khơi, giải quyết việc làm thường xuyên, tạo thu nhập ổn định cho 18 lao động. Năm năm gần đây, gia đình anh (năm người) luôn có số dư từ thu nhập nghề cá khoảng 250 triệu đồng/năm và 18 lao động trên các thuyền của anh cũng có thu nhập bình quân hai triệu đồng/ người/tháng. Giống như anh Liêm, đầu tư đóng mới tàu cá công suất lớn là xu hướng chung của nhiều ngư dân ở Bình Thuận. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Bình Thuận, đến nay, toàn tỉnh có khoảng 8.720 tàu cá với tổng công suất 610.400 sức ngựa, bình quân đạt 70 sức ngựa/ tàu, trong đó, tàu cá có công suất từ 90 sức ngựa trở lên là 1.580 chiếc. So năm 2005, công suất bình quân mỗi tàu cá tăng bình quân 22,2 sức ngựa, riêng tàu cá có công suất từ 90 sức ngựa trở lên tăng đến 677 chiếc. Nhờ năng lực đánh bắt phát triển cộng với việc ứng dụng các tiến bộ của khoa học, kỹ thuật vào khai thác, bảo quản sản phẩm ngày càng được quan tâm, nên sản lượng khai thác hải sản ở Bình Thuận tăng đều theo từng năm, chất lượng sản phẩm cũng được nâng lên rõ rệt. Năm nay, sản lượng hải sản các loại khai thác được của toàn tỉnh ước đạt hơn 170 nghìn tấn. Khi có nhiều tàu cá công suất lớn vươn ra khơi xa, bám biển đánh bắt dài ngày và yêu cầu về chất lượng nguồn nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu ngày càng khắt khe, thì đội tàu dịch vụ trên biển cũng phát triển mạnh. Mối quan hệ "kéo theo" khá lý thú này trong nghề cá ở Bình Thuận manh nha từ đầu những năm 90 (thế kỷ 20), đến nay, đã có khoảng 74 chiếc như là những "chợ nổi" hoạt động lưu động trên vùng biển Bình Thuận và các tỉnh lân cận. Trong số này, có đến 51 chiếc có công suất từ 400 sức ngựa trở lên, được trang bị hệ thống cấp đông khá hiện đại. Các tàu dịch vụ cung ứng lương thực, nhu yếu phẩm, nhiên liệu cho các tàu cá và thu mua lại sản phẩm ngay ngoài khơi, giúp bà con ngư dân giảm đáng kể chi phí di chuyển vào bờ, tăng thêm thời gian bám biển, đồng thời bảo đảm tốt chất lượng "đầu vào" cho ngành công nghiệp chế biến. Để cho tàu cá, tàu dịch vụ hoạt động an toàn, hiệu quả trên biển, nhiều năm qua, ngành thủy sản tỉnh Bình Thuận đã tập trung hướng dẫn, phổ biến cho bà con ngư dân trang bị các thiết bị điện tử hàng hải khá hiện đại. Hiện nay, hầu hết tàu thuyền có công suất từ 20 sức ngựa trở lên đều trang bị máy thông tin vô tuyến với tầm hoạt động từ 30 đến 40 hải lý và có 1.228 tàu cá trang bị máy thông tin liên lạc tầm xa. Các loại máy tầm ngư, định vị được các tàu cá sử dụng khá phổ biến. Tuy nhiên, hiệu quả hơn cả là bà con ngư dân Bình Thuận đã phát huy tốt truyền thống đoàn kết, hợp tác, hỗ trợ nhau trên biển. Được sự hướng dẫn, hỗ trợ của các cấp chính quyền và các ngành chức năng, vài năm gần đây, nhiều "Tổ đoàn kết" khai thác thủy sản trên biển ở Bình Thuận đã được hình thành nhằm hỗ trợ nhau trong khai thác, vận chuyển, cứu hộ, cứu nạn. Ông Ngô Văn Chức, chủ của ba tàu cá 90, 220 và 320 sức ngựa ở thôn Phú Long, xã Long Hải, huyện đảo Phú Quý, cho biết: Ban đầu, "Tổ đoàn kết" do ông làm Tổ trưởng chỉ có ba tàu, nay đã là 12 tàu, năm nào, các tàu trong tổ cũng làm ăn khấm khá. Hiện tại, toàn tỉnh đã hình thành 512 "Tổ đoàn kết" với 3.429 tàu, thuyền và 21.781 lao động tham gia. Không chỉ giúp đỡ nhau khi gặp hoạn nạn trên biển, chia sẻ thông tin những nơi nhiều cá, mực, các " Tổ đoàn kết" còn góp phần bảo đảm trật tự, trị an trên biển và bảo vệ chủ quyền lãnh hải của quốc gia... Mở rộng diện tích, đối tượng nuôi Không chỉ tập trung phát triển năng lực đánh bắt, khai thác hải sản từ biển, Bình Thuận còn chú trọng khai thác lợi thế vùng ven biển, mặt biển, các ao, hồ để mở rộng diện tích nuôi thủy sản và đưa thêm nhiều đối tượng nuôi mới vào thực tế sản xuất. Lợi thế sản xuất tôm giống tiếp tục được duy trì, phát triển với 150 cơ sở, sản lượng sản xuất và tiêu thụ từ đầu năm đến nay khoảng bảy tỷ con tôm giống, tăng gần 43% so năm 2005. Gần đây, diện tích nuôi tôm sú ở Bình Thuận có giảm do phát triển du lịch, công nghiệp, khu dân cư, nhưng bà con đã nhanh chóng chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng, vừa rút ngắn thời gian thu hoạch lại đạt năng suất cao. Ước tính trong năm nay, toàn tỉnh thu hoạch khoảng 5.500 tấn tôm nuôi, sản lượng tăng gần hai lần so năm 2005. Theo nhu cầu của thị trường, nhiều vùng nuôi thủy sản nước lợ ở Bình Thuận đã thả nuôi thêm cá chẽm, cua biển...bước đầu đạt hiệu quả khá cao. Nuôi thủy sản nước ngọt cũng được phát triển khá mạnh, nhất là vùng ven sông La Ngà ở hai huyện Đức Linh, Tánh Linh và ở các hồ thủy lợi lớn trong tỉnh với diện tích khoảng 1.500 ha. Các doanh nghiệp, hộ gia đình tập trung thả nuôi các loại có giá trị kinh tế cao như cá bống tượng, điêu hồng, rô đồng, cá chình...Gần đây, có doanh nghiệp thuê mặt nước hồ thủy điện Đa Mi ở huyện Hàm Thuận Bắc thí điểm nuôi cá tầm của xứ lạnh kết hợp với du lịch sinh thái, bước đầu đã có "tín hiệu" khá triển vọng. Hiệu quả và độc đáo hơn cả vẫn là phát triển nuôi hải sản trên biển, tập trung nhiều nhất ở huyện đảo Phú Quý. Bí thư Huyện ủy Phú Quý, Huỳnh Văn Hưng, cho biết: Toàn đảo hiện có 103 cơ sở nuôi thủy sản với diện tích hơn 18 nghìn m2 mặt biển, sản lượng thu hoạch bình quân hằng năm từ 150 đến 200 tấn, chủ yếu là các loại hải đặc sản có giá trị kinh tế cao, được thị trường trong và ngoài nước tiêu thụ mạnh như cá mú, cá giò, cá bò, tôm hùm, các loại ốc...Nhiều hộ nuôi thủy sản ở đảo Phú Quý có thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng. Theo Sở NN và PTNT Bình Thuận, ước tính trong năm 2010 này, tổng sản lượng thủy sản nuôi của toàn tỉnh đạt khoảng 13.500 tấn, tăng gần gấp hai lần so năm 2005, bổ sung thêm đáng kể nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến xuất khẩu... Nâng cao giá trị, hiệu quả ngành thủy sản Một mối quan hệ "kéo theo" khác trong ngành thủy sản là khi sản lượng sản xuất đạt khá, thì công nghiệp chế biến cũng phát triển tương ứng, mang lại giá trị tăng thêm khá lớn. Cũng như nhiều vùng biển khác, chế biến thủy sản ở Bình Thuận đã được quan tâm phát triển khá sớm và hằng năm, kim ngạch xuất khẩu từ các mặt hàng hải sản luôn chiếm tỷ lệ "áp đảo" trong tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Hiện tại, năng lực cấp đông toàn tỉnh đạt 120 tấn/ ngày, chế biến khô 70 tấn/ ngày và kho lạnh bảo quản sản phẩm có tổng sức chứa khoảng tám nghìn tấn. Năm nay, sản lượng thủy sản xuất khẩu toàn tỉnh ước đạt khoảng 19.500 tấn với giá trị ước khoảng 70 triệu USD. Hiện tại, thị trường xuất khẩu thủy sản của Bình Thuận vẫn tiếp tục giữ ổn định ở 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hoạt động chế biến phục vụ thị trường nội địa cũng được các doanh nghiệp của tỉnh chú trọng, tập trung ở các sản phẩm nước mắm, cá khô tẩm gia vị, các loại thủy sản tươi sống... Tuy vậy, sự phát triển của ngành thủy sản ở Bình Thuận trong thời gian qua vẫn còn một số hạn chế, yếu kém. Rõ nhất là việc chuyển đổi nghề trong khai thác còn chậm do vướng mắc về cơ chế, chính sách. Công tác thông tin, dự báo ngư trường, nguồn lợi phục vụ cho chương trình khai thác xa bờ và quản lý môi trường các vùng nuôi còn nhiều hạn chế. Quy mô nuôi thủy sản nước ngọt còn nhỏ lẻ, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Tình trạng vi phạm bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong ngư dân còn khá phổ biến. Tiến độ triển khai các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nghề cá còn chậm, nhất là các công trình phục vụ tránh, trú bão. Giám đốc Sở NN và PTNT Bình Thuận, Nguyễn Ngọc Hai, cho biết: Năm năm tới, tỉnh sẽ tập trung phát triển toàn diện ngành thủy sản theo hướng bền vững cả về khai thác, nuôi trồng, chế biến, dịch vụ hậu cần, bảo vệ nguồn lợi và đẩy mạnh xuất khẩu. Theo đó, quản lý khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản gần bờ (từ 50 m nước trở vào), duy trì hợp lý việc khai thác ở khu vực biển này. Đẩy mạnh đánh bắt xa bờ có tổ chức bằng các loại nghề phù hợp, bảo đảm hiệu quả và an toàn, đồng thời vận động ngư dân tham gia chương trình hợp tác khai thác hải sản với các nước trong khu vực theo chủ trương chung của Chính phủ. Tổ chức tốt các hoạt động dịch vụ, phát huy hiệu quả các bến cảng, bến cá để thu hút tàu, thuyền trong và ngoài tỉnh tập kết tiêu thụ sản phẩm. Đến năm 2015, sản lượng thủy sản khai thác đạt khoảng 175 đến 180 nghìn tấn. Phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng thâm canh, quản lý chặt chẽ môi trường và các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng sản lượng thủy sản nuôi đạt 25 nghìn tấn; sản xuất giống tôm và thủy sản khác đạt 10 tỷ con vào năm 2015. Khuyến khích các doanh nghiệp chế biến đổi mới công nghệ, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, không ngừng nâng cao chất lượng, đa dạng hóa các sản phẩm xuất khẩu; phấn đấu đến năm 2015, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh đạt giá trị khoảng 120 triệu USD...Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng thủy sản thiết yếu, trước hết là nơi neo nậu cho tàu cá tránh, trú bão; cảng cá; hạ tầng các khu quy hoạch chế biến, nuôi trồng thủy sản tập trung. Với tiềm năng, lợi thế sẵn có; với kinh nghiệm sản xuất được tích lũy từ bao đời nay và định hướng phát triển đúng đắn, tin rằng ngành thủy sản Bình Thuận sẽ tiếp tục vươn xa trong tương lai. Bài và ảnh: Dương Hồng Lâm

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=184369&sub=131&top=38