Biết ơn sự khoan dung

Với tôi, khoan dung chính là việc hóa giải những hận thù, những sai lầm, những vô minh bằng tha thứ, đùm bọc, yêu thương chân thành. Lòng khoan dung giữa người với người là điều còn lại mãi mãi... Tôi may mắn được gặp, được nghe chuyện của những người mà họ luôn biết ơn lòng khoan dung của con người, của cuộc đời dành cho...

Ảnh: Guido Alberto Rossi

1. Có một vụ án ma túy nghiêm trọng, xuyên quốc gia một thời chắc nhiều người chúng ta còn nhớ... Thời gian đã xóa đi tội ác, xóa đi những nỗi đau, mặc cảm, mất mát... Và, lớn hơn cả là sự khoan dung của người với người đã tạo nên nền tảng yêu thương.

Tôi gặp lại người phụ nữ - con gái của một tử tù gần 30 năm trước - chị năng động điều hành công việc, hầu như không có khái niệm về chữ buồn! Tôi ngỡ ngàng, rồi chợt hiểu chị đã vượt khổ đau, tủi hờn, thị phi để tồn tại. Chị không gục ngã vì nỗi bất hạnh mà nhiều người đã lo lắng cho chị em mình ngày xa xưa, khi chị là một cô bé.

Chị không nói gì về cuộc sống riêng, mà chỉ hào hứng kể với chúng tôi về việc hiện tại chị đang làm. Lúc chỉ còn hai chúng tôi, chị cười mà nước mắt rơi: "Cháu biết lúc tòa án tuyên tử hình bố cháu, bác đang ở đó. Đứa bé chưa 10 tuổi là cháu không thể hiểu nổi những gì đang xảy ra, cháu chỉ biết bố mẹ cháu đã gây ra tội lỗi gì ghê gớm lắm. Cháu yêu bố nên căm ghét tất cả mọi người xung quanh đó, kể cả bác. Chị em cháu mồ côi cha mẹ nhưng không giống những đứa trẻ bình thường, vì chúng cháu bị ghét bỏ, cũng bị coi là kẻ phạm tội. Cái mặc cảm nhục nhã ấy cứ bám riết suốt tuổi thơ buồn tủi của chị em cháu. Cho đến một hôm, có một người thầy không chỉ dạy chữ, mà còn dạy chị em cháu cách chấp nhận cuộc sống, dẫu thân phận hèn kém đến đâu cũng không được chối bỏ chính mình! Khi đó, cháu bắt đầu học cấp ba. Lúc đầu, chị em cháu khó chấp nhận việc phải thay đổi bản thân, nhưng rồi cháu thay đổi từ khi nào chẳng rõ. Chị em cháu ra đường không cúi đầu nơm nớp lo sợ nữa, đến lớp thì các bạn rủ cùng học, cùng chơi. Bà hàng xóm có món gì ngon là chị em cháu được cùng ăn..., chị em cháu dần lớn khôn trong vòng tay chở che, đùm bọc của mọi người. Cái tên "con của tử tù" không ai nhắc nữa. Chị em cháu khôn lớn, trưởng thành, và mình đã chính là mình, bác ạ! Thầy giáo chủ nhiệm chính là cha mẹ sinh ra chị em cháu lần thứ hai. Cha cháu dẫu không được nuôi dạy chị em cháu, nhưng chắc đã an lòng, vì dù tội nghiệt đến đâu cũng vẫn là con người, và chị em cháu vẫn yêu cha bởi đó là bậc sinh thành...". Thêm một lần tôi chứng kiến những giọt nước mắt hạnh phúc của một con người cùng khốn. Và, thêm một lần tôi hiểu nhiều hơn ý nghĩa của sự khoan dung đã đem lại sự sinh tồn cho con người.

2. Ngày áp Tết, trên chuyến xe khách đường trường đến vùng núi Kon Tum, một hành khách nhỏ nhoi thu mình trong chiếc ghế vốn chẳng rộng rãi gì. Anh khách có nước da xanh mái, đôi mắt ưu phiền của người bệnh tật. Chúng tôi làm quen, trò chuyện cho bớt cảm giác đường dài. Ngỡ khó bắt chuyện, nhưng thật bất ngờ, chàng trai rất cởi mở. Câu chuyện mà anh kể xoay quanh nỗi thống khổ mà anh từng trải, và lòng biết ơn mọi người luôn tha thứ, cưu mang để hôm đó anh ngược rừng tìm gia đình mà anh đã bỏ rơi nhiều năm trước đó.

Anh tên là Biên, quê ngoài Bắc, theo cha mẹ vào Tây Nguyên lập nghiệp. Chưa thạo nghề trồng rừng, chưa đủ lực nuôi vợ con, nghe bạn rủ, anh bỏ rừng, bỏ cha mẹ, vợ con, tìm về thành phố để mong tìm cuộc sống yên ấm hơn. Không có tiền, không có nghề, rồi sa vào những cạm bẫy. Trộm cắp, hút xách, bị bắt, được tha, rồi bị bắt, rất nhiều lần như thế. Có nhà cửa, cha mẹ, anh chị em, vợ con, nhưng xuống núi, anh cắt đứt quan hệ với người thân, trở thành người cầu bơ, cầu bất, lúc đói, lúc no, lúc phê li bì, lúc trong nhà tạm giam của công an lạnh lẽo... Trong một lần bị bắt vì giật túi của một bà lão, lẽ ra Biên phải lĩnh án tù vì đã gây cho bà cụ bị tàn phế, nhưng thương cảm anh, gia đình bà đã xin cho anh tại ngoại. Ngỡ là chừa, nhưng chứng nào tật nấy, anh lại phạm tội cướp chiếc bánh mì đứa trẻ đang ăn trước cổng trường. Bị đưa vào đồn công an, Biên đổ bệnh, nôn ra máu, nên được đưa vào bệnh viện. Bác sĩ lắc đầu khi kết quả xét nghiệm cho biết Biên bị nhiều bệnh, có bệnh rất nặng như viêm gan, thủng dạ dày, tụy, mật, phổi đều cần được chữa trị. Biên thất thần, vì lấy đâu tiền mà chữa bệnh! Những ngày nằm bệnh viện, Biên cảm động vì mấy anh cảnh sát còn nhỏ tuổi hơn anh vào ra thăm hỏi, động viên, cho quà. Các bác sĩ, nhân viên y tế cũng chăm sóc Biên chu đáo, chứ không đối xử như với kẻ tội phạm. Chưa bao giờ Biên lại khóc như trẻ con khi bác sĩ chữa bệnh cho anh (cũng tuổi độ tứ tuần như Biên) thường nán lại để hỏi han, trò chuyện, khuyên anh nên trở về nhà của mình, nên tập sống lại, và phải chữa bệnh... Anh may mắn là gặp được những cảnh sát tốt bụng, những bác sĩ thương người, kể cả với những người Biên gây tội với họ, anh vẫn được tha thứ và cưu mang. Vì thế, bệnh vừa đỡ, anh được cả bác sĩ, cả anh công an đường phố tạo điều kiện cho về với gia đình. Bác sĩ đã mua thuốc, mua vé xe để anh về...

Câu chuyện đã dừng lại... tôi tưởng Biên mệt, đã ngủ, nhưng không, Biên nói là: Em gặp quá nhiều người tốt cứu em, mà em thì vô ơn lắm, bất hiếu với cha mẹ, thiếu trách nhiệm với gia đình, vợ con, và với chính bản thân. Vậy mà, em không bị hắt hủi, lạ thiệt"!. Tôi nói đó là lòng khoan dung, là tình thương, là sự tha thứ của mọi người đối với Biên, mong muốn Biên là một người tốt của mọi người và của chính anh.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/biet-on-su-khoan-dung-516053.bld