Biển Đông 2012: Âm mưu và hành động

2012 là năm chứng kiến Trung Quốc có những cuộc đối đầu “tóe lửa” với các nước láng giềng vì tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Với tư cách nước lớn, Trung Quốc liên tục hoành hành và khuấy đảo vùng biển nóng bỏng này với mục đích cao nhất là giành cho bằng được “chủ quyền” đối với những vùng lãnh thổ, lãnh hải đang nằm trong tranh chấp.

-

Biển Đông là nơi chứng kiến nhiều cuộc đối đầu nóng bỏng nhất giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực. Hiện tại, Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh hải ở khu vực Biển Đông với một loạt nước gồm Philippine, Việt Nam, Brunei, Malaysia và Vùng lãnh thổ Đài Loan.
Biển Đông vốn là khu vực giàu dầu mỏ, khí đốt và là nơi có nhiều tuyến đường hàng hải chiến lược quan trọng. Vì tầm quan trọng của Biển Đông, Trung Quốc có tham vọng độc chiếm khu vực biển này. Điều đó đã được thể hiện rõ qua lập trường, chính sách và những hành động của Trung Quốc trong thời gian vài năm trở lại đây. Tuy nhiên, năm 2012 có lẽ là năm mà Trung Quốc tỏ ra quyết liệt nhất, hung hăng nhất trong các cuộc tranh chấp ở Biển Đông.
Mở màn cho “cơn bão” Biển Đông kéo dài suốt năm qua là cuộc đối đầu quyết liệt giữa tàu chiến lớn nhất của Philippines với hai tàu hải giám của Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough hôm 8/4/2012. Sau khi máy bay do thám Philippines phát hiện các tàu đánh cá của Trung Quốc lượn lờ ở bãi cạn Scarborough. Tàu chiến lớn nhất của Philippine thuộc lớp Hamilton đã đến khu vực để chặn tàu thuyền Trung Quốc. Khi tàu Philippines chưa kịp hành động thì hai tàu hải giám của Trung Quốc đã nhanh chóng xuất hiện. Hai con tàu này ngang nhiên đi vào chắn giữa tàu của Hải quân Philippines và những con tàu đánh cá của Trung Quốc.
Vụ va chạm tàu thuyền trên đã châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng kéo dài gần 2 tháng giữa Trung Quốc và Philippines đồng thời nó khiến cho “cơn bão” Biển Đông tiếp diễn suốt cả năm qua và kéo sang tận năm nay mà chưa có dấu hiệu dịu đi. Trong suốt thời gian này, Bắc Kinh đã dùng những lời lẽ mạnh mẽ nhất và gay gắt nhất để chỉ trích Manila. Không dừng lại ở đó, Bắc Kinh còn có nhiều động thái quân sự như tổ chức tập trận, triển khai tàu chiến, “khoe” vũ khí hiện đại… nhằm uy hiếp, đe dọa và làm nhụt chí Manila trong cuộc tranh chấp lãnh hải với họ ở Biển Đông.
Sau cuộc đối đầu với Philippines, Trung Quốc tiếp tục có những hành động “gây gổ” với Việt Nam. Hôm 23/6, Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc đã ngang nhiên thông báo chào thầu quốc tế tại 9 lô dầu khí nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam.
Một trong những động thái gây sóng gió lớn nhất ở Biển Đông trong năm 2012 là việc Trung Quốc hồi tháng 6 thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” với phạm vi quản lý hơn 200 đảo nhỏ, bãi cát và bãi đá ngầm ở 3 quần đảo lớn ở Biển Đông, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Sau khi dựng lên chính quyền ở đây, Trung Quốc còn trắng trợn đưa quân đến đồn trú ở cái gọi là “thành phố Tam Sa” này.
Song song với những động thái trên, Trung Quốc còn thường xuyên huy động một lượng lớn tàu thuyền ngang nhiên đi vào các vùng tranh chấp, quấy nhiễu, thị uy tàu thuyền các nước khác.
Tiếp tục những chuỗi dài hành động gây căng thẳng ở Biển Đông, hồi tháng 11 mới đây, Trung Quốc đã khiến các nước trong và ngoài khu vực tức giận khi thông báo về việc đưa bản đồ có đường 9 đoạn vào hộ chiếu phổ thông cấp cho người dân nước này. Trung Quốc đưa ra đường 9 đoạn hay còn gọi là đường lưỡi bò nhằm độc chiếm gần như toàn bộ Biển Đông. Chính vì thế, đường lưỡi bò phi lý của họ bị cộng đồng quốc tế phản đối kịch liệt.
Sự hung hăng của Trung Quốc vẫn chưa dừng ở đây, cũng trong tháng 11, khi các nước còn chưa hết tức giận với vụ hộ chiếu thì Trung Quốc tiếp tục “khuấy tung” Biển Đông bằng việc đưa ra một luật mới. Theo đó, Trung Quốc cho phép lực lượng cảnh sát nước này xông lên lục soát, bắt giữ tàu thuyền của các nước khác ở những vùng lãnh hải tranh chấp thuộc Biển Đông. Luật mới của Trung Quốc đã khiến cộng đồng quốc tế đặc biệt lo ngại.
Tiếp tục những hành động vi phạm trắng trợn chủ quyền của Việt Nam, hôm 23/11, Trung Quốc cho xuất bản bản đồ “Tam Sa”, phạm vi bao gồm 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.
Nghiêm trọng hơn, sáng ngày 30/11, trong khi tàu Bình Minh 02 của Việt Nam đang tiến hành thăm dò địa chấn bình thường trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam thì bị 02 tàu cá Trung Quốc cố tình cản trở và gây đứt cáp, bất chấp các lực lượng chức năng của Việt Nam đã phát tín hiệu cảnh báo.
Những động thái của Trung Quốc trong thời gian qua đã phơi bày tham vọng độc chiếm Biển Đông, biến khu vực biển chiến lược giàu tài nguyên thành “ao nhà” của họ. Những hành động hung hăng liên tiếp của Trung Quốc trong năm qua là nhằm đe dọa, thị uy và khiến các nước có tranh chấp ở Biển Đông phải nhụt chí, lùi bước. Thông qua đó, Trung Quốc tiếp tục từng bước lấn tới độc chiếm khu vực Biển Đông. Tuy nhiên, ý đồ lần tới của Trung Quốc khó mà thực hiện được khi nước này vấp phải sự phản đối mạnh mẽ và quyết liệt không chỉ của các nước có tranh chấp mà của cả cộng đồng quốc tế.
Trong khi Trung Quốc thể hiện thái độ hung hăng, hiếu chiến thì các nước có tranh chấp ở Biển Đông cũng kiên quyết không nhân nhượng, sẵn sàng đối đầu với Trung Quốc. Các cuộc tranh chấp ở Biển Đông vì thế tiếp tục “nóng bỏng” trong những ngày đầu năm 2013 và được dự báo sẽ còn tiếp tục kéo dài cả năm.

Kiệt Linh

Nguồn VnMedia: http://www6.vnmedia.vn/newsdetail.asp?catid=17&newsid=723853