Bị thiệt hại nặng nề do hàng xóm cải tạo nhà cổ không phép

UBND phường Tràng Tiền khẳng định, việc xây dựng sửa chữa nhà cổ không có giấy phép là sai trái, đồng thời yêu cầu ông Ngọc tự khắc phục và phải có biện pháp đảm bảo an toàn cho các hộ ở dưới tầng 1. Song, chủ đầu tư không chấp hành và đã gây ra thiệt hại hàng trăm triệu đồng cho các hộ bị ảnh hưởng.

Từ việc cải tạo nhà cổ không phép

Ngôi nhà cổ hai tầng ở số 23 Hai Bà Trưng, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội được xây dựng từ thời Pháp đến nay đã hơn trăm năm tuổi. Ngôi nhà cổ này được xây dựng bằng hệ thống tường chịu lực, không có cột bê tông cốt thép, sàn nhà tầng 2 được ghép bằng gỗ. Hiện tại, ngôi nhà này được chia thành nhiều căn hộ nhỏ và thuộc quyền sở hữu của nhiều hộ gia đình. Theo phản ánh, từ đầu tháng 7/2015, gia đình ông Đặng Duy Ngọc, trú tại tầng 2, nhà số 23 Hai Bà Trưng tiến hành xây dựng sửa chữa nhà gây nhiều tiếng ồn và gây thấm dột xuống các hộ gia đình ở dưới tầng 1.

Ngôi nhà cổ hơn trăm năm tuổi ở số 23 Hai Bà Trưng đang bị xâm hại

Ngày 19/7, khi thấy tường nhà ở dưới tầng 1 bắt đầu xuất hiện các vết nứt, trần nhà bị rạn và thấm nước, ông Lê Phúc Hậu và ông Trần Đăng Sơn, trú tại tầng 1 của ngôi nhà này, lên kiểm tra thì phát hiện nhà ông Ngọc đã đổ sàn bê tông cốt thép trực tiếp lên mặt sàn gỗ được xây dựng từ thời Pháp. Gia đình ông Ngọc còn đục phá sàn nhà và tường ngăn chịu lực trên tầng 2 để cấy cốt thép, đổ cột bê tông. Ông Hậu và ông Sơn cho rằng, việc làm này của gia đình ông Ngọc đã làm thay đổi kết cấu của ngôi nhà, làm suy yếu tường chịu lực, gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của các hộ gia đình sinh sống ở dưới tầng 1. Mặt khác, khi xây dựng cải tạo, gia đình ông Ngọc không xin ý kiến các hộ xung quanh và cũng không được các cơ quan chức năng cho phép.

Sau khi nhận được phản ánh, ngày 30/7, UBND phường Tràng Tiền tổ chức cuộc họp với các hộ dân liên quan. Ông Ngọc cho rằng, do nhà đã cũ và theo các hộ dân ở dưới đề nghị sửa chữa, cải tạo trần tầng 1 để đảm bảo an toàn. Do không biết nên ông Ngọc đã tự làm, không xin phép. “Tôi cũng chỉ làm thêm cột để gia cố, đảm bảo an toàn cho các bức tường. Tôi cam đoan không xây dựng cơi nới. Nếu các hộ không đồng ý thì gia đình sẽ tự cắt bỏ cột sắt”, ông Ngọc trình bày.

Trần nhà của một hộ gia đình ở dưới tầng 1 bị hư hỏng

Tại cuộc họp này, ông Bùi Văn Luân, Phó Chủ tịch UBND phường Tràng Tiền kết luận: Việc xây dựng cải tạo nhà không có giấy phép của hộ ông Ngọc là sai trái; yêu cầu hộ ông Ngọc phải cắt bỏ các cột sắt trên tầng 2 và thực hiện xong trước ngày 2/8; yêu cầu hộ ông Ngọc phải xuống kiểm tra nhà của các hộ tầng 1, nếu có hư hỏng thì phải có biện pháp gia cố, sửa chữa; ông Ngọc phải cam kết với các hộ ở tầng 1 về đảm bảo an toàn và các công việc, quy mô cải tạo tầng 1 để các hộ dân được biết.

Gây hậu quả lớn

Theo phản ánh của ông Hậu, UBND phường yêu cầu là vậy nhưng ông Ngọc lại không có biện pháp khắc phục triệt để, vẫn còn một hố móng kích thước 30x30cm, sâu khoảng 40-50cm chưa được xử lý. Từ ngày 10/9 đến nay, nhiều người dân phát hiện trên tầng 2 nhà ông Ngọc có nhiều tiếng đục đẽo vào buổi tối, gây tiếng ồn và làm ảnh hưởng đến cuộc sống của các hộ xung quanh.

Lực lượng chức năng kiểm tra tài sản thiệt hại của gia đình ông Hậu

Trước đó, sau những trận mưa lớn, căn nhà của ông Hậu không bị thấm dột. Tuy nhiên, sau trận mưa vào đêm 21/9, rạng sáng ngày 22/9 đã khiến nhà ông Hậu và một số hộ ở tầng 1 bị dột nghiêm trọng, nhiều tài sản, hàng hóa có giá trị đều bị hư hỏng, không thể sử dụng được. Sáng 22/9, UBND phường Tràng Tiền đã tiến hành lập biên bản kiểm tra hiện trạng thiệt hại của các hộ dân. Do gia đình ông Hậu bị thiệt hại nặng nề nên chiều 22/9, CA phường Tràng Tiền cũng đã tiến hành lập biên bản kiểm tra hiện trạng việc ảnh hưởng do mưa lũ.

Nhiều sản phẩm hàng hiệu bị ướt, không thể bán được

Theo đó, ghi nhận hiện trạng công trình cải tạo đang bị đình chỉ thi công tại tầng 2 nhà số 23 Hai Bà Trưng của gia đình ông Ngọc, đoàn kiểm tra thấy: Hai cửa sổ hướng ra đường Hai Bà Trưng không có cánh cửa che mưa, nắng; phía trên mái tôn có nhiều lỗ thủng; phần sàn nhà có các lỗ thủng đang thi công dở. Kết quả kiểm tra cho thấy, mưa lũ kéo dài đã gây thấm từ trần dọc theo tường nhà làm ngấm nước một số tài sản để trên giá bán hàng sát tường và các tài sản khác do dột từ trần nhà xuống. Tài sản bị thiệt hại gồm: 205 chiếc áo sơ mi; 60 áo phông; 18 calavat; 24 hộp giầy; 1 laptop hiệu Sony Vaio; 10 quần âu; 1 tivi… Theo ông Hậu, hầu hết các hàng hóa bị thiệt hại, không thể bán được đều là sản phẩn của các thương hiệu nổi tiếng được gia đình ông nhập khẩu từ nước ngoài như: Polo; Lascote; Cadrin; Valentino…

Gia đình ông Hậu thống kê và xác định được, tổng giá trị tài sản của gia đình ông bị thiệt hại lên tới hơn 700 triệu đồng. Ông Hậu cho rằng, nguyên nhân khiến căn hộ của ông bị thấm dột, gây thiệt hại lớn về tài sản là do việc xây dựng sửa chữa nhà không phép của gia đình ông Ngọc. Tuy nhiên, trong các buổi làm việc để giải quyết hậu quả, gia đình ông Ngọc đều phủi trách nhiệm và đổ lỗi… do thiên tai.

Báo Pháp luật & Xã hội sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Quốc Doanh

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/ban-doc/bi-thiet-hai-nang-ne-do-hang-xom-cai-tao-nha-co-khong-phep-99191