Bi kịch tình yêu mang tên hết giá trị lợi dụng

Khoa và người yêu sống chung với nhau như vợ chồng và đã tính đến chuyện cưới xin. Bỗng một ngày, người yêu Khoa tuyên bố chia tay vì Khoa đã hết giá trị lợi dụng. Tức giận vì sự phũ phàng của người mình yêu, Khoa đã dùng dao đâm nhiều nhát vào cô này cho đến khi nạn nhân gục tại chỗ. Tình yêu của họ mới chỉ kịp đâm chồi đã chết yểu bởi tính ích kỷ của cả hai...

Tình yêu vụ lợi

Nhiều người vẫn nói, yêu một người không phải là sự chiếm hữu người mình yêu cho riêng mình, mà còn là mong muốn cho người mình yêu được hạnh phúc. Thế nhưng, mấy ai làm được như thế, đặc biệt là khi bất ngờ xuất hiện người thứ ba. Không ai muốn nhường người yêu cho người khác, phần vì tính ích kỷ, phần nữa do tâm lý không thể đối mặt với sự thật mất người yêu. Lòng ích kỷ, hay tâm lý không vững vàng, hoặc cách xử lý tình huống không khôn ngoan của một trong hai người cũng có thể gây ra những bi kịch. Tình yêu của Điền Hữu Khoa (SN 1989, ngụ quận 1, TP.HCM) và chị Bùi Thị Hồng Tr. là một ví dụ.

Ngày Khoa và Tr. yêu nhau, bạn bè ai cũng chúc phúc cho họ, mong họ sẽ nên duyên vợ chồng. Để chứng minh cho người yêu biết tình cảm chân thành của mình, Khoa đã từng về quê Tr. để ra mắt gia đình người yêu. Đáp lại tình cảm của Khoa, chị Tr. (lúc mới yêu sống cùng gia đình chị gái) cũng xin ra ngoài và chung sống với Khoa. Tình yêu của họ chỉ hạnh phúc được một thời gian ngắn, sau đó thường xuyên mâu thuẫn vì Khoa phát hiện chị Tr. có người đàn ông khác.

Mong muốn người yêu thay đổi và cũng là để mưu sinh sau khi cưới vợ, Khoa thuê một căn nhà để mở quán kinh doanh cà phê. Ngày 16/4/2015, Khoa cùng bạn sử dụng mặt trước căn nhà Khoa thuê để mở quán cà phê, phần sau, Khoa dùng làm phòng ngủ của Khoa và chị Tr.. Khoảng 19h15’ cùng ngày, Khoa thấy Tr. xếp quần áo vào vali nên hỏi thì Tr. trả lời muốn chuyển ra ngoài sống. Khoa có hỏi sao chuyển ra ngoài, không sống với Khoa nữa thì Tr. trả lời vì muốn thay đổi không khí. Khoa năn nỉ Tr. ở lại thêm vài ngày để phụ giúp Khoa thì Tr. đồng ý.

Vì một phút thiếu kiềm chế, Khoa phải đối mặt với bản án dài.

Khi người yêu đã đồng ý ở lại thì Khoa lại bắt đầu tức giận vì nghĩ đến chuyện trước đó, phát hiện chị Tr. có tình cảm với người khác, nay lại đòi chuyển ra ngoài sống nên cả hai xảy ra mâu thuẫn, cãi vã. Vì ghen tuông và cho rằng chị Tr. đã xúc phạm mình, Khoa chộp lấy con dao gọt trái cây gần đó lao đến đâm nhiều nhát vào người chị Tr. cho đến khi nạn nhân nằm gục xuống nền nhà mới dừng lại. Trong cơn điên loạn, Khoa không biết làm gì nên lấy xe chạy ra ngoài. Khoa nói rằng, mình chạy xe đi trên đường nhưng không biết mình đi đâu. Ngày hôm sau, Khoa ra đầu thú và khai nhận hành vi phạm tội...

Tại anh, tại ả?

Ngày 25/1, TAND TP.HCM đưa bị cáo Khoa ra xét xử về tội Giết người. Khoa trình bày, thời gian chung sống với nhau, có một người đàn ông thường hay đến chở chị Tr. đi ra ngoài, còn hai người đi đâu, làm gì thì Khoa không biết. Khoa khẳng định đó là người thứ ba, là người yêu mới của chị Tr.. Khoa đã gặp người này nhưng chưa bao giờ nói chuyện. Người này chỉ đứng ngoài quán, không dám vào, ngay cả khi Khoa kêu vào quán ngồi nói chuyện. Khi Khoa hỏi chị Tr. thì chị nói đó chỉ là bạn bình thường.

“Tr. nói không phải là người yêu nhưng nhiều lần bị cáo thấy họ thân mật với nhau, có cử chỉ âu yếm”, Khoa trình bày. Theo lời khai của Khoa, Khoa đã từng nghĩ đến chuyện sẽ cưới Tr. làm vợ và đã từng về nhà chị Tr. ở quê chơi. Tình yêu của Khoa và chị Tr. được hai bên gia đình đồng ý. Có lần Khoa đề cập đến chuyện cưới xin thì chị Tr. nói để Tết Nguyên đán xong, khi gia đình làm giỗ cho ba chị xong thì sẽ tính đến chuyện cưới xin. Khi hôn sự chưa thành thì xảy ra án mạng, chị Tr. vĩnh viễn ra đi, Khoa phải đối diện với bản án lương tâm bên cạnh sự trừng phạt của pháp luật.

Vị chủ tọa hỏi Khoa: “Bị cáo và chị Tr. chưa phải là vợ chồng, khi người ta không yêu nữa thì thôi chứ sao lại giết?”. Khoa đáp: “Bị cáo thấy mình sai rồi. Khi vào trong trại giam, có thời gian ngẫm nghĩ, mới thấy tiếc và thấy mình sai”. Chủ tọa phân tích tiếp: “Bị cáo là người có học thức, từng làm dân quân tự vệ tại địa phương. Chắc bị cáo biết các quy tắc ứng xử, hiểu biết pháp luật, sao lại thực hiện hành động tàn ác như thế?”. Nghe chủ tọa phân tích, Khoa không đáp lại, chỉ cúi đầu nhìn xuống đất.

“Bị cáo trình bày rõ tại sao lại đâm chị Tr. đến mất mạng mới dừng lại?”, chủ tọa hỏi. Khoa trả lời: “Khi Tr. dọn quần áo nói ra ở riêng, bị cáo có nói Tr. ở lại nhưng cô ấy không chịu. Tr. thẳng thắn nói thời gian ở với tôi chỉ để lợi dụng tôi, lợi dụng chỗ ăn, chỗ ở và tiền bạc thôi, giờ cô ấy đã tìm được người yêu khác, người đó có thể đáp ứng được những thứ Tr. cần nên chia tay. Nghe Tr. nói phũ phàng như vậy, lại còn có thái độ thách thức, bị cáo không kiềm chế được cơn tức giận nên giết Tr.”. Chủ tọa hỏi: “Giờ chị Tr. mất rồi, lấy ai làm chứng việc chị Tr. đã thách thức bị cáo?”. Khoa đáp: “Tuy tôi không thể chứng minh nhưng tôi khẳng định lời khai của tôi hoàn toàn là sự thật”.

Khoa cũng khai rằng không nhớ đã đâm nạn nhân bao nhiêu nhát. Sau khi đâm xong thì lấy xe máy chạy đi và hoàn toàn không biết chị Tr. còn sống hay đã chết. Khoa nói do mình hoảng loạn quá, không ý thức được việc con dao có thể gây nguy hiểm cho tính mạng chị Tr.. Khoa thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội và xin được chịu mọi sự trừng trị của pháp luật. Trong lời nói sau cùng, Khoa mong người thân của chị Tr. tha thứ và được pháp luật khoan hồng.

Bản án khoan hồng
Khi nghị án, HĐXX cho rằng, hành vi của Khoa là nguy hiểm cho xã hội, không chỉ xâm hại đến tính mạng của người khác được pháp luật bảo vệ, mà còn gây mất trật tự trị an xã hội nên cần tuyên mức án nghiêm khắc. Nhưng xét thấy Khoa thành khẩn khai báo, ăn năn hối hận, ra đầu thú, bị hại cũng có một phần lỗi nên giảm nhẹ cho Khoa một phần hình phạt. Cuối cùng, HĐXX tuyên phạt bị cáo Điền Hữu Khoa 20 năm tù về tội Giết người.

CÔNG THƯ

Đọc báo Pháp luật Đời Sống trong ngày cập nhật liên tục từng giờ tại chuyên mục Pháp Luật

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com/phap-luat/an-ninh-hinh-su/bi-kich-tinh-yeu-mang-ten-het-gia-tri-loi-dung-a131844.html