Bị chuyển công tác do chậm giao mặt bằng

Người đàn ông 51 tuổi khóc ngon lành như đứa trẻ, kể lại câu chuyện sóng gió của mình. Ông là Nguyễn Ngãi, cựu nhân viên bảo vệ Cty điện lực Bình Định (BĐPC). Từ 20.8, ngay khi hết hạn “trừng phạt” do chậm giao mặt bằng cho một dự án kinh tế, ông phải khăn gói ra Phù Mỹ, cách nhà 60km để nhận nhiệm vụ ghi chỉ số côngtơ.

Công việc hiện tại của ông Nguyễn Ngãi.

Bản thông báo... lạnh ngắt của BĐPC

Năm 1994, ông bà Nguyễn Ngãi - Đỗ Thị Nữ được tỉnh Bình Định bán hóa giá 51,2m2 nhà và đất tại khu tập thể Sông Ngang do BĐPC quản lý. Ông Ngãi đầu tư công sức, khai phá thêm phần lân cận, diện tích sau mở rộng là 123,4m2 (thửa đất 49, tờ bản đồ 02, tổ 1, khu vực 7, phường Nhơn Phú, TP. Quy Nhơn). Năm 2013, khi Cty TNHH An Hải được giới thiệu địa điểm xây nhà máy chế biến hải sản, một phần khu Sông Ngang dọc quốc lộ 1D được đặt trước yêu cầu giải tỏa. Ngày 12.9.2014, UBND TP. Quy Nhơn ra quyết định thu hồi đất của gia đình ông Ngãi. Việc đền bù, bàn giao mặt bằng diễn ra không suôn sẻ khiến nảy sinh đơn thư khiếu kiện của một số hộ dân. Cho rằng giá đền bù 640.000 đồng/m2 là quá thấp, việc thống kê giá trị thiệt hại, đánh giá cấp nhà, loại nhà chưa chính xác, việc bố trí đất tái định cư quá xa, vợ chồng ông Ngãi gửi đơn tới nhiều cơ quan, cả TP lẫn tỉnh. Thực tế cho thấy, hành vi khiếu nại của đương sự là có căn cứ. Khoản tiền ông được nhận, thay vì 414 triệu đồng theo bảng tính ngày 8.8.2014, tới tháng 9.2015 đã tăng lên 503 triệu đồng.

Nhưng, trước đó, nhân viên bảo vệ Nguyễn Ngãi phải nếm trải một phen “lên bờ xuống ruộng”, nhất là khi lãnh đạo BĐPC nhập cuộc thúc đẩy tiến độ giải phóng mặt bằng. Ngày 15.4.2015, căn cứ nội dung cuộc họp do Giám đốc Huỳnh Ngọc Việt chủ trì, Chánh Văn phòng BĐPC Sử Văn Nam ký thông báo 1273/TB-BĐPC yêu cầu các trường hợp thuộc diện giải tỏa ký cam kết giao mặt bằng cho tỉnh trước 10 giờ ngày 16.4 nếu không muốn bị Cty ra quyết định đình chỉ công tác. Những ai bị cưỡng chế giải tỏa, “Cty sẽ thi hành kỷ luật vì không chấp hành chủ trương của Nhà nước. Nếu là đảng viên, Đảng ủy Cty sẽ kỷ luật về Đảng...”, bản thông báo viết. Nói là làm, ngày 4.8, giám đốc Huỳnh Ngọc Việt ký quyết định đình chỉ công tác, thời hạn tối đa 15 ngày kể từ 5.8 đối với ông Nguyễn Ngãi. Ông Ngãi chỉ được phép tạm ứng 50% lương cơ bản cho “đến khi cơ quan chức năng thực hiện xong cưỡng chế”. Cuộc cưỡng chế dự kiến cho ngày 16.9 rốt cuộc không diễn ra; gia đình ông Hải được bổ sung tiền bồi thường. Thế nhưng, ngày 20.8, đúng thời điểm hết hạn “chấp hành hình phạt”, ông Ngãi buộc phải nhận công việc mới ở Điện lực Phù Mỹ, căn cứ nội dung phụ lục hợp đồng lập ngày 18.8. Người công nhân cao niên lại rơm rớm nước mắt: “Tôi ký (phụ lục hợp đồng), bởi làm khác, họ bắt tôi thôi việc ngay. Chừng này tuổi, chút nghiệp vụ điện cũng không mà mỗi tháng, tôi phải bỏ ra 20 ngày leo trèo cả trăm trụ bêtông, ghi đủ chỉ số 300 côngtơ; 10 ngày còn lại thì dò dẫm cắt điện. Cha tôi 88 tuổi, bệnh tật đầy người mà phải đành đoạn gửi về quê nhờ đứa em nuôi dưỡng”.

Đường về khấp khểnh

Vụ việc lẽ ra đã khép lại nếu chỉ đạo của đơn vị chủ quản được thực thi triệt để. Tại văn bản 6085/EVNCPC-TTBV ngày 3.9.2015, Tổng Giám đốc TCty Điện lực miền Trung Trần Đình Nhân chỉ rõ những điểm “không phù hợp với quy định pháp luật về lao động” của thông báo 1273/TB-BĐPC: “Việc BĐPC đưa ra biện pháp “đình chỉ công tác”, “xử lý kỷ luật” đối với CBCNV khi họ chưa thực hiện bàn giao mặt bằng theo quyết định thu hồi đất của cơ quan có thẩm quyền tỉnh Bình Định là không hợp ý”. BĐPC được yêu cầu trước 15.9 phải “thu hồi quyết định, đồng thời khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động theo đúng quy định của pháp luật lao động”. Thế nhưng, chỉ đạo từ ông Nhân hiện đang lơ lửng trong tình thế... còn có thể tranh cãi với lý do “TCty ở xa, chưa sát bản chất vụ việc”, như giải thích từ ông Nguyễn Hữu Hà, đại diện theo ủy quyền của BĐPC trong cuộc trao đổi với PV Lao Động ngày 7.10. Ông Hà, nguyên Trưởng phòng Tổ chức - Nhân sự BĐPC, khẳng định: “Đình chỉ công tác là đúng. Chính quyền địa phương huy động hàng trăm người phục vụ cưỡng chế, nếu để công nhân đi làm, chúng tôi sẽ rơi vào thế không chấp hành mệnh lệnh của tỉnh. TCty nghiêng hẳn về Luật Lao động, còn ở đây, chúng tôi hành xử trong sự ràng buộc với địa phương”.

Trả lời câu hỏi: “Liệu có mối liên hệ nào giữa câu chuyện giải tỏa lùng nhùng với cuộc điều chuyển hôm 20.8”, ông Hà phân bua, đó là trùng hợp... nhạy cảm ở thời điểm BĐPC đưa khu nhà điều hành vào khai thác, lực lượng bảo vệ cũ được thay bằng vệ sĩ đi thuê: “Không riêng anh Ngãi, cùng đợt, còn một người nữa phải chuyển công tác”. Khác với chỉ đạo cụ thể và quyết liệt bằng giấy trắng mực đen của Điện lực miền Trung, đại diện BĐPC cho rằng muốn quay lại Quy Nhơn, ông Ngãi phải có đơn xin chuyển công tác, có thái độ đúng mực và chỉ được phép chọn một trong hai công việc: Nhân viên vệ sinh công nghiệp hoặc thợ gia công cơ khí. Tìm gặp PV trước giờ quay lại Phù Mỹ, ông Ngãi nức nở tố cáo: “Họ ép tôi viết đơn theo ý muốn, buộc nhận sai, đồng thời rút tất cả khiếu nại. Tôi không sai, sao phải chống lại chính mình!”.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/ban-doc/bi-chuyen-cong-tac-do-cham-giao-mat-bang-385504.bld