Bí ẩn đằng sau vụ chìm tàu Vinalines Queen

(VOV) - Bí ẩn và chưa có lời giải, cũng như chở quặng nicken chưa hẳn là nguyên nhân gây chìm tàu - là những gì mà lãnh đạo Tổng công ty Hàng hải Việt Nam giải thích.

Ngay sau khi thuyền viên Đậu Ngọc Hùng về nước an toàn, chiều tối 4/1, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam tổ chức họp báo, giải thích một số vấn đề dư luận đang quan tâm về vụ chìm tàu Vinalines Queen ngày 25/12 vừa qua. “Bí ẩn và chưa có lời giải, cũng như chở quặng nicken chưa hẳn là nguyên nhân gây chìm tàu” - là những gì mà lãnh đạo Tổng công ty này đã trình bày trước đại diện các cơ quan báo chí.

Chiếu tối 4/1, thuyền viên Đậu Ngọc Hùng, người may mắn sống sót trong vụ chìm tàu Vinalines Queen đã về tới sân bay Nội Bài trong tình trạng sức khỏe tốt. Anh Đậu Ngọc Hùng phấn khởi nói: “Cảm xúc của tôi thực sự rất sung sướng khi được trở về quê hương, gặp gỡ người thân và đoàn tụ với gia đình. Từ lúc tàu Vinalines Queen gặp nạn và tôi là người may mắn. Lúc đó chìm theo lực hút của con tàu, nhưng tôi đã ngoi được lên và may mắn bám được phao bè của tàu. Phao bè của tôi do sóng to, gió lớn không chịu được và đã bị lật và tôi đã thoát ra ngoài. Cũng may mắn là tôi lần được tới xuồng cứu sinh của tàu Vinalines Queen”.

Anh Hùng trả lời câu hỏi của các phóng viên

Tại cuộc họp báo ngay sau đó do Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam tổ chức, nhân chứng sống Đậu Ngọc Hùng cho biết: Khi tàu bị nghiêng, chỉ huy tàu cho phát tín hiệu cảnh báo và thông báo trên loa. Tất cả thuyền viên đã mang áo phao, mặc quần áo chống mất nhiệt và tập trung trên boong, gần xuồng cứu sinh để sẵn sàng hạ xuồng. Tuy nhiên vì con tàu bị chìm quá nhanh, khiến mọi người không kịp hạ xuống. Chính lực hút quá lớn khi tàu chìm nhanh nên các thuyền viên khác không thể nhảy ra được. Tình huống bất ngờ này khiến anh Hùng không quan sát được gì sau khi nổi lên mặt nước.

Còn ông Nguyễn Cảnh Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam thì cho rằng vụ tai nạn này là một bí ẩn, cần có sự điều tra và lý giải của các chuyên gia quốc tế. Ông Nguyễn Cảnh Việt cho biết: “Về thiệt hại hàng hải, chúng tôi chưa thể thông kết hết được, bởi điều đó là điều chúng tôi không muốn. Đối với Tổng công ty, đây là thiệt hại lớn nhất và thiệt hại đầu tiên cho một con tàu. Đối với tôi và các thầy giáo của tôi, đang làm công tác quản lý và giảng dạy tại trường Đại học Hàng hải, đều có chung suy nghĩ đó là một điều bí ẩn, rất bí ẩn. Con tàu bị chìm trong điều kiện các trang thiết bị rất hiện đại. Chúng tôi không thu được tín hiệu nào cả, không lý giải được điều này. Và có lẽ chúng tôi chờ kết quả điều tra của những chuyên gia hàng đầu hàng hải sẽ trả lời câu hỏi đó”.

Một lý do khác cũng được Tổng giám đốc Nguyễn Cảnh Việt đưa ra là do tin tưởng vào mức độ hiện đại của tàu Vinalines Queen. Theo ông Việt, suốt quá trình trước và sau khi mất liên lạc, tất cả thiết bị cảnh báo hiện đại trên tàu đều không phát đi tín hiệu cấp cứu nào. “Điều này làm cho vụ mất tích trở nên bí ẩn, ngay cả với những người làm lâu năm trong ngành hàng hải như chúng tôi”, ông nhận định.

Về các yếu tố chủ quan, Tổng giám đốc Cảnh tin tưởng vào khả năng điều khiển tàu của thuyền trưởng Nguyễn Văn Thiện và cho biết những thông báo, quyết định được vị thuyền trưởng này gửi về đất liền trước khi mất liên lạc là hợp lý. Từng là thuyền trưởng, Tổng giám đốc Vinalines cho biết người đảm nhận vị trí này phải được đào tạo rất bài bản (6 năm so với 2 năm của thủy thủ thông thường), đồng thời có kinh nghiệm đi biển 8-10 năm, trải qua hầu hết vị trí. Riêng với thuyền trưởng Thiện, ông Việt cho biết đã có kinh nghiệm làm thuyền trưởng từ 3 năm nay.

Về nghi vấn cho rằng do chở quặngnicken hoặc chở quá tải làm tàu nghiêng và bị chìm, ông Nguyễn Quế Dương, nguyên là thuyền trưởng, Trưởng Ban quản lý khai thác tàu biển (Tổng công ty hàng hải Việt Nam) giải thích: “Hàng nicken vẫn được chuyên chở. Con tàu Vinalines Queen đã chạy trên tuyến này 8 tháng, chứ không phải là chuyến đầu tiên. Hàng này khi chở người ta có quy cách, đảm bảo an toàn thì mới nhận chở. Tất nhiên trong quá trình chở, độ ẩm của hàng hóa nằm dưới mức độ cho phép. Cho nên quá trình lấy mẫu có phù hợp hay không, phải trở lại cảng nơi xếp hàng xem người ta lấy mẫu thế nào, đo độ ẩm thế nào và tại sao cấp giấy cho nó đủ điều kiện đi biển, để trong quá trình đi biển gặp sóng to gió lớn nên bị nghiêng?”.

Liên quan tới các chế độ bảo hiểm của tàu và các thuyền viên, ông Nguyễn Cảnh Việt cho biết, số tiền mua bảo hiểm cho các thuyền viên là 40.000 USD mỗi người. Bảo hiểm tàu có giá trị là 27 triệu USD. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã ủng hộ gần 1 tỷ đồng chia sẻ với các gia đình thuyền viên. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chuyển 100 triệu đồng cho mỗi gia đình người bị nạn.

Công ty Vận tải biển Vinalines khẳng định, tiếp tục nỗ lực tìm kiếm 22 nạn nhân còn lại. Công ty đã thuê trực thăng, nhờ phía Philippines giúp đỡ, cũng như thông báo đến các ngư dân, tàu dánh cá địa phương cung cấp thông tin và dấu vết liên quan tới con tàu này./.

Tin liên quan

Sự thực về vụ chìm tàu Vinalines Queen qua lời kể của người trở về Thủy thủ sống sót vụ chìm tàu Vinalines Queen về đến Hà Nội Vinalines và Đậu Ngọc Hùng họp báo Tại sao tàu Vinalines Queen không phát tín hiệu? Thấy xuồng cứu sinh, phao bè tàu Vinalines Queen Có thưởng cho ai thấy thủy thủ tàu Vinalines Queen Bàn cách giải cứu nạn nhân vụ chìm tàu Vinalines Queen Thuyền viên tàu Vinalines Queen có thể dạt vào đảo san hô Éo le 1 thủy thủ Vinalines mất tích đúng ngày cưới Nghe thủy thủ sống sót trên tàu Vinalines Queen nói chuyện với người thân Thủy thủ sống sót của tàu Vinalines Queen sắp về Việt Nam Tàu Vinalines Queen bị chìm, 1 người sống sót Tăng cấp độ tìm kiếm tàu Vinalines Queen và 23 thủy thủ

Nguồn VOV: http://vov.vn/home/bi-an-dang-sau-vu-chim-tau-vinalines-queen/20121/196407.vov