Bệnh trào ngược dạ dày thực quản

Bệnh trào ngược dạ dày - thực quản là tình trạng các chất từ dạ dày trào lên thực quản, bệnh không chỉ gây khó chịu cho bệnh nhân mà còn có nguy cơ gây ra những biến chứng nặng nề như loét, hẹp, chảy máu thực quản, thậm chí dẫn tới ung thư. Việc chẩn đoán sớm, điều trị hợp lý và kịp thời sẽ làm cải thiện cuộc sống cho người bệnh cũng như giảm thiểu được các biến chứng nguy hiểm.

Các chất trong dạ dày trào ngược lên thực quản là hiện tượng sinh lý. Chỉ khi hiện tượng trào ngược gây ra triệu chứng hoặc gây tổn thương thực thể được gọi là bệnh trào ngược dạ dày - thực quản. Nguyên nhân gây bệnh vẫn còn chưa rõ, tuy vậy người ta nói nhiều tới vai trò của cơ thắt thực quản dưới. Các tác nhân làm yếu hoặc gây giãn cơ góp phần gây ra bệnh trào ngược dạ dày-thực quản như: uống rượu, hút thuốc, thức ăn chứa nhiều gia vị, mỡ, cà phê, sô-cô-la, các tình trạng bệnh lý như béo phì, đái tháo đường, phụ nữ có thai, thoát vị hoành; dùng các thuốc chẹn kênh canxi, theophyllin… Bệnh có biểu hiện gì? - Ợ nóng: Là triệu chứng thường gặp nhất, đó là cảm giác gây ra do các thành phần của dịch dạ dày trào ngược lên thực quản. Bệnh nhân thấy nóng rát từ vùng thượng vị, lan ngược lên phía sau xương ức có khi lên tận cổ họng. Ợ nóng thường tăng lên sau khi ăn, khi nằm xuống hoặc ưỡn người về phía trước. - Ợ chua: Là hiện tượng do các thành phần acid của dịch dày hoặc thực quản trào ngược lại ra vùng hầu họng. - Nuốt khó: Xuất hiện ở 1/3 số bệnh nhân trào ngược, đó là cảm giác thức ăn hay nước uống dừng lại phía sau xương ức ngay sau khi nuốt. Nuốt khó, hay nghẹn là triệu chứng cần cảnh giác với ung thư thực quản. Ngoài các triệu chứng trên có thể gặp các triệu chứng không điển hình hoặc do biến chứng như nuốt đau, nôn, ợ hơi, khàn tiếng, đau họng, ho, tăng tiết nước bọt, hen phế quản… Cần lưu ý là không có sự song hành giữa triệu chứng lâm sàng và tổn thương thực thể, ợ nóng nhiều không có nghĩa là tổn thương thực quản nặng, ngược lại có trường hợp bệnh diễn biến âm thầm cho tới khi xuất hiện các biến chứng nguy hiểm như loét, chảy máu, hẹp hay ung thư hóa. Chẩn đoán bệnh dựa vào bệnh cảnh lâm sàng và các thăm dò xét nghiệm. Khi chưa có biến chứng, chẩn đoán xác định dựa vào theo dõi pH thực quản 24 giờ. Căn cứ vào từng bệnh cảnh, thầy thuốc có thể chỉ định chụp X-quang, nội soi dạ dày thực quản. Nội soi rất hữu ích cho việc chẩn đoán các biến chứng của bệnh lý trào ngược, kết hợp nội soi và sinh thiết giúp xác định những biến đổi cấu trúc của thực quản, nội soi còn giúp phát hiện các nguyên nhân thực thể giúp thầy thuốc quyết định phương thức điều trị phù hợp. Điều trị và dự phòng như thế nào? Các mục tiêu của việc điều trị một bệnh nhân bị trào ngược dạ dày – thực quản là: làm mất triệu chứng của bệnh nhân; chữa lành tình trạng viêm thực quản nếu có; ngăn ngừa chít hẹp, xước trợt niêm mạc và loét tái phát; duy trì hiệu quả điều trị. Do đó cho đến nay có rất nhiều thuốc được đưa vào sử dụng để điều trị. Nhóm thuốc điều hòa vận động - Metoclopramid (biệt dược Primperan, Anausin) viên 10mg. Tác dụng trung ương vào vùng lẩy cò và có tác dụng lên các lớp cơ ống tiêu hóa. Nó làm gia tăng vận động, thúc đẩy mở môn vị. Dẫn đến làm vơi dạ dày từ đó làm giảm trào ngược dạ dày thực quản. Tác dụng phụ: gây buồn ngủ và tăng trương lực ngoại tháp. - Domperidon (biệt dược Motilium, Peridy): Đây là thuốc kháng Dopaminergic ngoại biên, nó cố định vào thụ thể D2 ngoại biên và không qua hàng rào máu não. Có tác dụng làm tăng áp lực cơ vòng đoạn dưới thực quản do đó làm tăng sự vơi dạ dày dẫn đến làm giảm trào ngược. Thuốc chống chỉ định với chảy máu dạ dày ruột, tắc ruột, nguy cơ thủng ở ống tiêu hóa. - Sulpirid (biệt dược Dogmatil) viên 50mg, có tác dụng làm gia tăng trương lực đoạn dưới cơ vòng thực quản, nó cũng có tác dụng vào hệ thần kinh trung ương như các thuốc ngủ do đó có tác dụng phụ là buồn ngủ, gây hội chứng ngoại tháp, chảy sữa, bất lực, vú phụ. - Metopimazin (biệt dược Vogalen). Đây là thuốc chống nôn kháng tiết dopamin có tác dụng chọn lọc trên khu vực lẩy cò hóa học của não thất IV. Thuốc có tác dụng làm thay đổi vận động ống tiêu hóa nhưng không làm tăng sự vơi dạ dày do đó nó không làm cản trở sự hấp thu tiêu hóa cao của các thuốc phối hợp. - Ngoài ra trong một số trường hợp đặc biệt, tùy theo tình trạng bệnh cảnh lâm sàng mà có thể dùng một số thuốc khác như Alizaprid (biệt dược Plitican), Anzemet (biệt dược Dolasetron), Zelmac. Thức ăn trào ngược lên thực quản gây viêm. Nhóm thuốc làm giảm tác động có hại của trào ngược - Các thuốc tạo màng ngăn dạ dày - thực quản : Bệnh nhân thấy nóng rát từ vùng thượng vị, lan ngược lên phía sau xương ức có khi lên tận cổ họng. Ợ nóng thường tăng lên sau khi ăn, khi nằm xuống hoặc ưỡn người về phía trước. + Alginat (biệt dược Gaviscon, Topaal): acid Alginic khi tiếp xúc với HCl sẽ tạo thành một lớp bọt nổi lên trên dịch vị. Trong trường hợp trào ngược nhờ lớp gel này sẽ bảo vệ cho niêm mạc thực quản khỏi bị tác động của acid dạ dày. + Dimeticol (gel polysilan) là một chất bảo vệ niêm mạc tương tự như trên. - Nhóm thuốc có tác dụng bảo vệ niêm mạc: Sucralfat gắn với protein tạo hàng rào bảo vệ niêm mạc dạ dày thực quản chống lại các tác nhân từ dạ dày. Thường chỉ định Sucralfat trong các trường hợp bệnh trào ngược vừa đến nặng. Tránh dùng antacid hoặc kháng histamin H2 30 phút trước hoặc sau khi uống sucralfat. - Ngoài ra còn sử dụng các thuốc kháng acid (Maalox, Phosphalugel..), thuốc kháng thụ thể H2 (như Cimetidin, ranitidin, nizatidin, famotidin) hoặc thuốc ức chế bơm proton (như omeprazol, lansoprazol, pantoprazol, rabeprazol, esomeprazol) tùy theo tình trạng lâm sàng của bệnh nhân. Hiện nay việc điều trị với thuốc ức chế bơm proton đạt thành công nhất, trong đó có khoảng nửa số bệnh nhân có thể duy trì sự thành công chỉ cần điều trị bằng thuốc ức chế bơm proton cách ngày hoặc dùng một loại kháng thụ thể H2. Đặc biệt, bên cạnh việc dùng thuốc thì việc duy trì chế độ ăn uống sinh hoạt hợp lý sẽ góp phần quan trọng trong việc điều trị bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản, mỗi bữa không nên ăn quá nhiều, nên ăn làm nhiều bữa (4 – 5 bữa mỗi ngày), mỗi bữa ăn ít một; không nên ăn chất lỏng, nên ăn đặc, khô; sau khi ăn không nên nằm nhiều, ngồi ở tư thế cúi ra phía trước... nằm ngủ ở tư thế đầu dốc cao; Bỏ hẳn một số thức ăn làm giảm trương lực cơ vòng: Socola, thuốc lá, cà phê, chất mỡ, nước khoáng có hơi; Ăn chậm, nhai nát kỹ, tránh nuốt hơi vào dạ dày; không được dùng một số thuốc làm giảm trương lực cơ vòng dưới thực quản như Estrogen, Progesteron, Anticholinergic, Barbituric, ức chế calci, Diazepam, Theophylin. Chỉ phẫu thuật khi điều trị nội khoa không khỏi và khi có biến chứng nặng nề. Sai lầm hay mắc phải của người bệnh là tự ý mua thuốc về dùng, không theo chỉ định của bác sĩ. Cần phải hiểu rằng với mỗi người bệnh có tình trạng bệnh lý cụ thể khác nhau, người bệnh cần được thầy thuốc chuyên khoa khám và chỉ định điều trị thích hợp thì bệnh mới mau lành và hạn chế được các biến chứng nguy hiểm của bệnh và do dùng thuốc. BS. Nguyễn Ngọc Hà

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/2011072710202228p0c63/benh-trao-nguoc-da-day-thuc-quan.htm