Bệnh tiêu chảy trên heo

Bệnh do Porcine Epidemic Diarrhea Virus (PEDV). Virut PED thuộc họ Coronavirus, nhưng khác với virut TGE gây ra bệnh viêm dạ dày ruột truyền nhiễm trên heo. Virut PED gây tiêu chảy cho heo mọi lứa tuổi và thường gây chết heo con sơ sinh. Tất cả heo sẽ khỏi bệnh trong vòng 7-8 ngày nếu không bị nhiễm trùng kế phát.

Bệnh PED xảy ra quanh năm, nhưng thường phổ biến hơn vào mùa đông và trên 90% ca bệnh xảy ra ở heo dưới 10 ngày tuổi. Bệnh xuất hiện lần đầu tiên ở nước Anh vào năm 1972, sau đó lây lan ra nhiều quốc qia ở châu Âu và châu Á như Trung Quốc, vũng lãnh thổ Đài Loan, Nhật, Hàn Quốc và Thái Lan. Năm 2008, virut PED đã được phát hiện trong một số đàn heo bị tiêu chảy ở Việt Nam. Virut PED lây nhiễm chủ yếu qua phân của heo bệnh. Virut xâm nhập vào đàn heo do heo tiếp xúc trực tiếp với virut PED có trong phân vấy nhiễm ở giầy dép, dụng cụ chăn nuôi, xe vận chuyển heo; hoặc do việc nhập heo mới (heo mang trùng hoặc heo nhiễm bệnh PED) vào trong trại. Virut PED vào cơ thể heo bằng đường tiêu hóa (miệng), sau đó nhân lên trong tế bào thượng bì của ruột non, làm nhung mao ruột bị teo, gây xáo trộn tiêu hóa hấp thu khiến heo bị tiêu chảy. Virut PED có tiến trình gây bệnh xảy ra chậm hơn so với virut TGE nên virut PED có tốc độ lây lan chậm hơn và gây chết heo sơ sinh dưới 1 tuần tuổi thấp hơn so với virut TGE. Triệu chứng chủ yếu là tiêu chảy lỏng, có thể ói mửa trên heo con bú mẹ. Heo dưới 1 tuần tuổi chết do cơ thể heo bị mất nước trầm trọng sau khi tiêu chảy từ 3 đến 4 ngày với tỷ lệ chết trung bình từ 50% tới 80%. Heo lớn bị tiêu chảy với tỷ lệ chết dưới 3%, hầu hết heo thường hồi phục trong vòng 1 tuần. Bệnh tích: dạ dày căng chứa đầy dịch sữa không tiêu màu trắng đục hoặc màu vàng của dịch mật. Ruột non màu nhợt nhạt, chứa đầy dịch lỏng màu vàng hoặc sữa không tiêu vón cục. Thành ruột heo con mỏng và có thể nhìn xuyên qua. Chẩn đoán: virut PED gây tiêu chảy trên heo nhiều lứa tuổi, kể cả heo còn bú, do đó không thể phân biệt với tiêu chảy do virut TGE. Ngoài ra, bệnh tiêu chảy trên heo còn do nhiều tác nhân khác như virut TGE, Rotavirus, E.Coli, Coccidia... do đó chẩn đoán PED không thể chỉ dựa trên triệu chứng lâm sàng. Các phương pháp chẩn đoán phòng thí nghiệm như kỹ thuật PCR và ELISA phát hiện được virut trong mẫu phân. (Thông tin chi tiết xin theo dõi trên Báo Nông nghiệp VN số 178 ra ngày 7/9/2011)

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-vn/61/158/45/45/45/83444/default.aspx