Bệnh học đường: Đau bụng vì stress

GiadinhNet - Cu Bi dứt khoát không đi học và kêu đau bụng. Tưởng con lười học, mẹ cứ ép đi. Tới khi con đau tím tái cả người mới vội đưa con vào bệnh viện.

Theo BS Thái Thanh Thủy, Trưởng khoa Tâm lý, BV Nhi đồng 2 TP HCM, trẻ đến khám vì đau bụng không rõ nguyên nhân khá nhiều. BV đã có nhiều đề tài nghiên cứu về hiện tượng này, kết quả cho thấy một trong những nguyên nhân gây đau bụng là do... bị stress, hay còn gọi là đau bụng tái diễn (nay gọi là đau bụng mạn) . Nhập học, thi học kỳ - cao điểm đau bụng Sáng nào đi học cu Bi (nhà ở Q.Tân Bình - TP HCM) cũng khóc lóc không muốn đi. Sau một hồi khóc lóc vật vã thì Bi vẫn phải đến lớp. Nhưng có những lần cu Bi dứt khoát không đi học và kêu đau bụng. Tưởng con lười học, mẹ bé cứ ép đi. Tới khi con đau tím tái cả người mới vội đưa con vào bệnh viện. Từ đó, mỗi khi con kêu đau bụng, mẹ cu Bi đành phải cho con nghỉ học. Sau khi nghiên cứu hơn 1.026 học sinh ở 9 trường THCS của Q.1, TP HCM (năm 2003) các bác sĩ đã xác định mối liên quan giữa đau bụng tái diễn (ĐBTD) với các sang chấn tâm lý (stress) trong học tập, gia đình và sức khỏe. Các bác sĩ cho rằng, trẻ bị ĐBTD có ít nhất 3 cơn đau bụng trong khoảng thời gian ít nhất là 3 tháng mà không rõ nguyên nhân. BS Chuyên khoa 2 Phạm Thị Ngọc Tuyết, Trưởng khoa Tiêu hóa BV Nhi đồng 2 - người trực tiếp nghiên cứu vấn đề này đã thông báo kết quả khảo sát: Tỉ lệ trẻ mắc ĐBTD là 4,2%, nữ nhiều hơn nam (do nữ dễ nhạy cảm với các sang chấn tâm lý). Độ tuổi 11 mắc nhiều nhất. Trẻ học trường chuyên bị ĐBTD nhiều hơn trường bình thường. Tỉ lệ trẻ phải nghỉ học vì đau bụng là 19%. Cơn đau thường xuất hiện vào các khoảng thời gian cao điểm học tập: Tháng 9-10 là tháng nhập học với tỉ lệ 43,4%, tháng 1-2 là thời điểm thi học kỳ I: 15,6% và tháng 4-5 thời điểm thi học kỳ II là 16,1%. Yếu tố sang chấn tâm lý học đường là bị thầy, cô rầy la (31,3%), đổi trường học (29,5%) và học quá nhiều (27,5%). “Vấn đề này đang được các bác sĩ quan tâm và nghiên cứu trên diện rộng với nhiều học sinh hơn” - BS Tuyết cho biết thêm. TS Ngô Thanh Hồi, Giám đốc BV Tâm thần Ban ngày Mai Hương (Hà Nội) cũng cho biết, ngày càng có nhiều học sịnh bị rối loạn tâm lý do sợ đi học đến BV điều trị, phần lớn đã ở giai đoạn nặng, bị căng thẳng kéo dài, dẫn tới ĐBTD hoặc ói, tè dầm, đại tiện mất kiểm soát... Đa số trẻ bị ĐBTD có liên quan tới các sang chấn tâm lý ở học đường và gia đình. Nguyên nhân là do stress, ảnh hưởng của tâm lý đến hệ thần kinh thực vật, hoạt động nội tạng gây co thắt dẫn đến đau bụng. Dễ phát triển nhân cách bất thường Theo BS Thái Thanh Thủy, trẻ bị ĐBTD dễ có tâm lý lo lắng, mặc cảm... ảnh hưởng đến giao tiếp với bạn bè, gia đình, khó khăn trong việc hình thành tính cách. Khi lớn lên, trẻ dễ bị các bệnh tiêu hóa do yếu tố tâm lý gây ra như viêm đại tràng co thắt (tiêu chảy tái phát, hay đau bụng, đầy hơi...). Khi thấy trẻ dễ cau có, không thích các sinh hoạt thường ngày, thích ở nhà hơn tiếp xúc bạn bè; việc học sa sút, không thích đi học và không thích làm bài, học bài; trẻ có hành vi chống đối như nói láo, trộm cắp, quên hoặc từ chối làm những việc lặt vặt và có vẻ lệ thuộc cha mẹ hơn trước; trẻ đau bụng nôn mửa, xanh xao, chóng mặt, nhức đầu, mệt mỏi... cần nghĩ là trẻ đang bị stress. Nên đưa trẻ đến BV khám để tìm nguyên nhân. Theo TS Ngô Thanh Hồi, nếu không được đưa đi khám bệnh, giải tỏa tâm lý, những học sinh bị đau bụng tái diễn thường xuyên sẽ phát triển bất thường về nhân cách như nhu nhược, quậy phá, giao tiếp kém... Việc học tập vì thế cũng bị ảnh hưởng theo. BS Thái Thanh Thủy cho rằng, ĐBTD là bệnh lý thực thể không quá trầm trọng, chủ yếu do trẻ đang gặp những vấn đề khó khăn về tâm lý như thiếu thốn tình cảm gia đình, có vấn đề với thầy cô giáo, bị bạn bắt nạt, bài tập quá nhiều, không theo kịp bạn bè... Để giúp các em, bác sĩ tâm lý sẽ trò chuyện, trấn an và dần tìm cách giải tỏa những vấn đề tâm lý. Khi xác định rõ trẻ bị ĐBTD do yếu tố tâm lý, bác sĩ sẽ phối hợp với gia đình, nhà trường tháo gỡ cho các em. Trà Giang - Hà My

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/20101215030936179p0c1011/benh-hoc-duong-dau-bung-vi-stress.htm