Bệnh Alzheimer có thể lây?

Nghiên cứu mới cho thấy bệnh Alzheimer có thể truyền từ người này sang người khác.

Bệnh Alzheimer là một bệnh lý về não tác động đến trí nhớ, suy nghĩ và hành vi. Nó chiếm khoảng 60% đến 80% trường hợp suy giảm trí nhớ. Người ta chưa tìm ra nguyên nhân rõ ràng và cách chữa triệt để căn bệnh này. Nhiều giả thuyết về Alzheimer được các nhà nghiên cứu đưa ra, bao gồm cả giả định Alzheimer là bệnh truyền nhiễm, di truyền…

Các nhà khoa học khuyến cáo cần đánh giá lại quy trình khử trùng dụng cụ phẫu thuật và thuốc có nguồn gốc sinh học nhằm tránh khả năng lây lan Alzheimer (nếu có) - Ảnh: Getty

Mới đây, lý thuyết gây tranh cãi cho rằng mầm bệnh Alzheimer có thể được truyền giữa các bệnh nhân liên quan đến việc dùng mô hiến tặng đã có thêm bằng chứng mới.

Tờ Independent cho biết, các nhà khoa học Bệnh viện Đại học Zurich (Thụy Sĩ) và Đại học Y Vienna (Áo) đã tìm ra mối liên hệ giữa những bệnh nhân từng nhận mô thần kinh và sự hiện diện của một dạng protein trong não vốn xuất hiện ở giai đoạn đầu của bệnh Alzheimer.

Nghiên cứu này củng cố giả thuyết trước đó cho rằng bệnh Alzheimer truyền từ người này sang người khác thông qua dụng cụ phẫu thuật bị nhiễm bẩn hoặc sản phẩm y tế - Ảnh: westinfo

Cụ thể, nghiên cứu thực hiện trên các mẫu não lưu trữ của 8 bệnh nhân từng trải qua phẫu thuật ghép mô tại Áo và Thụy Sĩ. Những người này chết do bệnh nhũn não Creutzfeldt-Jakob (CJD) - cũng là dạng bệnh lây lan thông qua hoạt động phẫu thuật có liên quan đến mô người lấy từ xác chết.

Phân tích trên 8 bệnh nhân này cho thấy, 7 người trong số họ, chết ở độ tuổi từ 28 – 63 tuổi, có những mảng protein trong não gọi là amyloid-beta (A-beta). Đây là tình trạng xuất hiện đối với người mắc Alzheimer giai đoạn đầu.

Ngoài ra, 5 trong số 7 người đó cũng phải chịu các tổn thương ở các mạch máu quan trọng của não gây ra bởi sự tích tụ mảng protein A-beta. Cả hai triệu chứng nói trên đều bất thường khi được tìm thấy ở loạt bệnh nhân có độ tuổi khá trẻ để mắc và phát bệnh Alzheimer.

Một nhóm xem xét não của 21 bệnh nhân chết do nhũn não CJD chỉ ra nguyên nhân không phải do virus gây nhũn não mà là do bệnh nhân tiếp nhận mô hiến.

Dù còn một số nguyên nhân có thể khác chưa loại trừ hoàn toàn nhưng nhóm chuyên gia nghi ngờ rằng, “nhân” của protein A-beta có thể đã truyền vào não bệnh nhân ở thời điểm họ trải qua cuộc phẫu thuật cấy mô màng cứng, màng bao phủ não và tủy sống khi mô cấy còn được lấy từ xác chết. (Thủ thuật này bị hủy bỏ vào thập niên 1980).

Phát hiện mới đã ủng hộ quan điểm cho rằng một số quy trình phẫu thuật có thể vô tình truyền “nhân” bệnh Alzheimer từ người này sang người khác. Tuy nhiên, chưa có bất kỳ nghi vấn nào về việc Alzheimer có thể lây lan trong quá trình chăm sóc người mắc căn bệnh suy giảm trí nhớ này.

Trưởng nhóm nghiên cứu - tiến sĩ Herbert Budka đến từ Viện Thần kinh học Zurich – phát biểu: “Sự hiện diện của A-beta ở người trẻ là rất bất thường và cho thấy một mối quan hệ nhân quả với các mô ghép màng cứng…

Ngày càng có nhiều bằng chứng gián tiếp về việc truyền bệnh như vậy là lời nhắc nhở cho thấy cần phải nhanh chóng đánh giá lại quy trình khử trùng dụng cụ phẫu thuật và thuốc có nguồn gốc sinh học, nhằm đảm bảo tuyệt đối không còn chất nhiễm có khả năng lây lan”.

Nghiên cứu này củng cố thêm lý lẽ cho một nghiên cứu khác công bố tháng 9 năm ngoái. Trong đó, những người hồi nhỏ được tiêm hormone tăng trưởng (cũng chiết xuất từ tử thi người) có A -beta vào thời điểm họ qua đời.

Giáo sư John Collinge, chuyên gia hàng đầu về các bệnh thoái hóa thần kinh tại Đại học London cho biết, từ đó người ta đã nghi ngờ có một con đường phát triển bệnh Alzheimer từ người này sang người khác thông qua dụng cụ phẫu thuật bị nhiễm bẩn hoặc sản phẩm y tế.

Tuy nhiên, Giám đốc Y khoa của Chính phủ - Dame Sally Davies phản bác: “Không có bằng chứng cho thấy bệnh Alzheimer truyền nhiễm ở người, cũng không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy bệnh truyền qua các thủ tục y tế”.

Một nghiên cứu do trường Y đại học Kansas (Mỹ) thực hiện còn từng phát hiện những người trong gia đình có tiền sử mắc bệnh Alzheimer có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn 4 đến 10 lần so với những người mà gia đình không ai mắc bệnh.

Nghiên cứu khác cho thấy người trong gia đình có tiền sử mắc bệnh Alzheimer có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn 4 - 10 lần - Ảnh: inhomecareidaho

Tạ Ban

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/khoa-hoc-cong-nghe/benh-alzheimer-co-the-lay-c7a386681.html