Bé bị viêm phổi tái đi tái lại, làm sao hết?

TT - Bé Nguyễn Duy H., 11 tháng tuổi, nhà ở xã Mỹ Phong, TP Mỹ Tho, Tiền Giang mới xuất viện chưa được 10 ngày thì bị viêm phổi trở lại. Mẹ bé cho biết trong vòng chưa đầy hai tháng bé phải nhập viện ba lần chỉ vì viêm phổi, không biết trị làm sao cho hết!

Bác sĩ khám, cho bé H. làm xét nghiệm máu, chụp hình phổi, siêu âm bụng... và hỏi bệnh sử rất lâu, từ việc sinh hoạt, ăn uống đến các triệu chứng bệnh trong suốt thời gian qua. Cuối cùng bác sĩ kết luận bé bị viêm phổi do hít sặc dịch bao tử vào đường hô hấp. Nguyên nhân là bé bị bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Vì vậy bé H. phải vừa điều trị viêm phổi (hậu quả) vừa điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản (nguyên nhân) mới hết hẳn viêm phổi tái phát.

Về mặt chuyên môn, viêm phổi tái phát có nhiều nguyên nhân như suyễn bội nhiễm, dị vật đường thở, tắc nghẽn đường thở do u, hẹp phế quản, suy giảm miễn dịch, tim bẩm sinh..., nhất là môi trường sinh sống bị ô nhiễm.

Để phòng bệnh viêm phổi tái phát, phụ huynh cần cải thiện các yếu tố về môi trường trong nhà như giữ nhà cửa sạch sẽ và không ô nhiễm khói thuốc lá, bụi nhà, lông chó mèo. Cho trẻ bú sữa mẹ, ăn uống đủ chất để nâng cao sức đề kháng, chích ngừa theo lịch của chương trình tiêm chủng quốc gia. Khi thời tiết chuyển mùa, nếu trời lạnh cần giữ ấm cho trẻ, nếu trời nóng dùng quạt máy hay máy lạnh. Quạt máy nên để tốc độ nhỏ, xoay các hướng, không để quạt gió trực tiếp vào vùng mũi miệng của trẻ sẽ làm đường thở bị khô. Máy lạnh để nhiệt độ trên 26OC và không cho bé nằm nơi hơi lạnh tỏa ra trực tiếp. Khi trẻ mắc các bệnh về đường hô hấp cần được điều trị sớm, đúng thời gian nhằm tránh biến chứng viêm phổi nguy hiểm.

BS NGUYỄN THÀNH ÚC

Nguồn Tuổi Trẻ: http://tuoitre.vn/chinh-tri-xa-hoi/song-khoe/565147/be-bi-viem-phoi-tai-di-tai-lai-lam-sao-het.html