Bẫy chuột chết người, mỗi tòa xử một tội

Đều là hành vi dùng bẫy điện diệt chuột, chẳng may làm chết người nhưng có tòa xử về tội giết người, có tòa xử về tội vô ý làm chết người.

Dù TAND Tối cao đã có hướng dẫn nhưng theo nhiều chuyên gia, vẫn chưa thể phân biệt tội danh một cách rõ ràng…

Do bị chuột phá hoại mùa màng, nhiều nông dân cạn nghĩ đã sử dụng phương pháp mua dây kim loại về bao quanh ruộng lúa rồi cắm điện để diệt chuột. Không ít cái bẫy kiểu này đã lấy đi sinh mạng của nhiều người vô tình vướng phải. Điều đáng nói là trong thực tiễn xét xử, các tòa chưa thống nhất về mặt tội danh áp dụng đối với người phạm tội.

Hành vi tương tự, tội khác nhau

Cách đây không lâu, thấy lúa đang chín nhưng bị chuột cắn phá dữ quá, ông Bùi Văn Đông ngụ huyện Hòn Đất (Kiên Giang) đã kêu con trai đi mua dây chì về giăng bao quanh ruộng lúa. Mỗi khi đêm xuống, cha con ông Đông đấu trực tiếp điện vào dây chì để diệt chuột. Một đêm, tai nạn thương tâm đã xảy ra khi anh VVN trên đường đi về nhà đã vướng vào bẫy, bị điện giật chết.

Sau đó, cha con ông Đông bị khởi tố, truy tố về tội vô ý làm chết người. Xử sơ thẩm, TAND tỉnh Kiên Giang đã tuyên phạt ông Đông 36 tháng tù treo, con trai ông 18 tháng tù về tội này.

Trái ngược với vụ án trên là vụ vợ chồng ông Võ Văn Điểm bị TAND tỉnh Hậu Giang xét xử về tội giết người đầu tháng 11-2011.

Theo hồ sơ, cũng do bị chuột phá lúa nên vợ chồng ông Điểm nảy sinh ý định giăng dây điện diệt chuột. Ngày 2-8-2011, họ đi giăng dây, sau đó ông Điểm kêu vợ ra ruộng xem có ai không để mình cắm điện rồi cả hai vợ chồng cùng đứng canh. Hơn 2 tiếng sau, ông Điểm rút điện ra để kiểm tra thì phát hiện có tám con chuột bị điện giật chết nên đem vào làm thịt. Sau đó, ông Điểm lại tiếp tục cắm điện và ra nằm võng phía ngoài ruộng canh chừng. Khoảng 22 giờ 30, ông Điểm nghe có tiếng la lớn nên kêu người trong nhà cúp cầu dao. Sau khi kiểm tra, mọi người phát hiện có một người chết do vướng vào dây điện.

Tại phiên xử, TAND tỉnh Hậu Giang cho rằng vợ chồng ông Điểm tuy không mong muốn nhưng có ý thức để mặc hậu quả xảy ra. Đây là lỗi cố ý gián tiếp trong tội giết người. Từ đó, tòa đã phạt ông Điểm hai năm sáu tháng tù, vợ ông 18 tháng tù treo về tội này.

Có hướng dẫn, vẫn rối!

Về việc phân biệt tội danh áp dụng với những trường hợp bẫy điện trái phép để diệt chuột, chống súc vật phá hoại mùa màng gây chết người, ngày 10- 6-2002, TAND Tối cao từng có Công văn số 81 hướng dẫn nghiệp vụ các tòa cấp dưới.

Theo đó, nếu người sử dụng điện mắc điện ở nơi có nhiều người qua lại (cho dù có làm biển báo hiệu), biết việc mắc điện trong trường hợp này là nguy hiểm đến tính mạng con người nhưng cứ mắc hoặc có thái độ bỏ mặc cho hậu quả xảy ra và thực tế là có người bị điện giật chết thì người phạm tội bị xét xử về tội giết người. Nếu người sử dụng điện mắc điện ở nơi họ tin rằng không có người qua lại, có sự canh gác cẩn thận, có biển báo nguy hiểm, tin rằng hậu quả chết người không thể xảy ra... Nhưng hậu quả có người bị điện giật chết thì người phạm tội bị xét xử về tội vô ý làm chết người.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, áp dụng theo hướng dẫn này vẫn chưa thể phân biệt tội danh một cách rõ ràng. Bởi lẽ nông dân chủ yếu bẫy điện diệt chuột ngoài đồng lúa. Bà con có thói quen đi làm về là băng đồng đi tắt, chưa kể có nhiều người mò cua bắt ốc, chích cá… kiếm sống trên đồng ruộng nên hầu như không thể chứng minh yếu tố “mắc điện ở nơi không có người qua lại” để phân biệt tội danh. Mặt khác, hầu hết các trường hợp bẫy điện chống chuột gây chết người đều tin rằng hậu quả sẽ không xảy ra, khi cắm điện đều cắt cử người canh chừng. Chưa kể, vì ít học và lạc hậu, suy nghĩ đơn giản, nhiều nông dân hoàn toàn không để ý đến chuyện làm biển báo nguy hiểm…

Giả sử gặp trường hợp chỉ đáp ứng được một phần các tiêu chí mà TAND Tối cao đưa ra như mắc điện ở nơi họ tin rằng không có người qua lại, tin rằng hậu quả chết người không thể xảy ra nên không làm biển báo, không canh gác cẩn thận thì xử tội gì? Hoặc mắc điện ở nơi có nhiều người qua lại nhưng có làm biển báo, có thắp đèn sáng, có canh gác cẩn thận, có nói cho mọi người biết, cũng tin rằng hậu quả chết người không thể xảy ra… thì sao?

Tội gì, tùy tòa!

Đến nay, dù đã có hướng dẫn của TAND Tối cao, việc xác định người bẫy điện diệt chuột gây chết người phạm tội gì vẫn tùy vào nhận định của từng HĐXX. Chẳng hạn ở hai vụ cùng giăng dây bẫy điện chống chuột ngoài đồng lúa, cùng đều không làm biển báo nguy hiểm, không cảnh báo… tương tự nhau dưới đây thì mỗi HĐXX kết án bị cáo một tội.

Vụ thứ nhất: Bị chuột phá lúa, ông Phan Văn Vụ ngụ huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi) làm bẫy điện diệt chuột. Sợ nói cho mọi người nghe thì… chuột sẽ biết nên ông Vụ âm thầm giăng dây, không làm biển báo, không cảnh báo mọi người… Đêm 27-2-2009, một người dân đi chích cá vướng vào bẫy điện tử vong. Tháng 7-2009, TAND tỉnh Quảng Ngãi đã phạt ông Vụ bốn năm tù về tội vô ý làm chết người.

Vụ thứ hai: Cũng do chuột phá lúa, bà Trần Thị Lư mua 80 m dây thép trần loại 1 mm cuốn vào các cọc tre cắm xung quanh ruộng làm bẫy điện diệt chuột, cũng không làm biển báo, không cảnh báo mọi người… Ngày 18-9-2011, anh NVL ở cùng thôn vướng vào bẫy bị điện giật chết. Đầu tháng 2-2012, TAND tỉnh Hải Dương đã phạt bà Lư bảy năm tù về tội giết người.

Vô ý vì quá tự tin

Điều 10 BLHS đã quy định khá cụ thể thế nào là vô ý phạm tội. Những người dùng điện để diệt chuột có thể thấy trước hậu quả là sẽ gây ra tai nạn điện giật chết người nhưng họ tin chắc rằng sẽ không có hậu quả xảy ra. Như vậy, xử họ về tội vô ý làm chết người sẽ hợp lý hơn.

Luật sư NGUYỄN TOÀN THIỆN,
Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Thuận

Cố ý gián tiếp

Việc gài điện để diệt chuột là hành vi có chủ ý của một người và người đó sẽ thấy trước được hành vi của mình có thể dẫn đến hậu quả chết người. Họ đã thấy trước hậu quả như vậy mà vẫn làm thì phải chịu trách nhiệm về tội giết người.

Tuy nhiên, do mục đích, động cơ của họ chỉ là nhằm diệt chuột nên lỗi của họ chỉ là lỗi cố ý gián tiếp.

Luật sư TẠ QUANG TÒNG,
Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk

Tùy hành vi cụ thể

Để áp dụng tội gì thì cơ quan tố tụng phải căn cứ vào yếu tố lỗi của người phạm tội mà yếu tố này lại biểu hiện ra bên ngoài bằng những hành vi cụ thể.

Nếu người sử dụng điện diệt chuột tin rằng không có hậu quả xảy ra và có sự phòng ngừa trước hậu quả (ở nơi ít người, có cảnh báo, canh gác, lập hàng rào…) thì đó là tội vô ý làm chết người (lỗi vô ý do quá tự tin). Nếu người sử dụng điện để diệt chuột có thái độ bỏ mặc (thiếu canh gác, cảnh báo, rào chắn…) và hậu quả chết người xảy ra thì phải xử tội giết người (lỗi cố ý gián tiếp).

Giảng viên MAI KHẮC PHÚC, ĐH Luật TP.HCM

HỒNG TÚ

Nguồn PLO: http://www.phapluattp.vn/20120302122258519p0c1063/bay-chuot-chet-nguoi-moi-toa-xu-mot-toi.htm