Bát nháo chất lượng các trung tâm ngoại ngữ

THỜI NAY- NDĐT- Do nhu cầu học ngoại ngữ tăng cao, các cơ sở dạy ngoại ngữ ở TP Hồ Chí Minh mọc lên như “nấm sau mưa”. Không thể phủ nhận hiệu quả góp phần nâng cao dân trí, nhưng vì chạy theo lợi nhuận, nhiều cơ sở cạnh tranh nhau bằng cách tung ra những chiêu quảng cáo thổi phồng chất lượng. Chỉ có người học là thiệt thòi vì phòng học nhồi nhét và giảng viên là Tây “ba lô”.

Chạy theo lợi nhuận Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, năm 2009, thành phố có 207 cơ sở dạy ngoại ngữ, tăng 41 cơ sở so với năm 2008 và chiếm 41,24% tổng số các cơ sở dạy văn hóa ngoài giờ của thành phố. Hiện nay, số cơ sở dạy ngoại ngữ đã tăng lên 217. Số chi nhánh, loại hình giảng dạy ngoại ngữ cũng tăng đáng kể. Tổng số học viên học ngoại ngữ năm học trước là 721.824 lượt người, tăng 62.624 lượt người, chiếm 63% lượt người tham gia học các loại hình văn hóa ngoài giờ. Điều này cho thấy, đầu tư cho giảng dạy ngoại ngữ và nhu cầu của người học đều tăng cao. Đường Điện Biên Phủ đoạn ngã tư Hàng Xanh và đường 3/2 được mệnh danh là “phố ngoại ngữ” vì nơi đây có mật độ cơ sở dạy ngoại ngữ dày đặc. Chỉ một đoạn dài khoảng 100 m trên đường Điện Biên Phủ đã tập trung khoảng 15 cơ sở ngoại ngữ. Các cơ sở ngoại ngữ trương biển hiệu quảng cáo sặc sỡ ở mặt tiền. Các cơ sở cũng không ngừng quảng bá chiêu sinh trên báo chí, phát tờ rơi trên đường phố với những lời có cánh như: giảng viên bản xứ, chứng chỉ được quốc tế công nhận. Với mức học phí cho một khóa ngắn hạn từ ba đến sáu tháng khoảng 1 triệu đến 1,5 triệu đồng trong các cơ sở hạng phổ thông, từ ba triệu đến năm triệu đồng trong các cơ sở “xịn”, dạy ngoại ngữ trở thành một nghề kinh doanh mang lại lợi nhuận cao. Vì thế, các cơ sở mở ra ngày càng nhiều chi nhánh trên khắp thành phố. Tuy nhiên, do chạy theo số lượng và lợi nhuận, nhiều cơ sở đã lãng quên chất lượng đào tạo. Chất lượng so le Lê Minh Thành, sinh viên Trường đại học Ngoại thương TP Hồ Chí Minh đăng ký học lớp giao tiếp ở Trường Ngoại ngữ Anpha, chi nhánh trên đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh) với mong muốn được “cọ xát” trình độ tiếng Anh với người bản ngữ. Thế nhưng, Thành vô cùng thất vọng vì cả hai thầy giáo đều không phải người Anh và dạy ngoại ngữ chỉ là nghề “tay trái”. Một thầy quốc tịch Áo đang làm việc tại một công ty sản xuất thẻ, một thầy nữa là người Philippin phát âm tiếng Anh còn không chuẩn. Trường Ngoại ngữ Đông – Âu quảng cáo là Trung tâm đào tạo TOEIT hàng đầu, nhưng chưa tạo được niềm tin cho các học viên. Anh Lê Quang Vinh từng học tại Trường Ngoại ngữ Đông – Âu, chi nhánh trên đường Nguyễn Tri Phương (quận 5) phàn nàn: “Dù cam kết mỗi lớp học chỉ có 25 học viên nhưng trung tâm lại nhồi nhét tới 31 người. Suốt khóa học sáu tháng, chỉ có khoảng chục buổi là có giáo viên người nước ngoài dạy”. Cũng trong tình trạng nhồi nhét học viên và chiêu sinh rầm rộ, Trung tâm Ngoại ngữ Năng động Active nằm trên đường Lý Thái Tổ thu hút học viên bằng cách đưa ra nhiều gói học phí. Người học có thể đóng học phí theo tháng hoặc trọn gói cả năm. T- một giảng viên đại học từ Cần Thơ lên làm nghiên cứu sinh tại TP Hồ Chí Minh được giới thiệu đến học tại trung tâm này cho biết cảm giác bị lừa: “Quảng cáo là vậy nhưng vô học mới biết mình bị nhồi nhét, giảng viên là mấy ông Tây đi du lịch.Còn lời hứa đóng học phí trọn gói để được tham gia bất kỳ khóa học nào của trung tâm chỉ là quảng cáo vì cách bố trí giờ khác nhau, không ai theo được”. Nhiều học viên sau một thời gian học tại đây đã bỏ của chạy lấy người dù học phí đã đóng cả năm. Một số học viên Trường Anh ngữ quốc tế Âu Mỹ - IWEB cho biết, trung tâm liên tục thay đổi thầy giáo người nước ngoài. Điều đáng nói là dường như trung tâm không quản lý nội dung giảng dạy của các giáo viên người nước ngoài. Thầy giáo muốn nói gì thì nói, không cần quan tâm học viên có hiểu bài hay không… Quản lý không xuể Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở GD - ĐT TP Hồ Chí Minh cho biết: “Nhiều cơ sở dạy ngoại ngữ tại TP Hồ Chí Minh hoạt động hiệu quả, nền nếp, tạo được uy tín với người học. Nhưng vẫn còn một vài cơ sở chưa có ý thức chấp hành pháp luật. Thanh tra Sở thường xuyên kiểm tra các cơ sở ngoại ngữ và thấy sai đâu thì xử phạt đó. Khó khăn hiện nay là chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe, đặc biệt là các vi phạm về thủ tục cấp phép, quảng cáo, chiêu sinh, sử dụng lao động người nước ngoài”. Sai phạm phổ biến hiện nay là các cơ sở thường để các bảng hiệu quảng cáo là “Trường ngoại ngữ” này “Trung tâm ngoại ngữ” nọ với tên gọi nửa tây nửa ta để thu hút học viên. Nhiều cơ sở do người Việt Nam làm chủ, khi đăng ký tên trong hồ sơ thì hoàn toàn bằng tiếng Việt, nhưng khi trương bảng hiệu lên thì là một cái tên bằng tiếng Anh rất kêu. Ông Nguyễn Tiến Đạt giải thích: “Các cơ sở đã tự “nâng cấp” tên gọi là “trường ngoại ngữ” nhưng thực ra không phải vậy. Sở GD - ĐT thành phố chỉ cấp phép hoạt động là cơ sở ngoại ngữ hoặc trung tâm ngoại ngữ. Tuy nhiên, trách nhiệm xử phạt vi phạm này lại thuộc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, còn đơn vị cấp phép hoạt động cho giáo viên người nước ngoài là Sở Lao động - Thương binh và Xã hội”.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=183575&sub=74&top=41