Bảo vệ môi trường để phát triển bền vững

(Chinhphu.vn) - Nhận thức rõ những nguy cơ, thách thức của tình trạng ô nhiễm môi trường đối với sự phát triển của đất nước, từ nhiều năm qua, Đảng ta đã xác định muốn đất nước phát triển nhanh và bền vững, phải thường xuyên coi trọng và gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường sinh thái.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Kết hợp chặt chẽ giữa ngăn ngừa, khắc phục ô nhiễm với khôi phục và bảo vệ môi trường sinh thái”. Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 2011-2020 cũng nhấn mạnh: “Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, gắn nhiệm vụ, mục tiêu bảo vệ môi trường với phát triển kinh tế- xã hội… Hoàn thiện hệ thống luật pháp về bảo vệ môi trường; xây dựng chế tài đủ mạnh để ngăn ngừa, xử lý các hành vi phạm. Khắc phục suy thoái, khôi phục và nâng cao chất lượng môi trường”. Nghị quyết của Đảng đã rõ. Vấn đề là ở chỗ chúng ta phải hiện thực hóa chủ trương đó của Đảng bằng những hành động thiết thực gì? Thiết nghĩ, trước hết cần xác định nhiệm vụ bảo vệ môi trường là một yêu cầu không thể thiếu và là một trong những nhiệm vụ quan trọng để bảo vệ quyền sống của con người. Để giải quyết tốt vấn đề môi trường, cần chú trọng giải quyết đồng thời nhiều mâu thuẫn đang tồn tại, nảy sinh như: mâu thuẫn giữa tư tưởng làm giàu “ăn xổi, ở thì” của một bộ phận người (và cả doanh nghiệp) trong xã hội với yêu cầu, nhiệm vụ và mục tiêu bảo vệ môi trường phải rất kiên trì, bền bỉ; mâu thuẫn giữa lợi ích nhất thời, trước mắt với lợi ích cơ bản, lâu dài; mâu thuẫn giữa sự “tăng trưởng nóng” với sự phát triển ổn định, hài hòa, bền vững... Muốn vậy, phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về sự cấp thiết của công tác bảo vệ môi trường hiện nay, tích cực chăm lo xây dựng văn hóa ứng xử với môi trường cho mọi cấp, mọi ngành, mọi người, mọi tổ chức, mọi đơn vị sản xuất kinh doanh. Việc hướng tới một nền kinh tế phát triển bền vững không thể không quan tâm đến việc lựa chọn các mô hình tăng trưởng coi môi trường là một trong những yếu tố quan trọng nhất. Vì vậy, trong hoạt động sản xuất kinh doanh, các ngành, các địa phương cần ưu tiên ứng dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; thường xuyên cập nhật những tiến bộ, thành tựu của thế giới về xử lý môi trường để giảm thiểu ô nhiễm, tiến tới xây dựng những cơ sở sản xuất kinh doanh sạch để ngày càng có nhiều không gian sạch, môi trường sạch. Bên cạnh đó, cần sớm nghiên cứu, xây dựng và ban hành các tiêu chí môi trường trong từng ngành, từng sản phẩm kinh tế; coi bảo vệ môi trường trong sạch là một trong những tiêu chí “cứng” để xác định thương hiệu của mỗi ngành, mỗi doanh nghiệp, mỗi sản phẩm kinh tế, qua đó góp phần tạo dựng vị thế, diện mạo của đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Từng bước xây dựng một nền “năng lượng sạch” cho nền kinh tế quốc dân và chăm lo, tạo điều kiện cho mọi người được tiếp cận, hưởng thụ các dịch vụ “tiêu dùng sạch”. Cùng với việc tăng cường các biện pháp xử lý có hiệu quả tình trạng ô nhiễm môi trường ở các khu công nghiệp, khu đô thị, khu làng nghề, chúng ta cần hết sức chú ý đến việc quy hoạch các khu xử lý rác thải ở nông thôn. Với khoảng 70% dân số nông dân đang sinh sống, cư trú, lao động sản xuất ở nông thôn thì việc giữ gìn, bảo vệ môi trường ở địa bàn rộng lớn này ngay từ bây giờ có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Bảo vệ tốt môi trường sống phải đi trước một bước mới tạo đà cho sự phát triển kinh tế- xã hội của cả nước nói chung, ở khu vực nông thôn nói riêng, được thuận lợi. Nhiệm vụ bảo vệ môi trường rất cấp thiết như vậy, nên trong thời gian tới nên xây dựng lực lượng chuyên trách tham gia công tác bảo vệ môi trường ở cấp xã. Nếu xác định bảo vệ môi trường là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, thì phải coi trọng và đề cao vai trò, trách nhiệm, nghĩa vụ của cấp ủy, chính quyền cơ sở trong việc bảo vệ môi trường, trong đó đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn làm công tác môi trường ở địa bàn này làm nòng cốt. Một giải pháp quan trọng nữa là cần tiếp tục rà soát các văn bản pháp luật về môi trường. Trên cơ sở đó tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý về bảo vệ môi trường; đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả đấu tranh, phòng chống, đẩy lùi các hành vi vi phạm môi trường, các loại tội phạm về môi trường. Đây chính là “bức tường lửa” nhằm răn đe, ngăn chặn mọi biểu hiện, hoạt động làm tổn hại đến môi trường sinh thái, góp phần giữ gìn và bảo vệ an ninh môi trường trong thời kỳ hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới. Văn Hải

Nguồn Chính Phủ: http://baodientu.chinhphu.vn/home/bao-ve-moi-truong-de-phat-trien-ben-vung/20115/84743.vgp