Bảo vệ da khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời

PNO - Chúng ta đều biết lợi ích của ánh nắng mặt trời giúp diệp lục tố của lá cây tổng hợp oxy cần thiết cho sự sống, giúp cơ thể tổng hợp vitamin D, kích thích hấp thu canxi để xương tăng trưởng chắc khỏe…

Tuy nhiên, tia cực tím (ultra violet: UV) trong ánh nắng mặt trời cũng gây nhiều tác hại cho làn da như: đỏ da do phỏng nắng, sạm da, lão hóa da và ung thư da. Các loại tia UV gây tổn thương da Sự phóng xạ của tia cực tím khi tới bề mặt của trái đất thì chia thành UVB (độ dài sóng từ 290 nm tới 320 nm ) và UVA (độ dài sóng từ 320 nm tới 400 nm) . UVA còn chia thành UVAI hay UVA xa (độ dài sóng từ 340 nm tới 400 nm ) và UVAII hay UVA gần (độ dài sóng từ 320 nm tới 340 nm). Tia UVB Chiếm 5% phổ tia cực tím. Tác hại của tia UVB thay đổi theo mùa, thời tiết, độ cao. Tác hại càng lớn vào mùa hè, trong khoảng thời gian có ánh nắng gay gắt nhất trong ngày (từ 11 giờ sáng đến 3 giờ chiều) và càng lên cao thì tác hại càng lớn. Tuy vậy, tia UVB không xuyên qua mây, kính nên không gây tổn thương da khi chúng ta ngồi trong bóng râm, ở trong nhà, trong xe hơi và vào những ngày mưa. Tia UVB gây tổn thương nông và cấp tính ở da: gây đỏ da, phỏng nắng, rám nắng. Tia UVA Chiếm 95% phổ tia cực tím. Tia UVA tồn tại ở tất cả các ngày trong năm và tác hại của tia không phụ thuộc vào độ cao, mùa hay thời tiết vì tia UVA xuyên qua mây, bê tông, kính cửa sổ, kính xe hơi, quần áo… Do đó tia UVA tồn tại mọi lúc mọi nơi và gây ra các tổn thương sâu ở da như: làm mất sự đàn hồi, săn chắc của da, gây nếp nhăn da, lão hóa da, sạm da và ung thư da. Những biện pháp bảo vệ da Chống nắng được xem là chiến lược y tế dự phòng hàng đầu trong việc chăm sóc da. 1. Thuốc thoa chống nắng: Đây là biện pháp được nhiều người sử dụng từ lâu để hạn chế tác hại của ánh nắng mặt trời đối với da. Có hai loại chất chống nắng: - Các chất chống nắng theo cơ chế vật lý: làm phản hồi hay phân tán tia cực tím (gần đây, các nghiên cứu cho thấy các dạng vi thể của các chất này cũng có thể hấp thu 1 phần tia cực tím) vì vậy không làm tổn thương da, gồm hai chất chính là zinc oxide và titanium dioxide. Titanium dioxide: đáp ứng các tiêu chuẩn của một chất chống nắng lý tưởng, an toàn và hấp thu hoặc phản chiếu khắp phổ tia cực tím, nhưng bị giới hạn bởi tính thẩm mỹ (có màu trắng đục như vôi); khi kích cỡ phân tử của chất này giảm xuống thật nhỏ hoặc cực mịn để ít thấy được trên bề mặt da thì sẽ khắc phục được nhược điểm này. Còn Zinc oxide: có tính chất giống như titanium dioxide với các lợi ích và bất lợi như đã mô tả ở trên. - Các chất chống nắng theo cơ chế hóa học: các chất này có các thành phần hóa học tương tự như chromophone (chất diệp lục trong lá cây) có khả năng hấp thu ánh nắng, vì vậy không làm tổn thương da. Các chất chống nắng theo cơ chế hóa học: Các chất chống UVB Các chất chống UVA Padimate O Octyl methoxycinnamate (Octinoxate) Octyl salicylate (Octisalate) Octocrylene Phenylbenzimidazole Sulfonic acid Oxybenzone Methyl anthranilate Avobenzone (Parsol 1789) Cách sử dụng thuốc thoa chống nắng: Sự bảo vệ cung cấp bởi một chất chống nắng được thể hiện qua chỉ số chống nắng SPF (sun protection factor) của chất này (SPF là tỉ số giữa lượng tối thiểu tia cực tím cần thiết để gây đỏ da ở vùng da được thoa 2mg/cm2 thuốc này, so với lượng tối thiểu tia cực tím cần để gây đỏ da tương tự ở vùng da không được thoa thuốc). Mức SPF được đề nghị là > 15 với các loại da. SPF càng cao thì mức độ hấp thu UVB càng lớn. SPF Sự hấp thu UVB 2 4 8 15 20 30 45 50 50% 75% 87,5% 93,3% 95% 96,7% 97,8% 98% Khi sử dụng nên lưu ý: phải thoa kem chống nắng ít nhất 15-30 phút trước khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời (để màng chống nắng được thành lập trên bề mặt da); dùng thuốc có SPF đủ để bảo vệ da (>15 ); chọn thuốc chống nắng hấp thu được cả tia UVA (thường được ký hiệu là PA+++ ); thoa đủ thuốc: 2mg/cm2 (lượng thuốc cần dùng để bảo vệ vùng đầu cổ là 3-5g, để bảo vệ toàn cơ thể là 30g ); nhớ thoa vùng tai, cổ, vùng có tóc thưa trên da đầu, bàn chân, cẳng chân (khi mặc quần ngắn). Đối với vận động viên, người chơi thể thao nhất là khi bơi lội, người lao động nặng dễ đổ mồ hôi nên chọn thuốc chống nắng “bền vững với nước”; không dùng kem chống nắng cho trẻ em dưới 6 tháng tuổi (theo khuyến cáo của FDA); tùy theo loại da, tình trạng da, mục đích sử dụng mà chọn dạng thuốc thoa thích hợp. Các dạng thuốc chống nắng tại chỗ: - Dạng kem: thuốc chống nắng được dùng nhiều nhất là các loại dầu, có nhược điểm làm da bóng, nhờn, khó rửa sạch nhưng lại có ưu điểm bám chặt vào da, thời gian bảo vệ được lâu. - Dạng kem: ưu điểm là dùng được cho người da nhờn, người bị mụn, người có nhiều lông trên cơ thể và dễ rửa sạch tuy nhiên nó lại dễ gây cay mắt và rát da mặt. - Dạng phun: ưu điểm là tiện lợi khi sử dụng trên diện rộng nhưng nhược điểm là có thể tạo một màng không đều nên tác dụng chống nắng bị hạn chế, cũng có thể gây rát da. - Dạng thỏi: được làm đặc lại với vaseline và sáp. Tiện lợi để bảo vệ môi, quanh mắt. Hạn chế: không dùng được trên diện rộng. - Dạng bánh: sử dụng như phấn nền trong trang điểm. Thường có SPF < 15. 2. Thuốc uống chống nắng: Hiện nay, người ta hướng tới việc dùng thuốc chống nắng bằng đường uống vì những lợi ích như: tiện lợi, người sử dụng dễ tuân thủ (dùng đủ liều), có tác dụng bảo vệ toàn cơ thể, tránh được các tác dụng không mong muốn như ngứa, rát, mụn… và nhất là hữu ích cho những người vừa được điều trị bằng tia laser, IPL, lột da mặt… Trẻ em trên 4 tuổi có thể sử dụng được thuốc. Thuốc còn ít gây dị ứng nếu có nguồn gốc thực vật như viên HELIOCARE chứa chất Polypodium Leucotomos chiết xuất từ cây dương xỉ ở Trung Mỹ. Ngoài biện pháp bảo vệ da bằng thuốc, chúng ta cũng cần chú ý, mùa hè khí hậu nóng ẩm là môi trường thuận lợi để vi trùng, vi nấm phát triển, do đó phải siêng tắm giặt, mặc quần áo vải mỏng, may rộng, vải cotton, năng thay vớ để da được sạch, thoáng mát, không ứ đọng mồ hôi gây rôm sảy, nấm thân, nấm bẹn, nấm kẽ chân, lang ben… ThS.BS Đặng Thị Tốn (Giảng viên Bộ môn Da liễu, Trường ĐH Y Dược TP.HCM)

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://www.phunuonline.com.vn/suckhoe-dinhduong/2010/Pages/bao-ve-da-khoi-tac-hai-cua-anh-nang-mat-troi.aspx