Bảo tồn và sử dụng bền vững giống lợn bản địa Việt Nam

Ngày 25/11, Hội thảo khoa học “Hiện trạng và việc sử dụng các giống lợn bản địa Việt Nam”, một hoạt động trong khuôn khổ Dự án SATREPS về “Thành lập ngân hàng gene đông lạnh cho các giống lợn bản địa của Việt Nam và phát triển hệ thống chăn nuôi bền vững để bảo vệ đa dạng sinh học”, đã diễn ra tại Hà Nội.

Trong khuôn khổ SATREPS, Đoàn Viện Chăn nuôi Việt Nam tham quan phòng thí nghiệm của Trung tâm nghiên cứu tài nguyên sinh học RIKEN, Nhật Bản. (Nguồn:

Đây cũng là một hội thảo vệ tinh của Hội nghị quốc tế thường niên lần thứ 12 của Hiệp hội Công nghệ Sinh học Sinh sản châu Á (ARBS).

Tại Hội thảo, các nhà khoa học Việt Nam và Nhật Bản làm việc trong lĩnh vực chăn nuôi, bảo tồn, công nghệ hỗ trợ sinh sản và thú y… đã chia sẻ nhiều thông tin hữu ích liên quan, đồng thời giới thiệu các công trình nghiên cứu của mình về hiện trạng và xu hướng, cũng như những công việc sắp triển khai của Dự án.

Hội thảo cũng tạo cơ hội cho các nhà khoa học, viện nghiên cứu, các cơ quan quản lý và những cá nhân quan tâm có thể chia sẻ thông tin và xây dựng hợp tác để thực hiện dự án thành công và xa hơn nữa là để bảo tồn và phát triển các giống lợn bản địa Việt Nam.

Dự án SATREPS (viết tắt của Chương trình Hợp tác nghiên cứu Khoa học và Công nghệ phát triển bền vững) được đồng tài trợ bởi Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Cơ quan Khoa học và Công nghệ Nhật Bản (JST). Dự án bắt đầu triển khai từ tháng 5/2015 và sẽ kéo dài trong 5 năm. SATREPS hướng đến việc thành lập một hệ thống bảo tồn nhằm nhận diện, đánh giá và sử dụng giống lợn bản địa Việt Nam, từ đó đóng góp một cách hiệu quả cho việc bảo tồn và sử dụng các giống lợn này, đồng thời với việc phát triển bền vững các vùng và các hộ chăn nuôi lợn.

Về phía Việt Nam, tham gia trực tiếp vào Dự án có Viện Chăn nuôi, Viện Công nghệ sinh học, Trường Đại học Nông nghiệp và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình. Về phía Nhật Bản, tham gia Dự án có Viện Công nghệ sinh học Nông nghiệp Nhật Bản, Trường Đại học Tokushima, Viện Thú y quốc gia, Viện Khoa học Chăn nuôi và đồng cỏ và Công ty thức ăn chăn nuôi Itochu.

V.Hà

Nguồn TG&VN: http://www.tgvn.com.vn/Item/VN/KhoaHoc/2015/11/A270BAC4F9EF6FFC/