Bao lâu thì thoát vòng tố tụng?

Trong Bộ luật Hình sự, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự với người phạm tội chia ra các mức: năm năm; 10 năm;

15 năm và 20 năm tùy thuộc vào người đó phạm tội ít nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện. Bộ luật cũng quy định về cách tính thời hiệu nếu người phạm tội trốn tránh, phạm tội mới, phạm vào tội xâm phạm an ninh quốc gia…

Quy định là vậy nhưng thực tiễn áp dụng có nhiều trường hợp gây tranh cãi. Có vụ thời hiệu được tính đến ngày khởi tố vụ án, khởi tố bị can, còn thời gian tiến hành tố tụng dù kéo dài bao nhiêu cũng không được tính vào thời hiệu. Nhưng cũng có vụ cơ quan tiến hành tố tụng lại tính cả thời gian tiến hành tố tụng vào thời hiệu. Có nhiều vụ thời gian tiến hành tố tụng kéo dài cả chục năm, có vụ xử đi, xử lại cả chục bản án nhưng vẫn chưa kết thúc, có người là bị can gần 20 năm vẫn chưa ra khỏi vòng tố tụng. Nếu trừ thời gian tiến hành tố tụng thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đã hết, còn nếu tính cả thời gian tiến hành tố tụng kéo dài thì người phạm tội vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Vậy là việc truy cứu trách nhiệm hình sự hay không lại tùy thuộc vào nhận thức của cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng.

Bộ luật Hình sự chỉ quy định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện, còn đến khi nào thì hết thời hiệu lại không quy định, cũng không thấy các cơ quan tiến hành tố tụng hướng dẫn: năm năm, 10 năm, 15 năm, 20 năm tính từ ngày tội phạm được thực hiện ??n khi n?o?đến khi nào?Đến khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can hay đến khi xét xử cuối cùng?

Nhiều người cho rằng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là kể từ ngày tội phạm được thực hiện đến khi cơ quan tiến hành tố tụng “truy cứu trách nhiệm hình sự”. Nhưng “truy cứu trách nhiệm hình sự” là một khái niệm pháp lý chứ không phải chỉ thời gian, không gian. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự không chỉ đối với một cơ quan tiến hành tố tụng mà của ba cơ quan tiến hành tố tụng (cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án). Nếu cho rằng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn từ khi thực hiện hành vi phạm tội đến khi truy cứu trách nhiệm hình sự thì thời hạn này dài hay ngắn là do thời hạn điều tra, truy tố, xét xử. Nếu như vậy, sẽ có nhiều trường hợp khi cơ quan điều tra khởi tố bị can thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự còn nhưng trong quá trình điều tra, đến khi hồ sơ chuyển sang viện kiểm sát hoặc tòa án thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đã hết thì giải quyết thế nào? Thời gian tố tụng có tính vào thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự không? Thực tế có nhiều vụ án, do lỗi của cơ quan tiến hành tố tụng nên vụ án kéo dài hàng chục năm. Có vụ sau khi hủy án để điều tra lại, cơ quan điều tra thấy thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đã hết nên ra quyết định đình chỉ vụ án.

Việc xác định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các vụ án có nhiều người tham gia còn phức tạp hơn, có người phạm tội bị bắt ngay, có người bỏ trốn, cơ quan điều tra phải tạm đình chỉ điều tra; đến khi bắt được người bỏ trốn thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người không bỏ trốn đã hết thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối họ sẽ tính thế nào? Trường hợp cơ quan điều tra khởi tố về tội nghiêm trọng nhưng tòa án lại kết án người phạm tội về tội ít nghiêm trọng thì tội phạm để tính thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là tội ít nghiêm trọng hay tội nghiêm trọng? v.v…

Quá nhiều gút mắc nên cần có hướng dẫn thống nhất, nếu không sẽ khó tránh việc mỗi người áp dụng theo cách hiểu của mình.

ĐINH VĂN QUẾ

Nguồn PLO: http://phapluattp.vn/20121230121143974p0c1063/bao-lau-thi-thoat-vong-to-tung.htm