Bao dung như tôi biết

Các em học sinh nhận phần thưởng chi thành tích học tập tốt nhân kỷ niệm 40 năm thành lập Đảng (3.2.1930-3.2.1970). Ảnh của Hãng nihon delta new - Nhật Bản

Những năm 90 thế kỷ trước, tôi làm tư liệu cho những bộ phim về Bác Hồ, nhân bàn tới những ứng xử và bao dung trong tư tưởng và cuộc đời của Bác, cụ Đào Phan - nhà nghiên cứu tác giả của những cuốn sách nổi tiếng về danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh, bảo tôi: “Bao dung là một trong những phẩm chất đạo đức là giá trị truyền thống cao cả của nước ta và phương Đông mà Bác Hồ đã kế thừa, trở thành đạo đức, cốt cách của vị lãnh tụ mà ai nấy đều tin cậy và yêu quý”. Cụ tìm trên giá sách tập “Hán Việt từ điển” cũ của cụ Đào Duy Anh, anh cả của mấy anh em họ Đào, soạn những năm 1940 do Quan Hải Tùng thư in, chỉ dẫn thêm cho tôi: “Tiếng Hán, Bao có nghĩa là rộng rãi, Dung có nhiều nghĩa, có nghĩa là tiếng nhận, là bao bọc. Tiếng Việt của mình có thể kể ra nhiều như: tha thứ, khoan hồng, khoan dung… Bao dung có gốc từ lòng nhân yêu con người, thực sự hiểu biết số phận của mỗi con người, mới nảy sinh được bao dung. Có hiểu biết thông cảm, mới có thể tha thứ bao dung…”.

Sau này làm tư liệu về Bác Hồ, gặp gỡ nhiều người, tôi hiểu thêm về tấm lòng bao dung của Bác. Có thể không bao giờ kể hết được những ứng xử bao dung của người qua nhiều sự việc, từ việc nhỏ cho đến việc lớn. Với lòng yêu người đức nhân từ và trí tuệ, bao dung của Bác luôn khơi dậy trong mỗi con người những mầm thiện, niềm tin, sức mạnh để hoàn thiện chính mình. Bao dung như Bác là chan hòa rộng khắp mà không kéo phe cánh, phân biệt hẹp hòi, như trong kháng chiến Bác thường kêu gọi nhân dân ta bao dung độ lượng với những người lạc lối lầm đường. Năm 1952, khi đa số cán bộ và nhân dân ta cho những ai “dinh tê” (về thành phố đang bị Pháp tạm chiếm. BT) là Việt gian phản quốc, Bác nói: “Người dinh tê không phải muốn phản bội mà vì họ kém tin vào dân tộc, vào bản thân, và kêu gọi “Người dinh tê hãy tin vào bản thân mình, tin vào thắng lợi của cuộc kháng chiến”.

Tháng 5.1968 khi xem lại di chúc Bác viết thêm mấy điều dặn dò: “Đầu tiên là công việc đối với con người”. Trong đoạn văn này, Bác có nhắc: “Đối với những nạn nhân của chế độ cũ… Nhà nước phải vừa giáo dục, vừa phải dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lao động lương thiện”. Bác thường ưa giải thích, ngăn ngừa các hành vi không chí thiện, ngăn cản đến phút cuối cùng cho sự ác không diễn ra, và khi không thể ngăn cản được sự xảy ra, lại tiếp tục đem tấm lòng nhân ái, độ lượng tiếp tục ngăn cản cho sự ác chậm phát triển, mau kết thúc.

Ứng xử bao dung của Bác thật chân thành, giản dị, tự nhiên. Các Thiền sư ngày xưa gọi là “Phật tính” tiềm ẩn trong mỗi con người. Bác nhường thức ăn, chia áo ấm cho các chiến sĩ bảo vệ, cho cả tù binh, gọi những con người hôm qua còn cầm súng chống lại mình là “bạn”, khi họ phải hạ súng xuống đầu hàng cũng được gọi là bạn. Hàng năm vào dịp Lễ Tạ ơn của nước Mỹ, cuối tháng 11, Bác chỉ thị cho cán bộ quản giáo trại giam phải làm món gà tây cổ truyền cho các tù binh Mỹ. Bác là người lãnh đạo cao nhất của toàn dân kháng chiến mà luôn luôn mong muốn, căn dặn phải hạn chế đến mức cao nhất sự đổ máu hy sinh của chiến sĩ đồng bào và cả quân đội của đối phương. Chính vì lẽ đó, người luôn luôn đề cao công tác binh vận, luôn nhắc nhở cán bộ chiến sĩ ta thực hiện đúng chính sách nhân đạo đối với tù binh. Có một câu chuyện về Bác do nhà thơ Việt Phương kể lại mà đến bây giờ tôi vẫn còn suy nghĩ mãi. Có một lần Bác trực tiếp nghe báo cáo về một trận đánh ở Bình Định, trong đó quân ta tiêu diệt sạch một tiểu đoàn địch, không để cho một tên nào chạy thoát. Anh Việt Phương nói là trên nét mặt Người thoáng vẻ buồn và Người nói với người báo cáo: “Chú cho giết nhiều người như thế là hay sao, cũng là đồng bào ta cả!”. Đối với Hồ Chí Minh, lòng bao dung bắt nguồn từ đức hiếu sinh, không dừng lại ở “chỉ ác” (ngặn chặn điều ác) mà còn là, chủ yếu là “tái thiện” (làm điều thiện). Chăm lo con người trong hiện tại, vun đắp cho tương lai của các thế hệ mai sau... là điều tâm niệm của Người.

Trong cuộc đời làm tư liệu, có một người tôi rất kính trọng là cụ Lê Đình Thám, người Xứ Quảng. Cụ là một cư sĩ, một người am hiểu Đạo học, một lão thành cách mạng, rất kính trọng Hồ Chủ tịch. Có lần cụ nói: “Trong lịch sử nhân văn của loài người, không thiếu những người có đức bao dung. Nhưng đối với một nhân cách, một tâm hồn, một trí tuệ bao dung như Hồ Chí Minh, đấy là một hiện tượng riêng biệt độc đáo của Hồ Chí Minh mà cũng là tài sản chung của nhân loại”. Nhiều năm tôi cứ nghĩ: Điều bao dung lớn nhất của Hồ Chí Minh là gì? Tìm hiểu nhiều dữ kiện trong cuộc đời hoạt động của Bác, tôi nghĩ có thể là sự tôn trọng chính kiến, tư tưởng, niềm tin của người khác, không lấy ý kiến của mình, tư tưởng niềm tin của mình, bác bỏ loại trừ chính kiến, tư tưởng niềm tin của người khác. Nhận mình là một người cách mạng, một người yêu nước đồng thời chấp nhận có chọn lọc những phần, những yếu tố đúng đắn và tốt đẹp của Khổng giáo, của Phật, Chúa Giê-su, không đem cái mình ưa thích, không mắc vào cái “tâm bệnh” của con người (vi thuật tương tranh, thị vi tâm bệnh). Hồ Chí Minh chủ trương chung sống với mọi niềm tin chính kiến, về một sự công bằng dân chủ, tôn trọng lẫn nhau, là cái gốc của hòa bình, dân chủ của cả loài người.

Nhiều năm, cho đến khi về già tôi cố học cách bao dung không phải chỉ đối với một người mà đối với mọi người, đối với cả thiên nhiên cũng vậy. Một việc làm thật khó, không phải chỉ làm trong một giây, một phút, một giờ hay một ngày mà là việc của cả kiếp người...

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/bao-dung-nhu-toi-biet-516177.bld