Bảo đảm nguồn cung thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán

Tết Giáp Ngọ đang đến gần, là thời điểm mà người chăn nuôi đang phải "chạy nước rút" tái đàn để đáp ứng nhu cầu thực phẩm ngày càng tăng. Tuy nhiên, giá thịt, trứng gia cầm lại trồi sụt những ngày gần đây khiến người chăn nuôi chưa thể yên tâm. Bởi vậy, rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng giúp họ trụ vững để bảo đảm nguồn cung thực phẩm phục vụ người dân trong dịp Tết.

Tết Giáp Ngọ đang đến gần, là thời điểm mà người chăn nuôi đang phải "chạy nước rút" tái đàn để đáp ứng nhu cầu thực phẩm ngày càng tăng. Tuy nhiên, giá thịt, trứng gia cầm lại trồi sụt những ngày gần đây khiến người chăn nuôi chưa thể yên tâm. Bởi vậy, rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng giúp họ trụ vững để bảo đảm nguồn cung thực phẩm phục vụ người dân trong dịp Tết.

Giá tăng, chăn nuôi khôi phục mạnh
Sau nhiều tháng "vật lộn" với những khó khăn chồng chất do giá bán sản phẩm chăn nuôi ở mức thấp, bước sang tháng 9, thị trường thực phẩm tươi sống đã được cải thiện, giá thịt, trứng theo đà tăng lên. Theo dõi diễn biến của thị trường, Phó Trưởng phòng chăn nuôi gia súc nhỏ Đỗ Văn Hoan (Cục Chăn nuôi) cho biết, tại miền bắc, giá thịt lợn hơi siêu nạc xuất chuồng bình quân ở mức 48 đến 50 nghìn đồng/kg; ở miền nam, giá dao động từ 46 đến 47 nghìn đồng/kg; miền trung, dao động trong khoảng 43 đến 44 nghìn đồng/kg. Giá gà thịt công nghiệp lông trắng dao động trong khoảng 37 đến 40 nghìn đồng/kg, còn gà thịt lông mầu tại miền bắc, giá từ 47 đến 49 nghìn đồng/kg; tại miền nam giá ổn định ở mức 44 đến 46 nghìn đồng/kg. Giá trứng gà bán tại trại bình quân khoảng 2.000 đến 2.100 đồng/quả... Với mức giá trên, người chăn nuôi bắt đầu có lãi, nên đã tích cực đầu tư khôi phục đàn gia súc, gia cầm. Mặt khác, một số loại dịch bệnh nguy hiểm và tình trạng nhập lậu gia cầm qua biên giới cơ bản được kiểm soát, cùng với giá thức ăn chăn nuôi khá ổn định đã thúc đẩy sản xuất chăn nuôi. Đây cũng là tín hiệu rất mừng cho các cơ sở sản xuất con giống sau nhiều tháng "nằm chờ", thậm chí buộc phải giảm đàn nái đến 10% nay lại có cơ hội "hồi phục". Tới Trung tâm nghiên cứu lợn Thụy Phương (Viện Chăn nuôi), gặp và trao đổi ý kiến với Phó Giám đốc Trung tâm Lê Thế Tuấn, anh thông báo: "Gần ba tháng nay, số lượng con giống xuất bán tăng 50% so với các tháng trước. Hiện tại, trung bình mỗi tháng trung tâm cung ứng cho các trang trại khoảng 500 đến 600 con lợn nái hậu bị và 100 con lợn đực giống". Chúng tôi đã có mặt tại trại chăn nuôi tổng hợp của anh Nguyễn Văn Lâm ở thôn Cấn Thượng, xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai, TP Hà Nội), đúng lúc trại đang xuất bán lợn thịt cho thương lái. Trong câu chuyện với chúng tôi, anh phấn khởi cho biết: "Riêng đàn lợn (với quy mô 50 con lợn nái), mỗi tháng anh xuất bán từ 8 đến 10 tấn thịt lợn hơi. Bởi được giá, nên hiện nay hơn 60 hộ gia đình thuộc Chi hội chăn nuôi xã Cấn Hữu cũng hăng hái tái đàn, "khai thác" hết công suất của trang trại". Còn ở tại huyện Yên Thế (tỉnh Bắc Giang), nơi nổi tiếng về đặc sản "gà đồi Yên Thế", chúng tôi cũng nhận thấy các hộ chăn nuôi nơi đây đang cấp tập chuẩn bị đàn gà, bảo đảm chất lượng cung ứng cho dịp Tết. Theo ông Phạm Công Vân, Phó Trưởng ban chỉ đạo sản xuất và tiêu thụ gà đồi Yên Thế ước tính, mỗi tuần trung bình lượng gà giống toàn huyện đưa vào chăn nuôi khoảng từ 200 đến 300 nghìn con. Tổng đàn gà toàn huyện đã tăng từ 3,8 triệu con lên 4,3 triệu con. Thực tế trên minh chứng cho nhận định của các nhà quản lý, các chuyên gia ngành chăn nuôi rằng, Tết này sẽ không thiếu thịt lợn, thịt gia cầm. Tuy nhiên, với tổng lượng đàn trâu, bò thịt của cả nước giảm khoảng 2 đến 3% so với cùng kỳ năm ngoài, thì khả năng từ nay đến cuối năm sẽ phải tăng lượng nhập khẩu thịt bò để bù lượng thiếu hụt trong nước.
Giữ ổn định thị trường sản phẩm chăn nuôi
Mặc dù so với sáu tháng đầu năm, thị trường thịt lợn, gia cầm đã được cải thiện, song theo nhận định của Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Đăng Vang, lợi nhuận của người chăn nuôi vẫn hết sức mong manh bởi hiện tại, giá thịt và trứng gia cầm đang có xu hướng giảm. Qua khảo sát một số trang trại gà thịt, gà siêu trứng trên địa bàn TP Hà Nội, chúng tôi thấy rõ sự lo lắng của những chủ trang trại khi giá thịt, trứng gia cầm lại đang giảm mạnh trong những ngày gần đây. Trò chuyện cùng anh Trần Văn Chiến, Chủ nhiệm HTX chăn nuôi và dịch vụ Cổ Đông (thị xã Sơn Tây), anh than phiền: Hiện nay, gà lông mầu (loại gà ưa chuộng trong dịp Tết cổ truyền) chỉ bán được 35 đến 36 nghìn đồng/kg hơi (so với tháng trước lỗ 10 nghìn đồng/kg); giá trứng gà giảm chỉ còn 1.400 đến 1.450 đồng/quả. Vậy nguyên nhân do đâu? Trả lời cho câu hỏi trên, các chủ trang trại cho rằng, khả năng do cung vượt cầu! Bởi gia cầm là loài có thời gian sinh trưởng ngắn, hệ số quay vòng nhanh, cho nên lúc được giá, người chăn nuôi hối hả tái đàn; cùng với đó là việc bán tràn lan các sản phẩm gia cầm đông lạnh nhập khẩu tại các siêu thị đã khiến giá thịt, trứng gia cầm tụt xuống. Vẫn biết chăn nuôi là nghề chứa đựng nhiều yếu tố rủi ro, song sự trồi sụt, thiếu ổn định của thị trường mới là yếu tố quyết định, khiến người chăn nuôi không yên tâm đầu tư sản xuất. Nguy cơ bỏ trống chuồng trại lại tiếp diễn, cùng với tình hình mưa lũ kéo dài gây thiệt hại nặng nề cho ngành chăn nuôi các tỉnh miền trung trong thời gian qua sẽ tác động mạnh đến nguồn cung thực phẩm dịp cuối năm. Do vậy, các địa phương, các ngành chức năng cần vào cuộc, tìm giải pháp điều tiết sản xuất, nhập khẩu, cân đối cung - cầu, giữ ổn định thị trường, để vừa bảo đảm đủ nguồn cung thực phẩm (trong và sau Tết), vừa tránh tăng giá đột ngột làm ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng và khuyến khích được sản xuất trong nước phát triển. Trước mắt, cùng với việc tăng cường kiểm dịch, kiểm soát dịch bệnh, chất lượng con giống, thức ăn chăn nuôi, chống rét cho gia súc, gia cầm, các ngành chức năng cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương nắm bắt thông tin chính xác, kịp thời về nguồn hàng thực phẩm giữa các vùng miền, có chính sách bình ổn phù hợp, tạo thuận lợi cho việc lưu thông trong nước, hạn chế tình trạng khan hiếm giả, gây hiệu ứng bất ổn thị trường.
Về lâu dài, để bảo đảm lợi nhuận một cách bền vững, nhất thiết, người chăn nuôi phải liên kết, cùng hoạt động trong chuỗi giá trị của hệ thống giống "bốn cấp" (từ giống cụ kỵ, giống ông bà, bố mẹ đến giống thương phẩm). Từ đó, mới giảm được giá thành sản xuất nhờ khai thác tối đa ưu thế lai của công thức giống. Có cùng quan điểm trên, Giám đốc Trung tâm phát triển chăn nuôi Hà Nội Tạ Văn Tường cũng cho rằng: "Cần có sự can thiệp của Nhà nước trong việc hỗ trợ khâu liên kết và đầu ra cho sản phẩm. Chăn nuôi là ngành hàng đặc thù, vì vậy cần được ưu tiên gói tín dụng hỗ trợ lãi suất và nên bỏ thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng thức ăn chăn nuôi để giảm chi phí đầu vào". Bên cạnh đó, người chăn nuôi vẫn mong nhận được sự trợ giúp từ Nhà nước, doanh nghiệp, các nhà khoa học áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới cùng những chính sách "hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ" trong tiến trình tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Bài và ảnh: HẢI PHƯƠNG, HOÀNG CHIẾN

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/kinhte/tin-tuc/item/21740802-bao-dam-nguon-cung-thuc-pham-trong-dip-tet-nguyen-dan.html