Bảo đảm an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể

LTS - Việc bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) cho công nhân, người sử dụng thực phẩm ở các khu công nghiệp đã có nhiều tiến bộ, song nguy cơ ô nhiễm thực phẩm và ngộ độc thực phẩm còn rất lớn. Nhân Tháng hành động vì chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2013 có chủ đề 'An toàn thực phẩm bếp ăn tập thể', phóng viên Báo Nhân Dân có cuộc trao đổi ý kiến với Bộ trưởng Y tế NGUYỄN THỊ KIM TIẾN, Phó Trưởng Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm. Nội dung như sau:

Bữa ăn giữa ca của cán bộ, công nhân viên Tổng công ty May 10 luôn bảo đảm dinh dưỡng và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Bữa ăn giữa ca của cán bộ, công nhân viên Tổng công ty May 10 luôn bảo đảm dinh dưỡng và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Phóng viên: Xin Bộ trưởng cho biết tại sao Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (CLVSATTP) năm 2013 lại chọn chủ đề "An toàn thực phẩm bếp ăn tập thể"?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Như chúng ta đã biết, ngày 15-4-1999, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg về việc tăng cường công tác bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong đó, Thủ tướng chỉ đạo hàng năm tổ chức Tháng hành động vì CLVSATTP để huy động toàn thể nhân dân, các cấp chính quyền địa phương, các bộ, các cơ quan tham gia vào việc tích cực phòng, chống ngộ độc thức ăn, bệnh dịch do ăn uống và lập lại trật tự kỷ cương trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống. Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng, trong hơn mười năm qua, ngoài các hoạt động thường xuyên diễn ra tất cả các tháng trong năm, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương chọn một vấn đề cụ thể cần ưu tiên nhất để huy động các nguồn lực giải quyết.

Năm 2012 và nhất là năm 2013, một trong những vấn đề cần ưu tiên đó là ATTP tại các bếp ăn tập thể ở các khu công nghiệp, các bệnh viện, trường học, nơi ăn uống tập trung đông người. Qua kiểm tra thực tế tại các cơ sở cho thấy, có những nhà ăn ở các khu công nghiệp phục vụ hàng chục nghìn suất ăn mỗi ca; nhiều cơ sở chế biến suất ăn sẵn lại chế biến ở một nơi rồi mới vận chuyển đến cho công nhân sử dụng... do đó nếu không bảo đảm vệ sinh thì nguy cơ ngộ độc thực phẩm là rất khó tránh. Thậm chí kể cả các cơ sở chế biến và phục vụ tại chỗ nếu không quản lý, giám sát chặt chẽ thì nguy cơ ô nhiễm thực phẩm từ trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận chuyển, nguyên liệu kém chất lượng sẽ gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người sử dụng. Thực tế những năm gần đây, tình hình ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể trong các khu công nghiệp đã có chiều hướng giảm, nhưng các vụ ngộ độc thực phẩm có nhiều người mắc vẫn thường xảy ra ở các khu công nghiệp tại các tỉnh phía nam, như: Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Ðồng Nai... Riêng năm 2012, số người mắc ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể là 2.318 người trong tổng số 5.541 người bị ngộ độc thực phẩm (chiếm 41,8%).

Ðể hạn chế ngộ độc thực phẩm tại các khu công nghiệp có bếp ăn tập thể, Bộ Y tế đã đề xuất Ban chỉ đạo chủ đề Tháng hành động vì CLVSATTP năm 2013 là "An toàn thực phẩm bếp ăn tập thể" nhằm hạn chế thấp nhất ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây truyền qua thực phẩm, trọng tâm tại các khu công nghiệp và khu chế xuất.

Phóng viên: Vậy xin Bộ trưởng cho biết những hoạt động chính sẽ được triển khai trong Tháng hành động vì CLVSATTP năm nay là gì?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Trong Tháng hành động sẽ có hai hoạt động chính được triển khai là: truyền thông giáo dục và thanh tra, kiểm tra. Qua các hoạt động đó để nâng cao trách nhiệm của chủ doanh nghiệp thực hiện bảo đảm ATTP tại các bếp ăn tập thể, thực hiện đạt mục tiêu hơn 80% số chủ doanh nghiệp có bếp ăn tập thể ký cam kết chấp hành đầy đủ các quy định về bảo đảm ATTP.

Trong hoạt động truyền thông giáo dục cần huy động sự tham gia của các kênh truyền thông, các lực lượng truyền thông để chuyển tải các kiến thức pháp luật quy định về bảo đảm ATTP cũng như các kiến thức trong việc lựa chọn, chế biến và sử dụng thực phẩm an toàn. Các nội dung tuyên truyền cần cụ thể, nhất là truyền thông thay đổi hành vi, trong đó cần nâng cao trách nhiệm của không chỉ những người kinh doanh thực phẩm mà cần phát huy quyền và trách nhiệm của người sử dụng thực phẩm, đó là kiên quyết tẩy chay và không sử dụng thực phẩm ở cơ sở không bảo đảm vệ sinh; bày bán ở gần cống, rãnh, gần khu vực ô nhiễm.

Về hoạt động thanh tra, kiểm tra, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương đã thành lập tám đoàn liên ngành thanh tra, kiểm tra tại 24 tỉnh, thành phố trọng điểm. Ngoài ra, các tỉnh, thành phố thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành ở địa phương từ cấp tỉnh, huyện đến cấp xã, phường, yêu cầu thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm tập trung vào các nội dung: nguồn gốc và chất lượng nguyên liệu đầu vào; vệ sinh cơ sở, trang thiết bị dụng cụ trong sản xuất chế biến; việc sử dụng phụ gia thực phẩm trong sản xuất thực phẩm. Các đoàn thanh tra cũng được yêu cầu tiến hành lấy mẫu để phân tích, các cơ sở vi phạm sẽ được thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định.

Ðể mở đầu cho chiến dịch triển khai Tháng hành động năm 2013, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm phối hợp với UBND tỉnh Ðồng Nai tổ chức Lễ phát động Tháng hành động của Trung ương vào ngày 9-4 tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Ðồng Nai. Các hoạt động trong Tháng hành động được triển khai theo tinh thần: Có trọng tâm, trọng điểm bảo đảm hiệu quả và tiết kiệm.

Phóng viên: Mặc dù chúng ta đã có nhiều cố gắng trong việc bảo đảm ATTP tại các khu vực ăn uống tập trung đông người, song nguy cơ ngộ độc thực phẩm vẫn còn rất lớn. Vậy theo Bộ trưởng đâu là nguyên nhân và làm thế nào để hạn chế được tình trạng đó?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Ðúng là chúng ta đã có được những kết quả bước đầu trong việc hạn chế ngộ độc thực phẩm tại các nhà ăn, bếp ăn tập thể. Tuy nhiên, qua triển khai thực tế, chúng tôi thấy nguy cơ ô nhiễm thực phẩm tại những khu vực này còn rất cao. Nguyên nhân chủ yếu là do: Giá trị bữa ăn của công nhân hiện nay quá thấp, có nơi chỉ khoảng bảy đến mười nghìn đồng (chưa kể lợi nhuận của nhà cung cấp), cho nên rất khó để có nguyên liệu chế biến bảo đảm chất lượng cũng như hợp vệ sinh. Trong khi đó, nhiều chủ cơ sở sử dụng số lượng công nhân lớn lại không tổ chức nhà ăn, bếp ăn tập thể trong nhà máy mà họ ký hợp đồng với một đơn vị chế biến suất ăn ở nơi khác và vận chuyển đến, do đó nhiều khi thời gian vận chuyển dài, dụng cụ vận chuyển và phương tiện bảo quản... không bảo đảm và làm ô nhiễm cho thực phẩm.

Ðể hạn chế tình trạng trên, trước mắt chúng tôi đã chỉ đạo ngành y tế các cấp cần phối hợp chặt chẽ ban quản lý các khu công nghiệp tổ chức giám sát điều kiện vệ sinh, nguồn nguyên liệu chế biến tại các nhà ăn, bếp ăn tập thể; yêu cầu chủ các công ty chỉ được sử dụng suất ăn của các cơ sở có đủ điều kiện ATTP và có cam kết thực hiện đầy đủ yêu cầu vệ sinh ATTP. Các doanh nghiệp cần thấy rằng sức khỏe của người lao động chính là tài sản, là lợi nhuận của doanh nghiệp để chủ động nâng cao giá trị dinh dưỡng và hợp vệ sinh của từng bữa ăn cho công nhân. Ðồng thời Nhà nước cũng cần có các chính sách ưu đãi về vốn, thuế, đất đai... để khuyến khích các cơ sở sản xuất có nhiều công nhân xây dựng bếp ăn tập thể tại ngay trong nhà máy. Ðối với các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể nếu để xảy ra liên tiếp các vụ ngộ độc thực phẩm cần phải xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng.

MINH HOÀNG

(Thực hiện)

Theo

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/xahoi/tin-tuc/item/20047502-.html