Sao các anh chưa về?

Gần 40 năm anh mất, mắt mẹ Tẻo như lòa vì khóc nhớ con. Lưng chẳng còn đứng được thẳng, mắt nhìn không còn rõ, xương cốt đã rệu rã lắm rồi! Nhưng dù ở cái tuổi 'chẳng còn mong sống tiếp' như lời mẹ, thì mẹ vẫn nhớ như in câu nói của đứa con trai ngày lên đường nhập ngũ: 'Mẹ giữ sức khỏe, ngày hết giặc, con sẽ về!'. Vậy mà đã gần 40 năm đằng đẵng... Nước mắt mẹ như đã lặn vào trong.

> Lời tri ân chân thành!

> Trao học bổng cho 71 học sinh vượt khó, học giỏi ngành y tế Quảng Ninh

Nhớ mãi ngày các con lên đường

Mẹ Trần Thị Tẻo bảo: Mẹ đã hơn 90 tuổi, nhưng chính xác là chín mấy thì chịu! Anh cán bộ phường Hồng Hải (TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) dẫn chúng tôi đến thăm mẹ nói: Theo hồ sơ lý lịch ở phường, mẹ Tẻo sinh năm 1917. Mẹ có duy nhất một người con trai tên Quang Hưng, nhập ngũ năm 1967. Hai năm sau, anh hy sinh tại chiến trường miền Nam. Khi đó, anh Hưng mới 20 tuổi!

Mẹ nắm chặt tay tôi, ngậm ngùi: Nhà có mỗi đứa con, bố thì đã hy sinh, mẹ bảo hay là không đi nữa, nó nói: Nếu con không đi đánh giặc, thì giặc sẽ tìm đến nhà mình. Nên con phải đi để bảo vệ Tổ quốc!

Ngày đó, mẹ tiễn anh ra tận sân làng Cáp (tỉnh Hưng Yên). Sân làng đông nghịt thanh niên tòng quân. Toàn là những chàng trai mặt còn măng sữa bịn rịn cạnh các mẹ chia tay. Anh Hưng ôm chặt mẹ, lắc đầu: Mẹ ơi, con đi rồi ngày hết giặc con lại về với mẹ!

Biết ý con đã quyết, mẹ dúi vào túi con một ít tiền. Linh tính của người mẹ như mách bảo, khiến mẹ không yên lòng. Mẹ Tẻo cứ ôm mãi Hưng không muốn rời. Anh Hưng sợ mẹ khóc nhiều, giằng tay chạy theo đoàn quân. Mẹ Tẻo khi đó còn nói với theo: “Đánh giặc xong về với mẹ nhé”. Lẫn trong đám ồn ào của tiếng khóc, tiếng nói của người tiễn - người đi, mẹ còn nghe thấy anh Hưng hét vang “Vânggg”...

Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Tẻo rớt nước mắt khi kể về người con trai hy sinh. (Ảnh: N.Cường)

Âm thanh câu nói trong trẻo của đứa con vẫn còn văng vẳng trong tim mẹ đến tận những năm tháng cuối cuộc đời. Chẳng còn chút kỷ vật nào của con khi nhận được giấy báo tử của đơn vị. Mẹ cùng người thân trong gia đình, tách ảnh và phục chế lại rồi để lên bàn thờ. Coi như mẹ vẫn luôn có anh bên cạnh!

“Nó có gửi hai bức thư về nhà. Nó hỏi thăm hai đứa cháu gái; hứa khi trở về sẽ mua cho hai đứa bông tai. Nó còn dặn, nếu không về được, coi như lấy cái ngày biên thư này làm ngày giỗ”-mắt mẹ nhòe đi...

Cả hai người con trai của mẹ Nguyễn Thị Đắc (phường Cao Xanh, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) cũng đã không trở về. Những trận đánh ác liệt ở đường 9 Nam Lào đã cướp đi hai anh vào năm 1972. Năm nay, mẹ Đắc tròn 94 tuổi, nói chuyện lúc nhớ lúc quên. Mẹ còn nhớ chồng đã hy sinh năm 1951 nhưng không nhớ nổi những đứa con của mẹ tòng quân khi bao nhiêu tuổi nữa?! Nhưng mẹ vẫn đau đáu việc chưa tìm được hài cốt người con trai Cao Văn Kê. Bao năm, mẹ Đắc và gia đình đi tìm mà vẫn chưa có tin tức gì.

Chỉ vào hai bức ảnh trên bàn thờ, mẹ bảo: “Chúng nó đấy! Đứa đã đưa được hài cốt về quê nhà, còn đứa nữa chẳng hiểu bơ vơ nơi nào?”.

Mẹ Đắc chậm chạp đứng lên với nén hương, thắp lên bàn thờ- nơi có chồng và hai đứa con- trong căn Nhà tình nghĩa do chính quyền địa phương xây cho mẹ.

Mẹ muốn đi tìm con...

Ngày tháng kỷ niệm đối với mẹ Tô Thị Tân (93 tuổi) là cái khó nhớ nhất. Nhìn giấy chứng nhận mới biết con trai duy nhất của mẹ hy sinh năm 1968. Còn khi hỏi, anh sinh năm nào, thì mẹ nhớ nhớ quên quên.

Mẹ chỉ nhớ: “Nó chỉ viết cho mẹ có lá thư kể chuyện hành quân ở núi gì đó trong tận miền Nam. Nó có kể thêm hôm đó cả đội hết lương khô, đói lắm”.

Trước ngày tòng quân, mẹ Tân đã dạm ngõ cho con trai Nguyễn Trọng Tải với cô gái tên Trúc cùng ở xóm Hải Lộc (huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa). Dạm ngõ xong thì anh Tải cũng lên đường vào chiến trường niềm Nam. Anh hy sinh năm 1968, nhưng phải đến tận năm 1971 mẹ Tân mới nhận được giấy báo tử của đơn vị. Chị Trúc nghe tin, chạy sang nhà ôm mẹ mà khóc ngất.

Vài năm gần đây, mẹ được các cháu con đằng nhà chồng đón ra ở TP Hạ Long. Ở quê, mẹ ở một mình không người chăm sóc. Giờ ở với người cháu tên Hà, khi nào vui mẹ sang hàng xóm chơi. Khi nào buồn nhớ con, mẹ lại đóng cửa ở trong nhà. Mẹ bảo, người bạn hàng xóm của mẹ hơn trăm tuổi vừa mất. Giờ mẹ chỉ còn mỗi một người hàng xóm nữa, gần bằng tuổi mẹ để chuyện trò. Mẹ có ước mong gì không? Mẹ thở dài, ước gì nữa, chỉ ước được chết về với con thôi! Lúc nào các mẹ cũng canh cánh bên lòng nỗi nhớ con. Với mẹ Tẻo, mong được chết sớm để đi tìm con! Mẹ nghĩ, chắc nếu khi mẹ chết, đi tìm con trai “sẽ dễ hơn” khi còn sống như bây giờ!

“Đấy, nó hứa mà có giữ lời với tôi đâu. Ngày đấy, đi cả nhóm thanh niên cùng xóm, cũng chẳng đứa nào trở về. Đứa nào cũng hứa rằng quay về khi hết giặc, vậy mà 35 năm hòa bình rồi, không thấy bóng dáng chúng nó đâu”- mẹ Tẻo ngồi thừ ra!

35 năm hòa bình rồi mà các anh chưa về thăm mẹ. Các anh đã không về như đã hứa... Những mẹ và những thế hệ sống trong hòa bình biết rằng: Các anh không thể giữ lời hứa với mẹ vì các anh không về để cho biết bao đồng đội khác được trở về...

Vân Khánh - Tuấn Anh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/20100430083312267p0c1000/sao-cac-anh-chua-ve.htm