Bằng chứng can thiệp quân sự qua lời kế của dân tị nạn Syria

Người phụ nữ thực sự sợ hãi. Cô giải thích đi giải thích lại rằng thế giới cần được biết về những gì đang xảy ra với giáo dân Thiên chúa giáo như cô ở Syria.

(ĐVO) Nhưng cô từ chối xuất hiện trước máy quay hay thu âm giọng nói. “Chồng tôi không muốn chúng tôi gặp rắc rối khi lên tiếng”, cô nói. Gia đình cô đã bay từ Syria tới Lebanon bởi đơn giản là tình hình bây giờ quá khủng khiếp. Đó là một trong số nhiều người tị nạn Syria mà phóng viên BBC tìm cách tiếp cận.

Theo BBC, giáo dân Thiên chúa giáo Syria dù có các quan điểm chính trị khác nhau nhưng đều lo sợ trở thành mục tiêu nếu như họ lên tiếng trước công chúng. Trong những lần gặp gỡ người tị nạn từ Syria, họ là những người sợ hãi nhất, theo phóng viên BBC.

Một người tên Michel đồng ý cho BBC phỏng vấn với điều kiện giấu mặt. Anh hút thuốc liên tục và mang vẻ mặt xanh xao, nhợt nhạt của một người thiếu ngủ.

Michel giải thích, rắc rối bắt đầu ngay sau những cuộc biểu tình đầu tiên chống lại chế độ diễn ra. Anh cũng ủng hộ sự kiện này. “Sau đó, đột nhiên vũ khí được sử dụng và xuất hiện những người Arab từ các quốc gia khác nhau. Họ đột nhập vào nhà của người Thiên chúa giáo và buộc tội họ nói những lời báng bổ”, Michel kể lại.

Michel cho biết nhà riêng của mình cũng bị tấn công khi anh không có ở nhà nhưng vợ và hai đứa con anh vẫn ở đó. “Họ đốt bánh xe ngay trước ngôi nhà và muốn đốt cháy cả nhà tôi. Vợ tôi đưa bọn trẻ chạy trốn, nhảy qua hết bức tường này đến bức tường khác trên phố cho đến khi trốn thoát”, anh nói.

Một nhà thờ ở Homs bị phá hủy trong các cuộc bạo động.

Bức tranh phức tạp

Những báo cáo bạo lực liên tiếp chống lại người Thiên chúa giáo ở Syria xuất hiện từ khi cuộc nổi dậy bắt đầu từ tháng 3/2011, gồm các cuộc tấn công vào nhà thờ. Tuy nhiên, do chính quyền Syria hạn chế các báo cáo độc lập nên khó có thể thẩm định những báo cáo này.

Nói cách khác, khó có thể phân loại bao nhiêu vụ tấn công nhắm vào giáo dân Thiên chúa giáo và nhắm vào những người theo đạo này nhưng ủng hộ chế độ của ông Assad.

Người Thiên chúa giáo chiếm khoảng 10% dân số Syria và cộng đồng của họ ở Damascus là những trong những cộng đồng lâu đời nhất trên thế giới. Họ tận hưởng sự khoan dung tôn giáo dưới chế độ Tổng thống Bashar al-Assad và cha ông, Hafez. Một số người còn giữ các vị trí nổi bật trong chính phủ.

Patriarch Gregorios III, nhà thờ Công giáo Hy Lạp Melkite, giáo đoàn Công giáo lớn nhất ở Syria, đã cảnh báo sự can thiệp của nước ngoài vào Syria và cáo buộc truyền thông đã bóp méo sự thật về tình hình ở đây.

Ông thừa nhận, một số cuộc bạo lực được khơi mào bởi cho rằng người Thiên chúa giáo ủng hộ Tổng thống Assad. “Đúng, có một vài trường hợp như vậy nhưng không phải tất cả”, ông nói.

Cho đến nay bức tranh ở đây càng trở nên rối ren và các quan điểm của người theo đạo Thiên chúa cũng hết sức phức tạp.

Tương lai nào cho những người Thiên chúa giáo ở Syria?

Không tương lai

Tại Lebanon, BBC gặp những người tị nạn Thiên chúa giáo nhưng có quan điểm chống lại ông Assad.

Gần thị trấn cổ Byblos, phóng viên cảu BBC đã gặp các đại diện của một số gia đình, tất cả đều đã chạy tới đây từ 6 tháng trước. Một người đàn ông cho biết tên là Hisham cho hay, họ bị buộc phải rời khỏi Homs để tránh đạn pháo trong giao tranh.

“Họ (chính quyền Assad) không phân biệt giữa người Thiên chúa giáo và Hồi giáo và đó là lý do vì sao chúng tôi phải chạy khỏi Syria”, Hisham nói.

Phóng viên BBC hỏi một người phụ nữ trong nhóm, chồng bà đã bị giết và bà phải tới Lebanon cùng con gái nhỏ, rằng liệu bà cảm thấy có tương lai ở Syria hay không. “Không, tôi chẳng nhìn thấy chút tương lai nào, không chỉ ở Syria mà cả vùng Trung Đông. Nếu mọi người có cơ hội rời khỏi khu vực này thì chắc chắn họ sẽ ra đi”, bà trả lời.

Ít nhất một nửa dân số Thiên chúa giáo ở Iraq đã rời khỏi đất nước khi bạo lực diễn ra sau cuộc xâm lược của Quân đội Mỹ năm 2003. Nhiều người tới Syria, hy vọng đây sẽ là một thiên đường của tôn giáo. Tại Ai Cập, những người Thiên chúa giáo phải đối mặt với sự cách ly và các cuộc tấn công.

Chính phủ Assad đã cảnh báo những người Thiên chúa giáo và các nhóm người thiểu số khác về sự ngược đãi mà họ có thể phải đối mặt dưới chế độ của người Hồi giáo.

Trong khi có những người Thiên chúa giáo nổi bật trong nhóm đối lập, Hội đồng Quốc gia Syria (SNC), vẫn có những lo ngại về sự ảnh hưởng của phong trào Anh em Hồi giáo, một phong trài gần như đã bị ông Hafez al-Assad tiêu diệt từ đầu những năm 1980.

Sự kiện “Mùa xuân Arab” đã làm hồi sinh phong trào Anh em Hồi giáo ở Syria. Tuy nhiên, một trong cách lãnh đạo của nhóm, Molham al-Drobi, cho BBC biết rằng, người Thiên chúa giáo không có gì phải lo lắng. Anh em Hồi giáo không cố tạo ra một quốc gia Hồi giáo. “Chúng tôi không hoạt động hướng tới một quốc gia tôn giáo. Chúng tôi không nghĩ Syria là một quốc gia tôn giáo bởi ở đây có nhiều tôn giáo khác nhau, nhiều nhóm dân tộc khác nhau”, ông nói.

>> Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp tên lửa cho nổi dậy Syria
>> Không quân Syria tham chiến ở Aleppo
>> 12 vạn người Syria xin tị nạn

Phan Anh

Nguồn Đất Việt: http://quocphong.baodatviet.vn/home/qpcn/bang-chung-can-thiep-quan-su-qua-loi-ke-cua-dan-ti-nan-syria/20128/225897.datviet