Bàn giải pháp thực hiện Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới 2011-2020

Ngày 8/12, tại Hà Nội, Ban Dân vận Trung ương cùng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Quỹ Phát triển phụ nữ Liên Hợp quốc (UNIFEM) tổ chức Hội nghị cấp cao về các giải pháp thúc đẩy thực hiện Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới (BĐG) giai đoạn 2011-2020.

Dự thảo Chiến lược Quốc gia về BĐG giai đoạn 2011-2020 được xây dựng với mục tiêu tổng quát là: Đến năm 2020 về cơ bản đảm bảo cơ hội, năng lực tham gia và hưởng lợi một cách bình đẳng của phụ nữ và nam giới trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, góp phần tích cực vào sự phát triển bền vững của đất nước. Chiến lược hướng trọng tâm ưu tiên vào 7 mục tiêu cụ thể: Tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị; Giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động và việc làm. Tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo nông thôn và phụ nữ dân tộc thiểu số với các nguồn lực kinh tế và thị trường lao động; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, từng bước đảm bảo sự tham gia bình đẳng của phụ nữ với nam giới trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ; Bảo đảm BĐG trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe; Bảo đảm BĐG trong lĩnh vực văn hóa và thông tin; Bảo đảm BĐG trong đời sống gia đình, từng bước xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới; Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về BĐG. Các đại biểu dự hội nghị đã tập trung thảo luận trên cơ sở những nhận định cơ bản về tình hình bình đẳng giới ở Việt Nam hiện nay và bàn các giải pháp cũng như những khó khăn, thách thức trong việc triển khai thực hiện Chiến lược. Theo bà Suzzette Mitchell, Trưởng đại diện Quỹ phát triển Liên hợp quốc (UNIFEM) tại Việt Nam, phụ nữ Việt Nam mặc dù đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân (chiếm 46,6 % lực lượng lao động) nhưng có xu hướng tập trung ở khu vực phi chính thức, các dạng lao động dễ bị tổn thương và không tiếp cận đến lợi ích hay bảo trợ, như là lao động tự thuê và lao động trong gia đình không được trả công. Trong nền kinh tế phi chính thức, phụ nữ chỉ được trả lương bằng 50% so với nam giới, mặc dù thời gian lao động như nhau, trình độ giáo dục và mức kinh nghiệm như nhau. Phụ nữ cũng có xu hướng có kỹ năng lao động thấp hơn nam giới và ít cơ hội tiếp cận đến đào tạo phát triển kỹ năng. Theo một báo cáo về xu hướng lao động Việt Nam năm 2009, chỉ có 29% được đào tạo trong khi con số này của nam giới là 40%. Một nghiên cứu gần đây của Tổ chức lao động thế giới và Bô Lao động, Thương binh và xã hội chỉ ra rằng ở Việt Nam, đa số phụ nữ làm các công việc như là “lao động gia đình không được trả công và đây được coi như nhóm “vô hình” trong khu vực lao động phi chính thức, giống như những người di cư, lao động giúp việc gia đình, người bán rong và trong ngành công nghiêp giải trí với công việc bất ổn, bảo trợ xã hội thấp và điều kiện lao động nghèo nàn”… Bà Suzzette Mitchell cũng đưa ra những số liệu thống kê cho thấy sự thiếu bình đẳng trong các lĩnh vực phi kinh tế , tình trạng bạo lực gia đình; tình trạng trọng nam khinh nữ, phân biệt đối xử dẫn đến sự tăng bất thường của tỉ số giới tính lúc sinh ở Việt Nam ( tỉ số 106,2 trẻ em trai/100 trẻ em gái năm 2000 tăng lên 110,5 trẻ em trai/100 trẻ em gái) và vấn đề gia đình ở Việt Nam cũng đang trong giai đoạn khó khăn. Nghiên cứu khảo sát do UNICEF và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2006 cho thấy cả phụ nữ và nam giới đều dành thời gian ít cho con cái của họ, do phải dành thời gian cho công việc…Bà Suzzette Mitchell thông báo rằng Liên hợp quốc (LHQ) tại Việt Nam đã thông qua “ Sáng kiến Một LHQ” sẽ giúp Chính phủ Việt Nam có những hành động cụ thể để cải thiện tình hình bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ ở Việt Nam… Các phát biểu tại hội nghị cũng đều nhấn mạnh yêu cầu nâng cao nhận thức và hành động của các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể trong việc thực hiện Chiến lược quốc gia về BĐG 2011-2015; tăng cường hơn nữa trách nhiệm của các cấp ủy đảng và hệ thống chính trị trong việc bảo đảm tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý trong các cấp ủy Đảng, Hội đồng nhân dân, đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ 2011-2015 và những nhiệm kỳ tiếp theo mục tiêu của Đảng đề ra trong Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị: “Xây dựng cơ chế đảm bảo thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào quá trình ra quyết định, tăng tỷ lệ nữ ứng cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp”. Nhiều phát biểu cho rằng cần có sự chỉ đạo sát sao và các giải pháp mạnh từ lãnh đạo Đảng và các cơ quan chức năng nhằm bảo đảm đạt chỉ tiêu tỷ lệ nữ tham gia vào Quốc hội và Hội đồng Nhân dân nhiệm kỳ tới; các cơ quan có trách nhiệm giám sát, kiểm tra cần có hình thức đôn đốc, nhắc nhở, phê bình người đứng đầu ở những nơi làm chưa tốt các quy định của Luật BĐG, trước hết là về tuổi đào tạo, bồi dưỡng và bổ nhiệm cán bộ; Các cơ quan Đảng, Nhà nước và các đoàn thể chính trị - xã hội ở từng cấp thực hiện nghiêm túc công tác quy hoạch cán bộ quản lý, lãnh đạo nữ dài hạn, xác định các chỉ tiêu cụ thể và giải pháp để đạt được mục tiêu nói trên./.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=437823&co_id=30179