Bản của “trẻ mồ côi” và những số phận không có Tết

Dù biết nơi đây nổi tiếng với “cái chết trắng” nhưng khi đặt chân lên hai bản Xốp Mạt và Minh Phương người ta vẫn không tránh khỏi cái cảm giác rùng mình nghê rợn bởi sự ám ảnh, bi ai.

Kỳ 2: Bản của “trẻ mồ côi” và những số phận bất hạnh, cơ hàn

Bản của “trẻ mồ côi” và “gái không chồng”

Hai bản Xốp Mạt và Minh Phương, thuộc xã Lượng Minh, huyện Tương Dương nằm song song dọc hai bên bờ của “dòng sông ma” Nậm Nơn huyền ảo, nơi được biết đến với “cái tên” gọi rất đau xót là những “bản mồ côi” hay là "bản không chồng".

Một cậu bé mồ côi ở bản Minh Phương ngơ ngác nhìn PV.

Hôm cùng chúng tôi vào bản, ông Trần Mạnh Cường, Phó Chủ tịch xã Lượng Minh vừa đi vừa chia sẻ: “Đây là vùng thuộc diện đặc biệt khó khăn (30A), cuộc sống của người dân chủ yếu dựa vào nương rẫy và chăn nuôi, lại là điểm nóng về tệ nạn ma túy nên đã nghèo lại càng nghèo.

Thanh niên trai tráng trong bản đều lần lượt không chết thì đi tù để lại toàn đàn bà và trẻ em. Theo thống kê chưa đầy đủ thì cả xã có trên 80 trường hợp trẻ em mồ côi thì hai bản Minh Phương và Xốp Mạt đã chiếm tới 65 em rồi. Còn những người phụ nữ góa chồng rồi có chồng đi tù cũng nhiều vô số kể. Ví như cả bản Minh Phương có 54 hộ gia đình thì đã có tới gần 30 trường hợp có người đi tù vì dính vào ma túy, chưa kể số người chết vì HIV, AISD...”.

Những phận đời bất hạnh sau “cơn lốc ma túy”

Như để chứng minh cho những lời vừa nói, ông Cường dẫn chúng tôi đến nhà bà Lô Thị Lan ở bản Minh Phương, một người đàn bà góa chồng đã 66 tuổi nhưng lại phải nai lưng, cặm cụi nuốt nước mắt để nuôi 6 người cháu cả nội lẫn ngoại. Cả bốn người con của bà gồm con dâu, con rể đều đã bị tù vì dính vào buôn bán, vận chuyển ma túy.

Ông Trần Mạnh Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Lượng Minh trao đổi với PV

Chia sẻ với chúng tôi bà Lan ngậm ngùi: “Nhìn những đứa cháu còi cọc, côi cút vẫn còn trong tuổi thơ dại đã thiếu thốn tình cảm và sự chăm sóc của bố mẹ, lại còn phải phụ ta đi rừng kiếm củi, làm rẫy để sống qua ngày như ni mà lòng ta buồn lắm!. Bố mẹ chúng đều dính vào ma túy rồi phải đi trại hết cả. Ta thương chúng, cưu mang chúng nhưng già rồi đâu còn nhiều sức, lo được bữa nào thì hay bữa đó chứ biết làm sao? Nghĩ mà cũng tội cho các cháu cũng tội cho cái thân già ni. Tết đến gần nhưng ta vẫn còn chưa biết ngày mai ăn chi?”..

Bước ra khỏi căn nhà gỗ nghèo nàn xơ xác của bà Lan, ông Cường nói: “Với những hoàn cảnh như của bà Lan thì ở đây không còn lạ gì. Bởi chỉ tính trong bản này thôi cũng đã có rất nhiều. Về lý thì phạm tội là phải trả giá cho những tội lỗi của mình gây ra, nhưng về tình mà nói thì gặp những hoàn cảnh éo le như ni thấy tội lắm

Trẻ thì mồ côi cha mẹ, người đã ở trong cái độ tuổi phải nghỉ ngơi an dưỡng lại phải nuôi 6 miệng ăn. Nói chi (gì - PV) thì nói chứ đến người khỏe mạnh như mình làm cũng không nuôi nổi 6 đứa chứ đừng nói đến những người già heo hắt sống nay chết mai”.

Bà Lô Thị Lan cùng một trong 6 đứa cháu mồ côi cha mẹ.

Cùng họ cùng tên với bà ở trong bản Minh Phương cũng có gia đình bà Lô Thị Lan (63 tuổi). Gia đình bà Lan này cũng trong hoàn cảnh bi đát không kém, nhưng có may mắn hơn là chồng bà, ông Lương Văn Lăm (67 tuổi) vẫn còn sống. Hai ông bà cũng phải vất vả chèo chống nuôi tới 6 đứa cháu ngoại và 2 đứa cháu nội, bởi cả 5 người con của ông bà người thì chết vì dính vào HIV, người thì dính vào tù tội vì buôn bán ma túy.

Người ông với dáng người gầy còm, nhỏ thó, hom hem dớm nước mắt nhìn xa xăm tâm sự: “Gia đình ta bây chừ chỉ có hai vợ chồng già. Hàng ngày, chúng ta cặm cụi lên rừng kiếm củi, đào măng, làm nương làm rẫy không biết nghỉ ngơi là chi nhưng cũng chỉ kiếm được vài chục ngàn về nuôi các cháu. Đấy là những lúc khỏe mạnh thì không nói làm chi chứ những khi đau ốm rồi thì chỉ biết trông chờ vào sự hỗ trợ của chính sách Nhà nước để các cháu mới không bị đói”.

Khi nhắc tới việc sắp đến tết, ông bà ai cũng ngậm ngùi buồn tủi: “Nghĩ đến trước đây, khi gia đình còn đông đủ, tết đến con cháu quây quần gói bánh chưng, mua đồ sắm sửa chuẩn bị đón tết nhộn nhịp mà thấy buồn. Nhưng bây chừ, bọn ta ngày một già cả, muốn lo cũng không còn lo nổi cho chúng một cái tết bình thường nữa. Tết đến chúng cũng buồn vì không có bố mẹ bên cạnh nên làm chi mà có không khí tết! Chẳng biết đến khi nào mới có lại một cái tết vui vầy như xưa nữa?”.

NGỌC TUẤN

NGỌC TUẤN

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com/tin-tuc/tin-trong-nuoc/ky-2-ban-cua-tre-mo-coi-va-nhung-so-phan-khong-co-tet-a131805.html