Bạn có biết có thể dựa vào màu sắc để chọn mứt Tết an toàn?

Màu sắc các loại mứt cũng là cách nhận biết mứt ngâm hóa chất hay không...

Mứt là một món ăn truyền thống không thể thiếu được của mỗi gia đình người Việt Nam khi tết đến Xuân về. Nào mứt dừa, mứt sen, mứt bí, mứt cà chua..., hầu hết chúng đều được chế biến từ rau, củ, trái cây. Tuy nhiên, chọn mua mứt thế nào cho an toàn, cách ăn mứt ra sao cho đúng cách, khoa học thì nhiều người vẫn chưa biết.

Năm nào cũng vậy, sắp đến Tết Nguyên đán, vấn đề bánh mứt kẹo lại được bàn tán sôi nổi. Mối nguy hại cho sức khỏe từ những sản phẩm không đảm bảo ATVSTP do nhập khẩu từ Trung Quốc hay từ những cơ sở sản xuất thủ công mất ATVSTP trong khâu chế biến, hay tiềm ẩn dùng các loại phụ gia không được phép sử dụng trong ngâm, tẩm ướp hay tạo màu sắc bắt mắt... đã khiến người tiêu dùng không khỏi lo lắng. Mặc dù các cơ quan chức năng và các chuyên gia thị trường đã và đang phối hợp thanh kiểm tra chặt chẽ các mặt hàng mứt Tết, nhưng do mứt là mặt hàng rất đa dạng nên cũng rất khó kiểm soát về chủng loại, nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng.

Hiện nay “mứt ba không” (không nhãn mác nguồn gốc, không ngày sản xuất, không hạn sử dụng...) vẫn len lỏi đi vào thị trường và được bán ở khắp nơi như: Hàng Buồm, chợ Đồng Xuân, Hàng Đường, chợ Hà Đông... cũng như hình thức kinh doanh online.

Vẫn còn những cơ sở chế biến mứt thủ công không đảm bảo về ATVSTP, nguồn gốc của hàng mứt bán lẻ trên thị trường online hay offline. Với những cơ sở sản xuất tạm, không đủ đảm bảo an toàn thực phẩm: nơi phơi nguyên liệu bụi bẩn, thùng xô chậu ngâm mứt cáu bẩn, rồi các loại phụ gia không được phép sử dụng như: hóa chất tẩy trắng, phẩm màu, đường hóa học, hàn the... đều có nguy cơ độc hại với sức khỏe.

Một số cơ sở sản xuất không hợp vệ sinh, có thể gây nhiễm khuẩn, làm phát sinh một số bệnh đường tiêu hóa như tiêu chảy do nhiễm khuẩn. Quá trình bảo quản không đạt tiêu chuẩn vệ sinh nấm mộc làm ảnh hưởng hại nhiều cho sức khỏe hơn là có lợi.

Màu sắc các loại mứt cũng là cách nhận biết mứt ngâm hóa chất hay không. (Ảnh minh họa).

Theo chia sẻ của Trưởng bộ môn Công nghệ lên men tại Viện Công nghiệp thực phẩm, TS. Nguyễn Thị Việt Anh cho biết người tiêu dùng nên tránh tất cả những sản phẩm đẹp đẽ về mẫu mã, nhiều màu sắc và hình thức, đồng thời muốn nhận biết mứt ngâm hóa chất phải kiểm tra kết hợp các yếu tố về độ dẻo, dai với các chỉ số trên bao bì bao gồm nguồn gốc - thương hiệu, các chỉ số độ ẩm, hàm lượng đường, thời gian bảo quản.

Về hàm lượng đường, mứt có hàm lượng đường càng cao, sấy khô tốt thì sẽ càng hạn chế được sự phát triển của vi sinh vật trong quá trình chế biến. Tuy nhiên, người tiêu dùng hiện nay cũng tránh sử dụng sản phẩm nhiều đường nên nhà sản xuất phải giảm đường đồng thời bổ sung thêm một số chất bảo quản để duy trì chất lượng.

Về nguồn gốc, người tiêu dùng nên chọn các sản phẩm có thương hiệu uy tín. Với các nhà sản xuất lớn, trình độ chế biến (đặc biệt là sấy khô) sẽ cao hơn nên việc phải sử dụng các chất bảo quản khác sẽ thấp hơn. Ngược lại, các xưởng sản xuất nhỏ lẻ vì trình độ sấy không tốt dẫn đến độ ẩm cao – các vi sinh vật phát triển tốt hơn nên họ sẽ phải sử dụng các chất bảo quản để đảm bảo sản phẩm không nhanh hỏng.

Về màu sắc, theo quy trình chế biến bình thường, màu mứt sẽ nhạt hơn, độ dẻo, dai cũng kém hơn so với sản phẩm có thêm chất tạo màu, tạo dẻo. Trong khi đó, các loại mứt ngâm hóa chất, sử dụng các loại phẩm màu công nghiệp, cho màu mứt sặc sỡ, tươi sáng.

Cần tránh các trường hợp hàm lượng đường ít nhưng độ ẩm lại cao và vừa có thời gian bảo quản lâu. Thông thường, với độ ẩm <5% thì bào tử men, mốc sẽ chậm phát triển, tức là độ sấy khô tốt và sẽ là những sản phẩm an toàn. Do vậy, sản phẩm mứt nào có độ ẩm càng cao, đến 8-9% thì khả năng phải sử dụng hóa chất bảo quản sẽ nhiều hơn, độ nguy hại cao hơn.

Bên cạnh đó, TS. Anh cũng nhấn mạnh thêm người tiêu dùng nên linh hoạt trong cách chọn mua mứt vì mỗi loại có những đặc tính khác nhau. Cần lưu ý với các trường hợp là những loại quả khô nhưng độ ẩm lại cao, hoặc trường hợp các loại mứt vốn có độ ẩm cao nhưng độ khô lại quá tốt. Phải kết hợp kiểm tra chỉ số trên bao bì và cảm quan bằng mắt thường.

Đặc biệt, nếu muốn đảm bảo an toàn cho sức khỏe cả nhà, thay vì mua mứt Tết ngoài hàng, mọi người có thể tự làm các loại mứt Tết đơn giản tại nhà vừa rẻ vừa an toản lại ngon miệng.

Ngọc Anh (Tổng hợp)

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com/kinh-doanh/tu-van-tieu-dung/ban-co-biet-co-the-dua-vao-mau-sac-de-chon-mut-tet-an-toan-a132112.html