Bài thuốc tự chế “bó ngoài, uống trong” chữa chấn thương, va chạm

Bài thuốc gia truyền của gia đình ông Bùi Đắc Sáng (SN 1948, ngụ đường La Thành, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội) nhiều năm qua đã chứng tỏ hiệu quả chuyên trị chứng chấn thương, va chạm.

Lương y Bùi Đắc Sáng

Tự bó bột chữa chấn thương

Có hàng ngàn nguyên nhân gây chấn thương, từ va chạm giao thông, đi đứng không cẩn thận, tập luyện thể thao bị vấp ngã, tai nạn lao động... Nhẹ có thể dẫn đến sưng, phù nề; nặng có thể dẫn đến gãy xương.

Bài thuốc gia truyền chữa chấn thương bằng cách bó bột, bao gồm các vị thuốc như sau: Hạt gấc 100g, mộc dược chế 40g, nhũ hương chế 40g, củ chóc (nam tinh) 120g, tổ phượng (cốt toái bổ) 120g, thiên niên kiện 80g, địa liền (tam nại) 80g, quế chi 80g, hồi hương 80g, nghệ già 120g, tô mộc 120g, huyết giác 80g. Tất cả số thuốc này đem rửa sạch, sơ chế, rồi tán nhỏ thành dạng bột. Sau đó dùng để bó ngoài (với trường hợp chấn thương nặng), hoặc xoa ngoài (đối với chấn thương nhẹ).

Thuốc có tác dụng hành khí, hoạt huyết, lợi gân xương, chữa lành vết thương. Ngoài ra, với các bệnh về khớp khác dùng phương thuốc này, cũng mang lại tác dụng tương tự.

Phương pháp bó thuốc được lương y Sáng hướng dẫn cụ thể: Mỗi lần dùng từ 1 – 3 thìa thuốc (tùy tổn thương lớn nhỏ khác nhau), trộn đều với ngải cứu tươi (giã nhuyễn) và rượu trắng (vừa đủ ướt). Số thuốc này trải đều trên băng vải sạch, bó nơi bị chấn thương. Nếu thấy miếng bó bột này khô, thì có thể tưới rượu trắng từ ngoài vào cho đủ ẩm. Sau đó, dùng nẹp tre hoặc nẹp gỗ (với trẻ em có thể dùng mo cau) để cố định phần bột bó vết chấn thương.

Lúc này chiếc nẹp sẽ đủ rắn, làm giá đỡ cho xương gãy, nhưng cũng có độ đàn hồi nhất định, thích hợp với áp lực nội bộ do sưng nề, hoặc co cơ gây ra. Trong thời gian nẹp cố định, cần theo dõi để tránh bị loét. Hàng ngày kiểm tra, nếu thấy nẹp lỏng thì cần điều chỉnh độ chặt thích hợp. Cứ 3 - 5 ngày lại thay miếng bó một lần. Thời gian bó bột, bệnh nhân nên kiêng ăn thịt gà, cà pháo, tôm, cua, ốc, đồ béo ngọt quá mức và các chất kích thích (rượu, bia, cà phê, chè, thuốc lá).

Người dân có thể tự chế bài thuốc chữa chấn thương theo bí quyết của ông Sáng

“Song kiếm hợp bích” vừa bó ngoài, vừa uống trong

Để bài thuốc đạt hiệu quả cao hơn,lLương y Sáng khuyên nên dùng thêm bài thuốc dạng uống. Tùy vào từng thời kỳ điều trị vết thương, mà có thang thuốc bổ sung thích hợp. Thuốc uống được chia làm 3 thời kỳ: Đầu tiên bệnh nhân bị sưng nề, huyết ứ; thời kì tiếp theo là suy nhược khiến khí huyết hư tổn, thời kỳ cuối là phục hồi.

Không hề giấu nghề, ông Sáng sẵn sàng chia sẻ những bài thuốc qua từng thời kỳ. Thời kỳ đầu (1 – 2 tuần đầu), vết chấn thương bị sưng, phù nề. Bài thuốc uống lúc này bao gồm các vị: Lá móng tay 10g, tô mộc 10g, huyết giác 12g, nghệ 8g, ngải cứu 12g, tất cả tạo thành một thang. Lúc này, bệnh nhân đem số thuốc trên rửa sạch, cho vào ấm, đổ nước ngập thuốc khoảng 2 – 3 cm (khoảng 3 bát con nước), đun nhỏ lửa, âm ỉ, giữ cho thuốc sôi đều, không để trào ra ngoài. Đun cô cạn lại được một bát thuốc.

Lần thứ hai, cho khoảng hai bát nước thì đun cạn còn một bát thuốc, lần thứ 3 cũng vậy. Cuối cùng, cho 3 lần thuốc trên hòa cùng để chất lượng thuốc đồng đều. Ngày uống 3 lần vào lúc 8h, 14h và 20h.

Thời kỳ giữa, khi sưng, nề đã hết, bệnh nhân sẽ bị suy nhược, khí huyết hư tổn nên dùng bài thuốc bao gồm: Đẳng sâm 16g, hoàng kỳ 12g, bạch truật 12g, hoài sơn 16g, ba kích thiên 16g, tục đoạn 12g, cẩu tích 12g, cốt toái bổ 12g, thiên niên kiện 12g, mẫu lệ 12g, bạch thược 12g. Số thuốc trên tạo thành một thang thuốc hoàn chỉnh, có thể dùng sắc thuốc hoặc nấu cao.

Thời kỳ cuối cùng là thời kỳ hồi phục, dùng các vị thuốc như: Lộc giác sương 300g, cốt toái bổ 360g, mẫu lệ 120g. Đem những vị thuốc trên tán thành bột mịn, vo tròn tạo thành viên thuốc, uống mỗi ngày 24g, liên tục trong 3 tuần.

Là chuyên gia về bệnh xương khớp, ông Sáng mách thêm bài thuốc “cấp độ nhẹ hơn” của bệnh chấn thương là bong gân, sai khớp. Theo đó, dùng những cây thuốc đơn giản mà hiệu quả cao như: Dùng cây cỏ lào, loại lá non và cành đã được rửa sạch, sao nóng lên, đắp vào chỗ bị bong gân rồi băng chặt lại. Hoặc có thể dùng bài thuốc gồm: Nghệ già 20g, lá cúc tần 12g, lá trầu không 12g, lá xạ can (rẻ quạt) 12g. Số thuốc trên đem giã nát, trộn cùng một ít dấm, bọc gạc, đắp vào vùng bị sưng rồi băng chặt, cứ hai ngày thay băng một lần.

Cách khác là dùng quả đu đủ xanh, lá la, vôi đã tôi và muối ăn cũng tạo thành một bài thuốc chữa bệnh bong gân, sai khớp từ những dược liệu rất dễ kiếm. Cách dùng: Bệnh nhân chỉ cần giã nát các thứ trên, bọc gạc đắp vào chỗ sưng tấy, rồi băng chặt lại. Tác dụng của bài thuốc chữa bong gân này, theo lương y Sáng: “Gân khớp sau khi đã được chỉnh hình phục vị, đắp thuốc vào sẽ làm cho khí huyết lưu thông, chống viêm chỗ sưng tấy, giảm đau”.

Cái duyên nghề thuốc

Ông Sáng sinh ra trong một gia đình có truyền thống với nghề bó xương, từ nhỏ đã được tiếp xúc với những cục bột trắng toát. Đến đời bố ông, lại chuyển sang Tây y. Bản thân ông tuy thích nghề gia truyền, nhưng sau khi học xong lớp 10, lại được cử sang Liên Xô học ngành khoa học kĩ thuật hàng không. Trước khi về hưu, ông công tác tại Viện khoa học công nghệ Việt Nam, có thú vui đọc sách, tìm hiểu về đông y.

Năm 1995, gần tuổi ngũ tuần, ông Sáng mới quay trở lại nghiên cứu đông y, khởi đầu bằng việc tìm lại những bài thuốc gia truyền. “Khó khăn ban đầu là việc tìm lại những tài liệu về bài thuốc, bởi các cụ ít ghi chép lại, nếu có thì lại do chiến tranh thất lạc. May mắn là trước đây khi giúp các cụ bào chế thuốc, tuy không biết liều lượng bao nhiêu, nhưng tôi biết được các vị thuốc, từ đó tìm lại bài thuốc bó xương gia truyền”, ông chia sẻ.

Chưa dừng lại ở việc tìm lại những bài thuốc gia truyền, ông Sáng còn tiếp tục nghiên cứu để có thêm những bài thuốc mới hiệu quả, mà chính ông và người thân là người thử nghiệm. “Mẹ tôi bị cơn đau đại tràng co thắt hành hạ, thông qua các tài liệu được đọc, tôi cố gắng tìm ra bài thuốc hay, trong thời gian đó cũng gia giảm nhiều vị để đem lại hiệu quả cao. Mẹ tôi được chữa khỏi, từ đó người nhà có bệnh gì đều đến nhờ tôi tư vấn, đó chính là động lực để tôi theo đuổi nghề thuốc tưởng đã trở thành dĩ vãng”, ông nói.

Người đàn ông tuổi đã xế chiều vẫn miệt mài tìm hiểu về y học cổ truyền, ghi chép những bài thuốc hay, hiệu quả từ chính kinh nghiệm của mình hay qua quá trình nghiên cứu sách vở. Nổi tiếng là lương y có tâm thường khám bệnh miễn phí, bán thuốc giá rẻ, miễn phí với người nghèo, ông quan niệm: “Chữa bệnh cần nhất cái tâm của thầy thuốc. Hiểu, quan tâm đến người bệnh cũng là phương pháp tốt để kết hợp với bài thuốc, chữa khỏi bệnh cho bệnh nhân”.

Trịnh Ninh

Nguồn Pháp Luật VN: http://www.phapluatvn.vn/xa-hoi/suc-khoe/201305/Bai-thuoc-tu-che-bo-ngoai-uong-trong-chua-chan-thuong-va-cham-2077692/