Bài cuối: Khi sói biển phải sống nhờ... rong biển

SGTT.VN - Ngư dân Quảng Ngãi ai cũng biết chuyện ông Tiêu Viết Là từng một thời ngang dọc biển khơi, giờ phải nằm nhà cho vợ nuôi. Nhưng đâu phải ông bất tài, kém cỏi hay khiếp nhược trước phong ba bão táp...

Tiêu Viết Là (bìa phải) cùng bạn chài từng bị Trung Quốc bắt (ảnh chụp ngày 30.4.2010)

Khi nghe 14 ngư dân hai tàu cá QNg 55003 TS của ông Trần Phương và tàu QNg 50003 TS của ông Nguyễn Thành Nhất, thôn Châu Thuận, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn bị Trung Quốc bắt giữ, chúng tôi về làng biển này để gặp gỡ ngư dân. Ngồi chưa nóng chỗ ở nhà ông Nhất, đã thấy Tiêu Viết Là đi vào. Hỏi bây giờ sống ra sao, ông Là cười buồn: “Vợ tôi mùa này đi khai thác rong biển”. Vậy là ngày xưa ông đi biển nuôi cả nhà, còn bây giờ ông bệnh hoạn, nhờ vợ hái rong biển về bán lấy tiền nuôi mình!

Tất cả cũng tại bốn lần bị tàu Trung Quốc bắt. Lần đầu tiên là năm 2006. Hồi đó, ghe ông tránh áp thấp nhiệt đới trên biển nên chạy vào đảo Phú Lâm núp gió thì bị tàu Trung Quốc bắt, thu hết ngư lưới cụ, máy móc trên tàu. Lần này, tàu Tiêu Viết Là được thả ra, nhưng phải về đất liền bằng kinh nghiệm của người đi biển, vì la bàn cũng bị tịch thu. Ngày 25.6.2007, tàu cá ông Là ra vùng biển Hoàng Sa đánh bắt, hai ngày sau thì bị tàu quân sự Trung Quốc tấn công bắt giữ. “Trung Quốc bắn như vãi đạn. Anh em tụi tui mạnh ai nấy tìm chỗ núp. Khi nó hết bắn và bỏ đi, tui nhìn lại thì thấy sáu lao động trên tàu bị thương. Nhìn cánh tay phải của thằng Hưng (Huỳnh Văn Hưng, quê xã Bình Hải, huyện Bình Sơn) bị bắn gãy, xương phơi ra trắng toát, tui vừa tức vừa thương anh em, rồi phải chạy thẳng vào đảo do Trung Quốc chiếm đóng”, ông Là ngậm ngùi kể. Biết vào là bị tịch thu hết, nhưng phải vào để cứu anh em bị thương. “Tới đảo, lính Trung Quốc còn dọa bắn. Tui máu nổi đầy mặt, phanh ngực thách lính Trung Quốc bắn”. Sau đó, toàn bộ thuyền viên bị bắt giữ và con tàu bị trấn lột, nhưng tất cả thuyền viên giữ được mạng sống.

Sau chuyến tơi tả này, Tiêu Viết Là còn hai lần bị Trung Quốc bắt vào năm 2008 và tháng 3.2010. Ông Là bảo, lần thứ tư bị bắt khi cả tàu đang ngủ. 12 ngư dân tàu QNg 50362 TS của ông Là bị khống chế, tay giơ lên khỏi đầu, dồn về mũi tàu. Ai cũng phải cúi gằm đầu, không được nhìn lên, nhìn lên là “liếm” ngay gót giày. Sau đó, cán bộ, nhân viên trên tàu kiểm ngư Trung Quốc chia nhau xuống hầm chứa, cabin... để chuyển hàng tấn cá, tôm hùm con qua tàu kiểm ngư. Tiếp theo, Trung Quốc lấy tất cả giấy tờ, thiết bị, ngư lưới cụ của tàu. Vét sạch tàu xong, Trung Quốc quăng dây và lai dắt tàu cá ông Là cùng 12 thuyền viên về đảo Phú Lâm giam giữ. Những ngày bị nhốt, các thuyền viên trên tàu anh Là bầm giập vì bị lính Trung Quốc đối xử tàn tệ, bị buộc phải gọi về nhà mang 70.000 nhân dân tệ qua chuộc. Đến 22.4.2010, do chưa có tiền nộp, chúng lôi ông Là ra đánh. Ông kể, hồi đó, ông và Mai Phụng Lưu bị gọi lên cùng lượt. Thấy ông Là bị đánh, ông Lưu che chắn, đỡ đòn giúp. Sau trận đòn này, ông Là suy sụp hẳn... Vỗ vỗ vào đầu, ông bảo: “Giờ vẫn còn đau”.

Sau lần đó, ông Là về đi bạn cho tàu khác, nhưng chỉ ra khơi được một lần rồi phải nằm nhà vì bệnh tật.

Hưng và Sơn kể về tình cảm gắn bó tới nay của người thuyền trưởng năm xưa.

Đang trò chuyện thì bà Nguyễn Thị Bưởi, vợ ông đi vớt rong biển về đến. Ngày xưa khi ông Là còn đi biển, có bao giờ bà lại làm nghề này để kiếm sống. “Đúng là cuộc đời không biết ngày mai, giờ tui lại phải đi làm thay ổng”, bà Bưởi buồn bã nói. Hai năm nay, từ tháng 5 đến tháng 7, bà đi vớt rong, thời gian còn lại bà đi chuyển cá, gánh cá thuê cho các thuyền ghe cập bến. Những tháng biển động, hai vợ chồng ở nhà trông nhờ vào con trai lớn là Tiêu Viết Linh đang thuê ghe của đầu nậu đi biển. “Nếu làm nông, chồng bệnh hay mất thì ruộng đất còn đó, các bà vợ dù cực nhọc cũng nuôi con nổi. Còn xứ biển này, đàn ông mà bệnh tật, mất đi là cả nhà túng quẫn”.

Vậy mà thói quen làm việc nghĩa thì ông Là đâu có bỏ. “Hồi còn ghe, phiên biển nào từ Hoàng Sa về, ổng cũng mang tiền, mang cá lên cho Tu Thanh Sơn (sinh 1978) và Huỳnh Văn Hưng (sinh 1981) để giúp đỡ. Cả hai bị Trung Quốc bắn năm 2007 gãy chân và tay, giờ cũng sống bám vợ con”, bà Bưởi kể. Bây giờ nằm nhà chữa bệnh, nhưng mỗi lần được tổ chức hảo tâm nào giúp đỡ, ông Là không quên những bạn chài từng đi ghe mình mà gặp nạn như Sơn, Hưng.

Chia tay những ngư dân ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, trên đường trở về, tôi cứ nhớ mãi gương mặt thẫn thờ và lời than của bà Bưởi: “Gia đình tui coi như trắng tay rồi!”

Lỗi đâu phải tại họ, cũng đâu phải tại biển trời...

Nguồn SGTT: http://sgtt.vn/loi-song/165777/bai-cuoi-khi-soi-bien-phai-song-nho-rong-bien.html