Bài 7: Trách nhiệm và tính nêu gương của người đứng đầu

Nghiên cứu Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, tôi tâm đắc với nhận định “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...”. Nhìn lại công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) từ 2006 tới nay, đã cho thấy tệ tham nhũng đang là vấn đề vô cùng bức xúc trong toàn Đảng, toàn dân ta.

Vai trò người đứng đầu mờ nhạt

Hạn chế, yếu kém trong công tác PCTN thời gian qua được thể hiện trên nhiều mặt: Giữa quyết tâm và hành động của cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp trong công tác PCTN còn có khoảng cách; một số cơ chế, chính sách, quy định về quản lý kinh tế - xã hội và về công tác PCTN chưa phù hợp, bất cập chậm được bổ sung, sửa đổi, dẫn đến hiệu quả thực hiện thấp.

Việc tự phát hiện hành vi tham nhũng trong từng cơ quan, tổ chức, đơn vị còn rất hạn chế; số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện và xử lý còn thấp, chưa phản ánh hết thực trạng đang diễn ra; một số vụ việc, vụ án tham nhũng xử lý chậm, kéo dài, gây tâm lý hoài nghi trong nhân dân về tính nghiêm minh của pháp luật cũng như quyết tâm của Đảng (mặc dù chúng ta đã qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí). Tình trạng thoái hóa phẩm chất đạo đức, nhũng nhiễu, gây phiền hà của một bộ phận cán bộ công chức chậm được khắc phục; hiện tượng chạy chức, chạy quyền, chạy tội chưa được giải quyết một cách căn bản. Sự yếu kém trong quản lý, điều hành dẫn đến các sai phạm, gây thất thoát lớn tiền, tài sản của nhà nước ở một số doanh nghiệp, gây bất bình lớn trong xã hội…

Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém nói trên có nhiều nhưng nguyên nhân trước hết và trực tiếp nhất vẫn là do người đứng đầu ở không ít cơ quan, đơn vị chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm và tinh thần gương mẫu của mình trong công tác PCTN. Về mặt Đảng, người đứng đầu cấp ủy có vị trí rất quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo.

Về chính quyền, người đứng đầu cấp ủy thường là thủ trưởng, hoặc phó thủ trưởng, là những người vừa có quyền hành, vừa giữ vai trò quyết định đến sự ổn định và phát triển của toàn đơn vị. Người đứng đầu cấp ủy phải là tấm gương sáng về đạo đức, lối sống, tác phong công tác, tấm gương về phẩm chất, năng lực để toàn cơ quan, đơn vị noi theo. Người đứng đầu cấp ủy còn là đầu mối tổ chức triển khai mọi hoạt động của cơ quan theo nghị quyết của Đảng bộ, chi bộ. Khi có hiện tượng tiêu cực xảy ra, người đứng đầu cấp ủy luôn luôn phải là người chịu trách nhiệm chính. Phát hiện, xử lý, khắc phục nhanh hay chậm đều do người đứng đầu cấp ủy. Cho nên, trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu cấp ủy rất lớn, quyết định mọi thành bại trong quá trình hoạt động, phát triển của đơn vị.

Tuy vậy, một thực trạng đã tồn tại từ nhiều năm qua là có những người đứng đầu cấp ủy không đề cao và phát huy trách nhiệm cá nhân trước tập thể, chưa thực sự là đầu tàu, gương mẫu về phẩm chất, lối sống, tác phong công tác và tác phong sinh hoạt, không thể hiện rõ về năng lực trong lãnh đạo, chỉ huy, điều hành. Có những người đứng đầu khi đã yên vị thì xao nhãng nhiệm vụ, buông lỏng vai trò, không làm tròn chức trách, công việc khoán cho cấp dưới, từ đó sinh ra quan liêu, không hiểu rõ thực trạng ở đơn vị, dẫn đến bị cấp dưới qua mặt. Khi phát sinh ra vụ việc tiêu cực thì đã muộn! Nhiều trường hợp, người đứng đầu cấp ủy xem nhẹ việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, duy trì không nghiêm việc thực hiện Điều lệ Đảng, chế độ sinh hoạt Đảng, xem nhẹ đấu tranh tự phê bình và phê bình. Thậm chí né tránh vì hầu như những vấn đề cần đưa ra phê bình đều có sự dính dáng, liên quan đến bản thân.

Đã có những vụ việc liên quan đến tiêu cực, tham nhũng mà người đứng đầu lại là người vi phạm nặng nhất. Thống kê của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao cho thấy: Trong 5 năm qua (2007 – 2011), các cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố bình quân mỗi năm khoảng 280 vụ về các tội tham nhũng; Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN cho biết trong năm 2011, mới có 61 trường hợp người đứng đầu bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm, để xảy ra tham nhũng trong phạm vi mình quản lý, phụ trách. Đó mới chỉ là so sánh giữa số vụ án khởi tố với số người đứng đầu bị kỷ luật!

Hoàn thiện những quy định đã có

Thực ra, nước ta không thiếu quy định để xác định trách nhiệm người đứng đầu. Từ năm 2006, đã có riêng Nghị định 107 quy định về việc xử lý người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách. Từ năm 2007, có Nghị định 157 quy định chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của nhà nước trong thi hành nhiệm vụ, công vụ. Sau đó, Bộ Nội vụ còn ra Thông tư 08 hướng dẫn thực hiện. Luật Cán bộ, công chức ra đời sau này, năm 2008, cũng quy định trách nhiệm của người đứng đầu, là một bước nâng tầm pháp lý nữa. Do đó, chỉ cần thực hiện tốt các quy định pháp lý đã có, cũng đã có thể chống tiêu cực và nêu cao vai trò của người đứng đầu một cách hiệu quả.

Để người đứng đầu cấp ủy phát huy được vai trò cá nhân với nhiệm vụ được giao thì tập thể cấp ủy, đơn vị có vai trò rất quan trọng. Ở đó, dân chủ trong Đảng phải được phát huy, mạnh dạn phê bình, chỉ ra cái sai của người đứng đầu. Khi người đứng đầu cấp ủy không hoàn thành nhiệm vụ hoặc mắc sai lầm, khuyết điểm thì cũng có trách nhiệm của cấp ủy, cơ quan, đơn vị. Cấp trên trực tiếp cần thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động của người đứng đầu cấp ủy, người lãnh đạo, chỉ huy ở cơ quan, đơn vị.

Cùng với việc tiến hành các biện pháp nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong PCTN, cấp ủy các cấp cần tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, quần chúng về tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình trong Đảng và các đoàn thể. Phải triệt để thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện độc đoán, chuyên quyền của người đứng đầu; xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh, có sức chiến đấu cao, cấp trên gương mẫu trước cấp dưới, thủ trưởng gương mẫu trước cơ quan, đơn vị; tiếp tục đẩy mạnh việc làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức và phong cách của Bác với những tiêu chí cụ thể, hướng vào thực hiện “cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư”.

Ngoài ra, cần nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng, nhất là sinh hoạt tự phê bình và phê bình; kiên quyết không bao che, dung túng cho các hành vi tham nhũng; thực hiện tốt hơn nữa Quy chế dân chủ ở cơ sở, mở rộng dân chủ cho quần chúng đóng góp xây dựng Đảng; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý kiên quyết các vụ việc tham nhũng; tăng cường chế độ chịu trách nhiệm của cán bộ chủ trì cấp trên khi cấp dưới thuộc quyền có hành vi tham nhũng.

Làm thật, làm nghiêm với những quy định đã có. Trong đó “xác định rõ trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền” từ đó mới có thể “tạo ra được những kết quả cụ thể, rõ rệt để củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân” như

Hội nghị Trung ương lần thứ 4 (khóa XI) đã kỳ vọng.

Phan Bá
Vụ trưởng Vụ Công tác phía Nam
Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng

Triển khai Nghị quyết Trung ương 4
“Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”

- Bài 1: Nguyên Tổng Bí thư LÊ KHẢ PHIÊU: Phải gương mẫu, chỉnh đốn trước hết ở lãnh đạo cấp cao

- Bài 2: Không thể có chuyện lỗi thì do tập thể, còn thành tích là của cá nhân

- Bài 3: Phải chống bằng được đặc quyền đặc lợi

- Bài 4: “Khoán 10” trong xây dựng Đảng

- Bài 5: Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 - Nỗi mừng, điều mong

- Bài 6: Tự phê bình, phê bình để tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/chinhtri/2012/2/280612/