Bài 4: Đặng Trần Đức: Điệp viên giữa sào huyệt tình báo địch

QĐND - Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, rất nhiều điệp viên của ta đã chui sâu, leo cao vào hàng ngũ kẻ thù để khai thác tin tức, phục vụ kháng chiến. Thiếu tướng Đặng Trần Đức cũng là một điệp viên như thế, nhưng vị trí công tác của ông rất đặc biệt: Ông hoạt động ngay trong sào huyệt cơ quan tình báo của địch - Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo ngụy.

Đặng Trần Đức (bí danh: Ba Quốc) sinh năm 1922, quê ở Thanh Trì (Hà Nội), nhập ngũ tháng 5-1949.

Tham gia cách mạng từ ngày đầu giành chính quyền ở Hà Nội năm 1945, ông lần lượt giữ các chức vụ: Chủ tịch UBND cách mạng lâm thời xã Thanh Trì, rồi công an huyện Thanh Trì. Năm 1950, theo yêu cầu của Đảng và cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta, ông được tổ chức bố trí vào hoạt động trong hàng ngũ địch. Ông đã cung cấp nhiều tin tức, tài liệu về địch có giá trị, phục vụ công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Một ngày làm việc trong thời bình của Thiếu tướng Đặng Trần Đức. Ảnh chụp lại

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, theo chỉ thị của tổ chức, ông đi theo con đường của địch vào hoạt động tại Sài Gòn. Lúc đầu, ông chỉ làm nhân viên kế toán, nhưng với nhãn quan chính trị nhạy bén, ông từng bước tiếp cận và ghi điểm trong mắt Trần Kim Tuyến, Giám đốc Sở Nghiên cứu chính trị, mà thực chất là một cơ quan mật vụ chống Cộng của chính quyền Ngô Đình Diệm. Ba Quốc là một trong những “phụ tá trung thành" của Trần Kim Tuyến. Sau khi vượt qua những cuộc sát hạch bằng máy kiểm tra nói dối của Mỹ, ông ngày càng chiếm được niềm tin của các nhân vật cộm cán trong Phủ Đặc ủy. Nhờ đó, ông được tiếp cận với nhiều tài liệu quan trọng trong cơ quan tình báo của ngụy. Đặc biệt, ông khéo léo lợi dụng sơ hở và những mâu thuẫn của chính quyền ngụy để củng cố vị trí, tăng cường khả năng thu thập tin tức. Như sau cuộc Tổng tiến công, nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, ông nắm được thông tin về mặt trận Khe Sanh lúc đó có thể sẽ biến thành một “Điện Biên Phủ thứ 2”, và người Mỹ đang có nhiều tính toán để thoát khỏi thế sa lầy ở Việt Nam. Một trong những cách thoát khỏi tình trạng sa lầy là nếu không có lối thoát về quân sự, Mỹ sẽ thực hiện một cuộc đảo chính, thay chính quyền quân sự bằng một chính quyền dân sự để “thương thuyết với Việt cộng".

Nắm được tình hình đó, ông khéo léo đưa thông tin này đến tai Linh Quang Viên, Tổng trưởng Quốc phòng kiêm Đặc ủy trưởng Phủ Đặc ủy Tình báo trung ương ngụy. Theo "hiến kế" của ông Ba Quốc, Viên cho lập một phòng-gọi là Phòng Tình hình-nơi tập trung tất cả mọi tin tức về lĩnh vực an ninh tình báo. Ông được tin dùng, đưa về Phòng Tình hình, để từ đó, ông có điều kiện liên kết với các phần tử đối lập với chính quyền Thiệu và qua đó tiếp cận, nắm được các nguồn tin tình báo quan trọng trong Phủ Đặc ủy.

Công tác tại Phòng Tình hình là cơ hội để Ba Quốc tiếp cận các tủ chứa tài liệu tuyệt mật của tên thiếu tá Nguyễn Văn Giàu. Ông kể lại: "Hằng ngày, cứ 7 giờ 30 sáng, Giàu đến phòng làm việc, 9 giờ 30 đi uống cà phê, 10 giờ 30 trở về nhận tin hay tiếp xúc với các trưởng ban thuộc Sở Giao dịch dân sự, ký các giấy tờ công văn... cho đến hết ngày. Sáng thứ bảy ông ta tiếp cố vấn Mỹ Tom Barret, chiều thứ bảy nghỉ cho đến sáng thứ hai tuần sau…".

Một buổi sáng, lúc gần đến 9 giờ 30 phút, Ba Quốc cầm một tập hồ sơ lên phòng Nguyễn Văn Giàu. Đến trước cửa ông dừng lại. Biết ý, Giàu hỏi: "Chắc anh cần làm việc riêng với ông Lê Liêm, anh cứ vào bàn giấy của tôi ngồi, tôi đi uống cà phê một lát".

Chân dung Thiếu tướng Đặng Trần Đức.

“Được lời như cởi tấm lòng”, Ba Quốc cảm ơn rồi bước vào, ngồi vào vị trí của Nguyễn Văn Giàu. Đợi Giàu bước ra một hồi lâu, ông mới mở tủ và phát hiện trong đó có một tập hồ sơ có tên "Stay behind in North Vietnam” - (tạm dịch là: Các mạng lưới gián điệp được cài cắm lại ở miền Bắc Việt Nam). Đây chính là mục tiêu từ lâu của Ba Quốc.

Ước lượng Nguyễn Văn Giàu đi uống cà phê trong khoảng một tiếng, trong tay không có máy chụp ảnh nên Ba Quốc chỉ còn cách là… chép tay lại, mỗi lần chép một ít, vừa chép vừa nhìn đồng hồ để tính toán giờ giấc cất hồ sơ vào tủ. Ông kể: "Từ hôm đó trở đi, cứ mỗi lần nhìn thấy tủ hồ sơ của Nguyễn Văn Giàu hé mở là tôi lại canh đến giờ cà phê của Giàu để mang hồ sơ lên. Lần nào cũng vậy, Giàu lại nhường chỗ cho tôi. Khoảng nửa tháng, tôi chép hết 35 bộ hồ sơ của 35 ổ gián điệp cài ở miền Bắc".

Trong thời gian chép lại hồ sơ gián điệp, chỉ duy nhất một lần ông Ba Quốc bị một nữ thư ký đánh máy tài liệu mật tên là Nguyễn Thị Lệ bất ngờ bước vào và nhìn thấy ông đứng cạnh tủ tài liệu mật của Nguyễn Văn Giàu, nhưng cô ta không hề tỏ vẻ ngạc nhiên hay có phản ứng. Theo ông Ba Quốc, có lẽ cô nhân viên này đã từng nhìn thấy ông ngồi làm việc tại bàn giấy của Nguyễn Văn Giàu nên cô ta coi việc ông đứng trước tủ hay ngồi ở bàn là chuyện tất nhiên.

Toàn bộ 35 bộ hồ sơ gián điệp ở miền Bắc, Ba Quốc chuyển cho cơ sở gửi về cấp trên. Các nhóm gián điệp này sau đó đã bị ta bắt gọn.

Được địch tin dùng ở vị trí ngày càng cao, Ba Quốc càng có điều kiện tiếp xúc với các nhân vật cao cấp trong chính quyền tay sai ngụy Sài Gòn. Nhờ đó, tin tức khai thác được ngày càng phong phú, không chỉ về an ninh mà cả các kế hoạch quân sự của địch, ý đồ giải quyết chiến tranh của Mỹ… Những tin tức, tài liệu được kịp thời gửi lên trên, giúp ta chỉ đạo đánh địch. Ngoài ra, ông còn khẩn cấp báo tin về những cuộc vây bắt của cảnh sát địch nhằm bắt một số cán bộ của ta hoạt động ở nội thành, giúp cho cơ quan có trách nhiệm thông báo bảo đảm an toàn cho cán bộ ta, đồng thời làm tốt việc phá hoại nội bộ địch.

24 năm hoạt động trong hàng ngũ địch, ông đã thu được nhiều tài liệu, tin tức có giá trị của địch cho cách mạng, trong mọi điều kiện và hoàn cảnh, ông luôn giữ vững ý chí, phẩm chất đạo đức người cách mạng và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trong cuộc đời hoạt động tình báo đặc biệt xuất sắc và bí hiểm của ông, những người thân trong gia đình ông đã chịu nhiều thiệt thòi, hy sinh. Để bảo vệ vỏ bọc cho ông hoạt động, có người đã bị chế độ ngụy quyền bắt bớ, tra tấn, đàn áp; vợ con ông ở lại miền Bắc cũng chịu không ít điều tiếng nhưng vẫn thầm lặng chịu đựng để ông yên tâm hoạt động.

Cuộc đời tình báo của Ba Quốc là một huyền thoại, nhưng câu chuyện “ông tướng tình báo và hai bà vợ” của ông cũng nhuốm màu huyền thoại. Chuyện là, trước năm 1954, khi hoạt động trong nội thành Hà Nội, ông Ba Quốc bị Vũ Đình Lý, Trưởng Công an Hà Nội nghi ngờ, nhưng vì nể ông quen thân với Đàm Y, Quận trưởng Quận 1 Hà Nội, nên không ra lệnh bắt. Vũ Đình Lý đã cho lập hồ sơ nghi vấn ông là nhân viên công an Việt Minh, giao cho cấp dưới tiếp tục theo dõi… Cho nên, khi tổ chức chỉ thị cho ông “theo địch vào Nam” tiếp tục hoạt động, nếu một mình ra đi, ông Ba Quốc có nguy cơ bị lộ tung tích, vì hồ sơ nghi vấn ông là Việt Minh vẫn chưa được giải quyết. Trong khi đó, vợ chồng ông Đàm Y lại có ý gá nghĩa ông với người cháu gái của họ để chuẩn bị cho cuộc di cư vào Nam đang sắp sửa bắt đầu. Trước tình hình đó, tổ chức đề nghị ông Ba Quốc nên thuận theo sắp xếp của Đàm Y để xóa bỏ tận gốc hồ sơ “Việt Minh nằm vùng”, củng cố vỏ bọc vững chắc cho chặng đường hoạt động gian nan và lâu dài phía trước.

Trước yêu cầu của tổ chức, ông Ba Quốc quyết định nói thật với vợ mình. Điều ông không ngờ là vợ ông, bà Phạm Thị Thanh (lúc này ông bà đã có hai con, 1 trai, 1 gái) đã quyết định đặt quyền lợi đất nước lên trên hạnh phúc lứa đôi. Khi nghe chồng chia sẻ về nhiệm vụ vào Nam hoạt động, phải lấy vợ khác để tạo vỏ bọc tốt nhất, bà Thanh đã lặng lẽ gật đầu nhưng với điều kiện: Ông Ba Quốc phải trao lại đôi hoa tai (quà cưới trước đây của bà) cho người vợ sau và phải ghi trên giấy tờ vợ sau là vợ kế...

Chị Đặng Thị Hữu Hạnh, con gái ông Ba Quốc với người vợ sau đã có lần tâm sự: “Trước năm 1975, khi nhìn tờ khai sanh của mình, tôi thấy dòng cuối, phần ghi là vợ chính thức hay vợ kế, bố tôi ghi là vợ kế. Tôi có hỏi bố tại sao gọi là vợ kế khi bố chỉ có một mình mẹ. Bố tôi nói khi nào con lớn lên thì bố sẽ nói cho nghe... Sau 1975, bố tôi mới lấy tờ khai sanh ra và nói rằng: Hồi trước con Hạnh có hỏi bố tại sao ở đây ghi là vợ kế mà không ghi là vợ chính thức thì bố giải thích luôn, bố hoạt động như thế này nên do điều kiện, bố đã có hai người vợ”.

Sau khi Ba Quốc “theo địch vào Nam”, vợ con ông bị bà con làng xóm hắt hủi, dè bỉu. Con gái ông-Đặng Thị Giang mới học cấp I đã phải chịu tổn thương về tâm lý khi bị bạn bè xa lánh. Trước sự miệt thị, khinh rẻ của hàng xóm, vợ con ông đã buộc lòng phải dời quê hương, dắt nhau lên nông trường Vân Lĩnh xin làm công nhân trồng chè. Vợ con ông đã sống trong những ngày tháng cô đơn, buồn tủi với nỗi ám ảnh là vợ con của một kẻ “theo giặc”. Mãi đến sau ngày đất nước thống nhất (30-4-1975), Ba Quốc ra Bắc, về quê tìm lại vợ con, nghe lại những “nỗi đoạn trường” mà vợ con đã trải, ông xúc động nói với vợ: “Em là một người anh hùng”.

Ngày 6-11-1978, Đặng Trần Đức được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Ông mất năm 2004, trong niềm tiếc thương của gia đình, đồng chí, đồng đội.

HỒNG HẢI, THANH XUÂN, THU HÙNG

Bài 1: Đinh Thị Vân - Nữ anh hùng “uy vũ bất năng khuất”

Bài 2: Tư Cang-Hai Trung: Cặp đôi hoàn hảo

Bài 3: Phạm Ngọc Thảo: Điệp viên “có một không hai”

Bài 5: Nguyễn Văn Minh-người khiến CIA kinh ngạc !

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/61/43/ky-su-nhan-vat/bai-4-dang-tran-duc-diep-vien-giua-sao-huyet-tinh-bao-dich/384437.html