Bài 1: Tấm lòng và ý chí quyết tâm

QĐND - Xuất phát từ ước nguyện của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về việc cải thiện đời sống đồng bào nghèo vùng biên giới, Chương trình “Bò giống giúp người nghèo biên giới” đã được thực hiện. Với một thời gian kỷ lục (14 tháng), chương trình đã hoàn thành mục tiêu lớn, tạo ra những đổi thay quan trọng trong đời sống, nhận thức, tình cảm của đồng bào nghèo biên giới, góp phần tạo ra vùng biên cương bình yên, ấm no, hạnh phúc.

Chương trình “Bò giống giúp người nghèo biên giới” được thực hiện xuất phát từ ước nguyện của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về việc cải thiện đời sống đồng bào nghèo vùng biên giới.

Trăn trở việc chọn “cần câu”

Thiếu tướng Nguyễn Tiến Thắng, Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng là người đã gắn bó nhiều năm ở vùng biên giới phía Bắc, tâm sự với chúng tôi: Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, đồng bào tại khu vực biên giới luôn là lực lượng quan trọng, trực tiếp bảo vệ chủ quyền đất nước, góp phần xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị, phát triển. Chính vì vậy, hỗ trợ giúp đỡ đồng bào biên giới để họ bám đất, bám bản, bám làng đã là kế sách, là bài học quý giá của cha ông ta trong việc gìn giữ non sông, bảo vệ phên giậu Tổ quốc. Bài học này cũng đã được Đảng, Nhà nước áp dụng với rất nhiều chính sách hỗ trợ và công tác xóa đói, giảm nghèo của nước ta được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Theo số liệu của Ủy ban Dân tộc, 6 năm qua, bình quân mỗi huyện nghèo (phần lớn các huyện này ở vùng cao, biên giới) theo Nghị quyết 30a của Chính phủ được hỗ trợ từ 35 đến 40 tỷ đồng/năm (cả vốn đầu tư xây dựng cơ bản và vốn sự nghiệp); mỗi huyện nghèo hưởng cơ chế hỗ trợ theo Nghị quyết 30a được hỗ trợ từ 18-20 tỷ đồng/năm. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo mới) bình quân tại 64 huyện nghèo đã giảm từ gần 378.000 hộ cuối năm 2010 xuống còn gần 235.000 hộ vào cuối năm 2014. Thế nhưng, đến cuối năm 2014, tỷ lệ nghèo bình quân của 64 huyện nghèo vẫn còn gấp 5,5 lần so với tỷ lệ bình quân của cả nước. Tại một số huyện, tỷ lệ hộ nghèo còn chiếm hơn 50%, cá biệt có huyện cao hơn 60-70%. Số hộ "nghèo kinh niên" ngày càng tập trung hơn tại các vùng dân tộc thiểu số. Điều này chứng tỏ vấn đề giảm nghèo không hề đơn giản. Thực tế, lâu nay trong chuyện xóa đói, giảm nghèo, người ta hay nói tới đưa cho người nghèo "con cá" hay cái "cần câu". Hiểu một cách ẩn dụ thì nếu đưa cho người nghèo con cá thì họ sẽ ăn hết ngay, sau đó nghèo vẫn hoàn nghèo, còn nếu đưa cho họ cái cần câu thì họ buộc phải đi câu lấy cá mà ăn, cũng có nghĩa là hỗ trợ để họ tự vươn lên thoát nghèo.

Vậy “cần câu” cho người nghèo vùng biên giới là gì? Đó là điều trăn trở của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội và các địa phương.

Cách làm độc đáo, sáng tạo

Cách đây hơn một năm, trong buổi làm việc với Bộ Quốc phòng về tình hình biên giới và công tác biên phòng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có gợi ý, chỉ đạo về việc “tạo cần câu” cho người nghèo các tỉnh biên giới phía Bắc. Theo Chủ tịch nước, con bò giống có đầy đủ yếu tố để tạo thành “cần câu” cho bà con. Bò giống dễ nuôi, sản phẩm dễ tiêu thụ. Chỉ trong thời gian ngắn, bò sẽ sinh sản và giúp bà con xóa đói, giảm nghèo…

Sau khi nhận chỉ đạo từ Chủ tịch nước, Chương trình “Bò giống giúp người nghèo biên giới” ra đời. Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng được giao nhiệm vụ chủ trì với sự tham gia của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, UBND một số tỉnh biên giới và Tập đoàn viễn thông Quân đội (Viettel).

Thiếu tướng Nguyễn Tiến Thắng, Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng cho biết, theo kế hoạch đã được các cơ quan tham gia chương trình nhất trí thông qua, trong thời gian từ tháng 6-2014 đến tháng 10-2016, Ban Chỉ đạo sẽ tổ chức mua 24.000 con bò cái sinh sản (tương đương 360 tỷ đồng) bằng nguồn vốn từ việc phát triển các dịch vụ viễn thông (do Viettel chủ trì) để trao tặng các gia đình thuộc diện hộ nghèo theo chuẩn quốc gia ở 11 tỉnh biên giới phía Bắc và Tây Bắc, gồm: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Yên Bái.

Các nhà hảo tâm trong cả nước được khuyến khích tham gia vào chương trình bằng cách tự nguyện đăng ký sử dụng dịch vụ trả sau của Viettel trong một thời gian nhất định để cùng Viettel và các cơ quan, ban, ngành hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào nghèo ở biên giới. Mỗi nhà hảo tâm tự nguyện đăng ký sử dụng một dịch vụ trả sau của Viettel, thì Viettel sẽ trích ngay một triệu đồng mua bò giống giúp đồng bào nghèo. Không chỉ tặng bò cho hộ nghèo, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch nước, Viettel còn hỗ trợ xi măng để bà con láng chuồng trại, cải tạo nơi ở; tặng chăn, bạt che chuồng giúp giữ ấm cho đàn bò trong mùa đông giá rét tại một số địa phương.

Con bò mà anh Lường Văn Khôi (xã Na Tông, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) được tặng đã sinh một con bê.

Sự lan tỏa đáng tự hào

Điểm đặc biệt của Chương trình “Bò giống giúp người nghèo biên giới” là có sự lan tỏa rất sâu rộng. Chương trình nhận được sự góp sức của rất nhiều tổ chức và nhà hảo tâm trên khắp mọi miền đất nước, thậm chí cả ở nước ngoài. Nhờ sự chung sức đó mà Chương trình "Bò giống giúp người nghèo biên giới" có mục tiêu lớn hơn rất nhiều những chương trình tương tự từng được các đơn vị, ban, ngành khác thực hiện trước đó. Chương trình này đề ra thực hiện trong 2 năm, nhưng chỉ sau 14 tháng đã hoàn thành các chỉ tiêu đề ra.

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết Chương trình “Bò giống giúp người nghèo biên giới" của tỉnh Quảng Ninh mới đây, đồng chí Đặng Huy Hậu, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo chương trình tỉnh Quảng Ninh, khẳng định: "Bò giống giúp người nghèo biên giới” là chương trình rất có ý nghĩa với đời sống người dân vùng biên. Với cách làm bài bản, chương trình đã hoàn thành trước một năm và Quảng Ninh trở thành địa phương đi đầu trong cả nước về triển khai thực hiện chương trình này.

Thiếu tướng Lê Như Đức, Phó chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng đánh giá: Đây là một chương trình có ý nghĩa xã hội hết sức to lớn. Một việc làm rất có trách nhiệm thể hiện tình cảm quân-dân, ý thức chia sẻ khó khăn của cán bộ, chiến sĩ biên phòng và Tập đoàn Viễn thông Quân đội cũng như các ngành, các cấp, các địa phương, các tổ chức đối với người dân nghèo ở nơi biên giới. Ngoài tặng 24.000 con bò, Ban Chỉ đạo đã tặng 22.000 chiếc điện thoại và hỗ trợ 300.000 đồng/sim cho các hộ được nhận bò để quá trình nuôi dưỡng bò có vấn đề gì thì báo cáo với Ban Chỉ đạo chương trình tới hướng dẫn chăm sóc. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trao tặng cuốn sách hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi bò sinh sản, giúp bà con nuôi bò được tốt hơn.

“Đảng và Nhà nước đã có nhiều nỗ lực trong công tác xóa đói, giảm nghèo, kết quả thu được rất tốt và được thế giới đánh giá cao. Tuy nhiên, để giảm nghèo nhanh hơn, rất cần xã hội hóa và sự vào cuộc của các doanh nghiệp. Chương trình Viettel tặng bò giống cho người nghèo rất cần được nhân rộng. Cái hay của cách làm này đó là chính những người lính quân đội năm xưa chiến đấu vì độc lập tự do cho dân tộc, nay làm kinh tế lại kêu gọi mọi người dân cùng tham gia chung tay giúp đỡ người nghèo ở các tỉnh biên giới. Những người nghèo khó ấy chính là những người đang ngày đêm giữ đất đai ở miền biên cương, để cho chúng ta ở miền đồng bằng yên tâm làm việc. Tôi đánh giá cao nghĩa cử tốt đẹp ấy và mong rằng sẽ còn nhiều doanh nghiệp của Việt Nam chia sẻ những giá trị đạt được với cộng đồng, nhất là với người nghèo”.

Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An

Tính đến hết tháng 10-2015, Ban Chỉ đạo Chương trình “Bò giống giúp người nghèo biên giới” đã hoàn thành việc trao tặng 24.000 con bò giống đến tay đồng bào nghèo biên giới. Tỉnh Thanh Hóa có số lượng bò được trao tặng nhiều nhất, với 4.419 con. Tỉnh Hà Giang hoàn thành chương trình sớm nhất, có đàn bò tăng trưởng tốt nhất và đến nay đã có 8 con sinh được bê, đặc biệt có con chuẩn bị sinh lứa thứ 2.

Bài 2: Đổi thay những mảnh đời gian khó

Bài và ảnh: PHÚ THỌ - QUANG PHƯƠNG – HẢI THỦY

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/61/43/kinh-te-xa-hoi/bai-1-tam-long-va-y-chi-quyet-tam/391938.html