Bài 1: Núi đá Kiên Lương đang bị tận diệt

SGTT.VN - Những rặng núi đá, núi đá vôi sừng sững giữa đồng bằng và chạy dài ven biển Hà Tiên, Kiên Lương của tỉnh Kiên Giang đang biến mất dần dưới bàn tay tàn phá của con người. Trong đó, những ngọn núi ở huyện Kiên Lương là một phần của khu dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang, bị tàn phá nặng nề nhất.

Giữa trưa, thị trấn Kiên Lương bỗng rung chuyển bởi hàng chục tiếng nổ ình ình xé toạc không gian yên tĩnh. Nhìn về phía những rặng núi nhấp nhô khu vực xã Bình An, từng bựng khói xám bốc lên cao, những đàn chim rừng giật mình bay nháo nhác trên dải rừng phòng hộ ven biển. Chị Nguyễn Thùy Linh, ngụ ấp Ba Núi, huyện Kiên Lương, cười cười, nói: “Ngày nào họ cũng nổ mìn phá đá núi, nghe lâu rồi nên quen, không còn bị giật mình. Hôm nào không nghe tiếng nổ mìn, thấy… nhớ nhớ”. Ở Kiên Lương, nhìn đâu cũng thấy những ngọn núi đang bị phạt ngọn, xẻ thịt, lở lói... Ảnh: Hùng Anh Sau mỗi loạt nổ mìn phá đá, khi khói thuốc nổ và bụi đá còn chưa tan, hàng đoàn máy ủi, máy xúc công suất lớn gầm gừ tiến vào khu vực khai thác, thi nhau cào cấu vào thân núi. Đứng trên lầu của UBND huyện Kiên Lương nhìn bao quát toàn vùng, chỗ nào cũng thấy những ngọn núi đang bị xẻ thịt lở lói. Phía sau nhà máy ximăng Hà Tiên 2, núi Trầu ở xã Hòa Điền đã bị phạt ngọn, xung quanh thân núi không còn một bóng cây xanh, xương thịt của đá phơi bày trơ trơ. Ông Hồ Văn Tấn, chánh văn phòng UBND huyện Kiên Lương, cho biết toàn huyện có khoảng 30 núi lớn, nhỏ, nhưng cho đến nay huyện không thể thống kê bao nhiêu núi đang bị khai thác đá xây dựng, đá vôi. “Huyện không biết vì không được cấp phép khai thác đá núi. Trên địa bàn có hàng chục doanh nghiệp khai thác đá, nhưng đều do tỉnh cấp phép khai thác”, ông Tấn nói. Nhưng ông Tấn cũng có thể điểm danh vài ngọn núi đang bị khai thác ồ ạt với thời hạn cấp phép từ 20 – 50 năm và đang có nguy cơ biến mất như Trà Đuốc Lớn, Trà Đuốc Nhỏ (xã Bình An), núi Mây, núi Còm, núi Trầu ở xã Hòa Điền… Ông Lê Văn Hiền, phó trưởng phòng Tài nguyên và môi trường huyện Kiên Lương, cho biết dưới bàn tay tàn sát của con người những ngọn núi cao vòi vọi như núi Lâm Bô, núi Xà Ngách đã bị san bằng mặt ruộng nhưng chưa được buông tha, hiện nay các công ty khai thác đá bắt đầu đào âm xuống đất để moi cho bằng hết những mạch đá ngầm. “Những ngọn núi như núi Quỷnh, núi Mây, Sơn Trà tuy hiện nay chưa bị bàn tay con người đụng đến nhưng đều đã có quy hoạch, khai thác, không sớm thì muộn cũng chung số phận với những ngọn núi khác”, ông Hiền cho biết. Một thống kê mới đây của sở Tài nguyên và môi trường Kiên Giang cho thấy, toàn tỉnh có 67 dự án khai thác khoáng sản (gồm đá xây dựng, đá granit, đá vôi, cát sỏi…) tập trung chủ yếu ở vùng Kiên Lương, Hà Tiên, Hòn Đất, nhưng địa bàn trọng tâm là khu vực huyện Kiên Lương với hàng chục dự án khai thác đá, đá vôi ở mười ngọn núi, công suất khai thác lên đến 180 triệu tấn/năm đối với đá vôi, 70 triệu tấn/năm cho đá xây dựng. Trong khi đó sở Xây dựng Kiên Giang cho biết, hiện nay các khu vực núi Mây, núi Nhọn đã được UBND tỉnh cho phép khai thác vật liệu san lấp trên diện tích 39ha, trữ lượng hơn 12,2 triệu m3, khai thác đá xây dựng ở núi Sơn Trà trên diện tích 30ha, trữ lượng hơn 13 triệu tấn. Núi Huỳnh ở xã Bình An, huyện Kiên Lương dù nằm trong danh mục cấm khai thác nhưng các cơ quan hữu trách đã lập xong quy hoạch khai thác với diện tích gần 19,5ha, trữ lượng hơn 6,5 triệu m3. Hết chốn nương thân Các nghiên cứu trước đây cho thấy núi đá vôi Kiên Lương là môi trường sống của nhiều hệ sinh vật độc đáo, trong đó có những loài vẫn chưa được biết đến, bao gồm 322 loài thực vật, 155 loài động vật có xương sống, 65 loài không xương sống, 9 loài dơi, 13 loài lưỡng cư, 32 loài bò sát, 144 loài chim trong đó có sáu loài có tên trong sách đỏ Việt Nam và thế giới, 31 loài thú trong đó có nhiều loài vẫn chưa điều tra khảo sát được tình trạng quần thể. Đặc biệt, vùng núi đá vôi Kiên Lương là nơi sinh cư của đàn voọc bạc Đông Dương, loài linh trưởng quý hiếm có tên trong sách đỏ với nguy cơ tuyệt chủng rất cao, hiện nay chỉ còn chưa đầy 200 con sinh sống trong các hang động núi đá vôi như Bãi Voi, Khoe Lá, Hàng Tiền, Chùa Hang, hòn Lô Cốc… Nhưng nhiều năm nay các núi đá vôi trong khu vực đã được cấp phép đào bới để sản xuất ximăng, vôi và phân bón NPK, trong đó núi Khoe Lá nơi có nhiều voọc bạc Đông Dương sinh sống đang bị nhà máy ximăng Holcim khai thác ồ ạt. Các nghiên cứu trước đây cho thấy núi đá vôi Kiên Lương là môi trường sống của nhiều hệ sinh vật độc đáo, trong đó có những loài vẫn chưa được biết đến, bao gồm 322 loài thực vật, 155 loài động vật có xương sống, 65 loài không xương sống, 9 loài dơi, 13 loài lưỡng cư, 32 loài bò sát, 144 loài chim trong đó có sáu loài có tên trong sách đỏ Việt Nam và thế giới, 31 loài thú trong đó có nhiều loài vẫn chưa điều tra khảo sát được tình trạng quần thể. Đặc biệt, vùng núi đá vôi Kiên Lương là nơi sinh cư của đàn voọc bạc Đông Dương, loài linh trưởng quý hiếm có tên trong sách đỏ với nguy cơ tuyệt chủng rất cao, hiện nay chỉ còn chưa đầy 200 con sinh sống trong các hang động núi đá vôi như Bãi Voi, Khoe Lá, Hàng Tiền, Chùa Hang, hòn Lô Cốc… Nhưng nhiều năm nay các núi đá vôi trong khu vực đã được cấp phép đào bới để sản xuất ximăng, vôi và phân bón NPK, trong đó núi Khoe Lá nơi có nhiều voọc bạc Đông Dương sinh sống đang bị nhà máy ximăng Holcim khai thác ồ ạt. “Theo tôi biết thì nhiều ngọn núi khác đang được các cơ quan chức năng của tỉnh quy hoạch khai thác, nhưng khai thác cụ thể thế nào thì… huyện không nắm được. Núi nằm trên địa bàn quản lý của huyện, UBND huyện giống như đứa con được cha mẹ giao trông giữ tài sản, nhưng cha mẹ lại cho người khác đến lấy tài sản sử dụng mà không thèm nói với con một tiếng. Hàng chục công trường khai thác đá hoạt động trên địa bàn huyện nhưng địa phương chẳng được lợi lộc gì ngoài việc giải quyết một số lao động tại chỗ với công xá rẻ như bèo và gánh chịu ô nhiễm môi trường”, ông Tấn chua chát nói. Khai thác khoáng sản để phục vụ mục đích xây dựng và phát triển kinh tế là một thực tế không thể phủ nhận. Nhưng khai thác thiên nhiên đến mức nhiều ngọn núi đang có nguy cơ biến mất như ở Kiên Lương khiến không ít người xót xa. Theo các nhà nghiên cứu, núi đá và núi đá vôi Kiên Lương là vùng sinh cảnh độc đáo duy nhất ở khu vực ven biển đồng bằng sông Cửu Long với nhiều loài động, thực vật quý hiếm, khu vực này là một thắng cảnh của miền Tây. Quan trọng hơn, vùng núi đá, núi đá vôi Kiên Lương vừa được tổ chức UNESCO công nhận là một phần của khu dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang, nhưng không vì vậy mà làm chậm nhịp tay tàn sát thiên nhiên của con người. Theo ông Lê Văn Hiền, dù biện minh thế nào thì việc khai thác ồ ạt núi đá, núi đá vôi cũng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến khu dự trữ sinh quyển thế giới. Trong khi đó một cán bộ của tỉnh Kiên Giang nói, ngoài việc cấp phép khai thác núi ồ ạt, sắp tới một nhà máy nhiệt điện khổng lồ hoạt động, vùng đa dạng sinh học của khu dự trữ sinh quyển Kiên Lương có khả năng biến mất bởi tác động của quá trình khai thác khoáng sản và khói thải độc hại của nhà máy nhiệt điện. Những âu lo trên hoàn toàn có cơ sở, bởi hiện nay vùng núi đá vôi Kiên Lương chỉ còn rộng chưa đầy 3,6km2 nhưng là vùng núi đá vôi duy nhất ở phía nam Việt Nam với khoảng 21 hòn núi lớn nhỏ mọc lên trên vùng đầm lầy ngập nước ven biển, có tính đặc hữu và đa dạng sinh học riêng biệt. Khi nghe UBND tỉnh quy hoạch, cấp phép cho các nhà máy tiếp tục khai thác núi đá vôi Kiên Lương để sản xuất ximăng với tổng công suất thiết kế của các nhà máy hơn 8.200 tấn/năm trong thời hạn từ 2011 – 2020, nhiều người dân Kiên Lương buột miệng kêu trời vì trong tương lai không xa, vùng dự trữ sinh quyển ở khu vực này sẽ trở thành dĩ vãng.

Nguồn SGTT: http://sgtt.vn/thoi-su/133202/bai-1-nui-da-kien-luong-dang-bi-tan-diet.html