Bài 1: Lập kế hoạch tài chính cá nhân

SGTT.VN - Trong kế hoạch dự kiến thực hiện trong năm, thường có mục tiêu cụ thể về tài chính như để dành cho đám cưới, chuẩn bị sinh con... Thật ra, kiểm tra tình trạng sức khỏe tài chính là việc nên làm thường xuyên, để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp với thực tế. Việc lập kế hoạch quản lý chi tiêu ngay hôm nay sẽ giúp bạn tránh phải đối mặt với các vấn đề tài chính nghiêm trọng như vỡ nợ, phá sản trong tương lai.

LTS: Với mục đích giúp bạn đọc hệ thống lại những thói quen tài chính; cung cấp những kiến thức cơ bản và cách sử dụng các sản phẩm và dịch vụ tài chính ngân hàng để thực hiện tốt nhất kế hoạch tài chính cá nhân, chuyên mục “Tài chính cá nhân” với sự cộng tác của Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC (Việt Nam) sẽ đem lại những thông tin hữu ích để bạn có thể tạo lập, quản lý và nâng cao năng lực tài chính của mình. Tham gia xuyên suốt chuyên mục này, bạn sẽ tự mình giải đáp những câu hỏi như: - Thế nào là lập kế hoạch tài chính cá nhân? Một kế hoạch tài chính cá nhân tốt ảnh hưởng tích cực tới cuộc đời bạn như thế nào?- Khi nào nên bắt tay vào việc tiết kiệm? Tiết kiệm nên cân bằng với tiêu dùng như thế nào? - Những sản phẩm dịch vụ nào của ngân hàng có thể hỗ trợ cho kế hoạch tài chính cá nhân? Bạn đừng nghĩ việc lập kế hoạch tài chính hay lên ngân sách là công việc phức tạp, đòi hỏi kiến thức chuyên ngành. Trên thực tế, bạn chỉ cần ngồi xuống, liệt kê những khoản cần chi phí hàng tháng, đặt mục tiêu tài chính ngắn – trung – dài hạn, và quan trọng hơn là kiểm soát việc chi tiêu theo đúng kế hoạch. Một kế hoạch rõ ràng kết hợp với những sự lựa chọn đầu tư đúng, bạn có thể nghĩ tới cuộc sống tự chủ về tài chính. Để lập kế hoạch tài chính cá nhân, bạn cần hiểu rõ tình hình tài chính và nhu cầu của bản thân và gia đình. Đồng thời bạn phải hiểu rõ và quyết định các giải pháp tài chính để có thể thực hiện kế hoạch. Bạn nên xây dựng kế hoạch tài chính hàng tháng, rồi phát triển kế hoạch dài hơi hơn – hàng quý, nửa năm, một năm và vài năm. Với kế hoạch chi tiêu cơ bản hàng tháng, điều cần làm đầu tiên là xác định tổng thu nhập thực tế, nghĩa là khoản có được sau khi trừ đi các khoản thuế, bảo hiểm xã hội. Rồi bạn phải thống kê được mức chi cụ thể của mỗi tháng. Bạn nên phân thành hai loại chi phí: cố định và không cố định. Khoản đầu là mức phải chi ra đều đặn hàng tháng như tiền nhà, hóa đơn điện nước, tiền học cho con hoặc tiền bảo hiểm. Khoản không thường xuyên thường thay đổi như tiền mừng đám cưới, đi xem phim... Với khoản chi này, bạn nên lấy trung bình cộng của ba tháng. Một số người để dành khoản tiền dư ra sau mỗi cuối tháng để bỏ vào tài khoản tiết kiệm. Để chủ động hơn cho những kế hoạch dài hơi, bạn nên dành hẳn một phần thu nhập để tiết kiệm và xem đó cũng là một khoản chi phí cố định mỗi tháng. Hãy làm ra vẻ quên hẳn sự hiện diện của tài khoản tiết kiệm đó đi! Sau khi có đủ các con số về chi phí, thu nhập, các mục tiêu tiết kiệm của mình, bạn cần lập ngân sách và tuân thủ nghiêm chỉnh. Một khi bạn đã lập bảng kế hoạch chi tiêu này, bạn sẽ biết được tiền của mình đi đâu, vào những khoản mục nào. Đồng thời bạn sẽ dự liệu mình có thể tiết kiệm được bao nhiêu và trong bao lâu bạn có một khoản tiền để dành cho các kế hoạch cá nhân. Và từ bảng này, bạn sẽ biết mình nên cắt bỏ những khoản chi tiêu không cần thiết nào, giảm bớt và lên kế hoạch cho những khoản chi phí quá lớn, cơ cấu lại những khoản chi không thường xuyên để giảm sức nặng cho ngân sách gia đình. Để lập được kế hoạch chi tiêu, bạn phải làm quen với những thói quen chi tiêu tốt, biết và tránh bốn thói quen xấu dưới đây. Thứ nhất: “Vung tay quá trán”. Đôi khi bạn tự nhủ “xài hôm nay chớ để ngày mai” và cứ miệt mài quẹt thẻ tín dụng thì đó là dấu hiệu của vung tay quá trán. Hãy cẩn thận, trước khi bạn nhận thức được vấn đề thì tài khoản thẻ tín dụng đã dài sọc các con số phải thanh toán vào tháng sau. Mẹo thay đổi: Hãy mang theo bên mình một quyển sổ nhỏ và ghi chép tất cả những khoản chi, dù lớn hay nhỏ. Cuối tuần, khi nhìn lại, bạn sẽ hiểu mình đã “vung tay” tới đâu. Từ đó, bạn sẽ biết được khoản nào cần cắt hay điều chỉnh. Thứ hai: “Giật gấu vá vai”. Thói quen mượn nợ đầu này trả đầu kia sẽ khiến bạn suốt ngày loanh quanh với các khoản nợ. Mẹo thay đổi: Lúc này kế hoạch chi tiêu hàng tháng là liều thuốc giúp bạn từ bỏ thói quen. Luôn thành thật với bản thân mình, có nhiều xài nhiều, có ít xài ít và luôn quản lý việc chi tiêu trong khuôn khổ của ngân sách cho phép. Cân nhắc những khoản tiêu xài không cần thiết. Nhớ đưa vào kế hoạch các khoản vay. - Thứ ba: Chi không có kế hoạch thu. Vẫn xài thẻ tín dụng dù biết rằng bạn không có tiền và không có khoản thu nhập/dự trữ nào để trả. Mẹo thay đổi: Cân nhắc nghiêm túc liệu bạn có cần phải chi tiền cho món hàng đó. Tự đặt câu hỏi: Liệu món đó có thực sự cần thiết? Nếu không có món đồ đó thì bạn sẽ ra sao? Bạn có thể từ từ mua với khoản tiền để dành sắp tới? - Thứ tư: Chỉ thanh toán tối thiểu dư nợ cuối kỳ và vẫn tiếp tục sử dụng thẻ tín dụng. Thói quen này không chỉ làm dư nợ cuối kỳ của bạn tiếp tục tăng lên từ những khoản tiêu xài không thể kiểm soát được mà lãi suất cứ chồng chất thêm lên và tăng cao. Mẹo thay đổi: Kiểm soát chặt việc sử dụng thẻ tín dụng. Hãy ghi lại từng khoản mua bằng thẻ tín dụng vào sổ chi tiêu, lên kế hoạch chi tiêu khẩn cấp và bắt đầu thanh toán dư nợ cuối kỳ nhiều hơn mức tối thiểu. Nên nhớ rằng việc phát triển những thói quen mới cần thời gian thực hành thường xuyên. Tích cực kiểm soát tình hình tài chính của cá nhân và bạn không chỉ hiểu mà còn phải học yêu những thói quen tiêu xài tốt.

Nguồn SGTT: http://sgtt.vn/kinh-te/148228/bai-1-lap-ke-hoach-tai-chinh-ca-nhan.html