Bạch Long Vĩ - hòn ngọc nổi trên mặt biển

Như một dòng chảy ngược, mỗi dịp tết đến xuân về, nhiều người lại lặn lội trăm dặm tìm tới chốn phên giậu biên thùy, tận cùng miền biên cương, hải đảo. Năm nay, tôi cũng lại hòa lẫn trong dòng chảy ấy, để đến hòn đảo xa nhất trong vịnh Bắc Bộ mà đời mình chưa từng có dịp đặt chân.

Trong ký ức xa vời gần 20 năm về trước, tôi sợ sóng và sợ biển. Cơn say quăng quật, lăn lóc trên con tàu nhỏ vượt sóng cấp 7, cấp 8 cao quá mái nhà để đến đảo Cô Tô không dễ gì quên. Thời ấy “ngày đàng gang nước”, vịnh Hạ Long còn nhiều tàu buồm chạy bằng sức gió, tàu chạy máy không nhiều. Con tàu máy 135CV ra khơi gặp ngày biển động, nghiêng ngả trồi lên hụp xuống như chiếc bách giữa dòng. Sức lực tiêu tán, người rũ xuống như tàu lá héo. Khi chồm người ra cuối đuôi tàu để nôn sạch mật xanh mật vàng, trong đầu tôi khi ấy chỉ còn một ý nghĩ mỏng manh: Mình mà tuột tay rơi xuống biển thì chỉ có chết thôi.

Chuyến này tàu lớn, người lính biển bảo tôi rằng, quên sóng đi, đừng nghĩ gì về nó. Uống rượu nhiều vào, say rượu sẽ không còn say sóng. Tàu trườn qua những đận sóng dằn, rượu đựng trong chai Coca-Cola 1,25l để trên bàn sùng sục nhảy nhót cao tới non nửa gang tay, như đang bị đun sôi. Khi đầu óc đã được vỗ về vì rượu, mất hẳn cảm giác sợ sóng, sợ biển và gió buốt, nhìn ra trời khuya mênh mông, nhờ ánh sáng hắt xuống từ mạn tàu có thể thấy bọt biển lớp lớp nối đuôi nhau ngược hải trình xa mãi vào vô tận. Tôi như đang trôi đi trong một giấc mơ. Hết say cũng đã bình minh, tàu dừng sau chuyến chạy xuyên đêm, cập bến.

1.Bạch Long Vĩ có nghĩa là “đuôi rồng trắng”, từng có những tên gọi khác là Vô Thủy (đảo không nước), Hải Bào Châu (xứ sở của bào ngư), diện tích khi thủy triều lên cao nhất 1,78km2, khi thủy triều xuống thấp nhất 3,05km2. Là đảo nằm xa bờ nhất của Việt Nam trong vịnh Bắc Bộ, cách Hòn Dáu (Đồ Sơn, Hải Phòng) 110km, có tọa độ 20007’35” - 20008’38” Vĩ tuyến Bắc, 107042’20” - 107044’15” Kinh tuyến Đông. Từ trên cao nhìn xuống đảo hình tam giác không đều, như một lưỡi mác chạy theo hướng đông bắc - tây nam trên mặt biển, chu vi 6,5km, đỉnh cao nhất 61,5m so với mực nước biển trung bình. Địa hình ven bờ đảo thoai thoải, độ dốc thấp, nơi rộng nhất 500m, nơi hẹp nhất 10m, nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của khí hậu đại dương, đồng thời chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa. Mùa đông có gió mùa Đông Bắc, sức gió mạnh nhất 30m/s, mùa hè gió thổi theo nhiều hướng, sức gió mạnh nhất tối đa 50m/s. Nguồn nước ngọt khan hiếm, cho tới nay chưa có tài liệu nào nghiên cứu sâu về vấn đề này, nước từ 22 giếng đào gần đây chỉ đáp ứng được thường xuyên cho khoảng 1.000 cư dân.

Vùng biển Bạch Long Vĩ là một ngư trường lớn, tốt nhất cả về sản lượng, chất lượng hải sản và thời gian khai thác của vịnh Bắc Bộ, rộng 1.500 hải lý vuông, độ sâu trung bình 35-55m (nơi sâu nhất 60-70m), nền đáy tương đối bằng phẳng, thuận tiện cho việc đánh bắt. Cả vùng có tới 395 loài, 229 giống thuộc 105 họ hải sản, trong đó 61 loài có giá trị kinh tế cao: Bào ngư 30-40 tấn/năm, một tiền đề tốt để nuôi công nghiệp sau này; cá song và cá mú 40-50 tấn/năm; San hô 8 ngăn chứa chất prostagladina có tác dụng chống ung thư, có giá trị kinh tế cao trên thị trường thuốc chữa bệnh quốc tế.

Đất đai trên đảo phần lớn là đồi núi nhưng khá bằng phẳng, độ phì cao, rất thích hợp với việc phát triển một thảm thực vật đa dạng, có khoảng 30ha đất canh tác, là loại đất đen pha cát, dày 1,5-2m rất tốt cho sản xuất nông nghiệp. Trước đây cư dân trên đảo và bộ đội đã trồng có hiệu quả các cây: Cao lương, bí đỏ, bí đao, dưa hấu, rau muống, rau cải...

Đảo có một vị trí trung tâm, cách điểm du lịch ven bờ như Cô Tô, Hạ Long, Cát Bà, Đồ Sơn, Sầm Sơn, Trà Cổ trong tầm bay 1 - 1h30 bằng thủy phi cơ. Các tàu du lịch lữ hành có thể ghé vào đảo trong các hành trình xuyên biển. Kích thước đảo không quá nhỏ, có đủ không gian đồi, thềm, bãi cát biển, bãi tảng; cảnh quan thiên nhiên đẹp độc đáo, là một hòn đảo xanh nổi trên mặt biển xanh, sạch, đầy hấp dẫn và quyến rũ du khách.

Đảo có rặng san hô ngầm là một tài nguyên quý giá, một địa điểm lý tưởng để xây dựng thành khu bảo tồn thiên nhiên biển hay công viên biển cho du lịch sinh thái ngầm và du lịch khoa học. Bạch Long Vĩ là một trong số 15 khu bảo tồn thiên nhiên biển Việt Nam đã được đệ trình Chính phủ phê duyệt.

2. Năm 1887, Pháp ký với nhà Thanh hoạch định biên giới lãnh hải giữa Việt Nam và Trung Quốc, Bạch Long Vĩ thuộc chủ quyền của Việt Nam. Những năm đầu của thế kỷ XX, trên đảo vẫn không có cư dân sinh sống vì không có nước ngọt, chỉ là nơi trú bão của tàu đánh cá. Mãi đến năm 1920, khi tìm thấy nước ngọt, dân vùng Quảng Yên (Việt Nam) và Hải Nam (Trung Quốc) mới tới đây lập nghiệp.

Năm 1937, Vua Bảo Đại phái người đến lập đồn và thiết lập chế độ Lý trưởng trên đảo. Tháng 8.1945, Nhật đầu hàng đồng minh, Pháp quay lại Đông Dương khôi phục chế độ cai trị trên đảo. Hòa bình lập lại, ngày 15.2.1957, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 049-TTg quy định đảo Bạch Long Vĩ là một xã trực thuộc Ủy ban hành chính thành phố Hải Phòng. Cho đến trước ngày 5.8.1964, trên đảo có 160 hộ dân làm nghề đánh cá và bộ đội thuộc Đội 152 Quân khu Tả Ngạn canh giữ đảo.

Đại tá Nguyễn Trọng Bình - Tư lệnh Vùng 1 Hải quân - tặng quà tết cho
lãnh đạo UBND huyện Bạch Long Vĩ.

Sau “Sự kiện vịnh Bắc Bộ”, Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc, trước tình hình đó, đảo đã sơ tán, chuyển hết dân vào Cát Bà sinh sống, chỉ giữ lại lực lượng vũ trang và một số thanh niên trai tráng làm nhiệm vụ bảo vệ. Ngày 26.3.1965, vào lúc 13h15, nhiều tàu chiến Mỹ tiến vào gần Bạch Long Vĩ, đồng thời nhiều tốp máy bay phản lực của hải quân Mỹ lao tới, mở đợt đánh phá đầu tiên vào đảo. Song chúng đã bị đánh trả, một máy bay phản lực F4H bốc cháy lao thẳng xuống biển ngay trong trận đầu đụng độ.

Ngày 29.3.1965, không quân Mỹ huy động 42 lần chiếc máy bay phản lực của hải quân gồm F105, F101, F4H, AD6 đánh phá liên tục suốt 1 giờ 15 phút, phá hủy hơn 100 căn nhà của dân ở phía tây đảo, cày xới các thửa ruộng trồng cao lương, dưa hấu, giết hơn chục trâu, bò đang ăn cỏ trên nương, làm một kho đạn bị nổ. Bom Mỹ đã rơi trúng nóc hầm của tổ tổng đài thông tin, sát hại 8 người gồm 5 chiến sĩ và 3 nữ dân quân.

Trận này quân dân Bạch Long Vĩ đã anh dũng chiến đấu, bắn rơi 5 chiếc máy bay phản lực của Mỹ, làm nức lòng nhân dân cả nước. Cờ thưởng của Hồ Chủ tịch mang dòng chữ “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” đã vượt biển trao tặng cho xã đảo Bạch Long Vĩ 1 tháng sau đó, lúc 20h ngày 26.4.1965, dưới ánh đuốc. Để kịp thời động viên quân dân trên đảo, tháng 7.1965, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng cử đoàn quay phim quân đội và các văn nghệ sĩ ra tận nơi phục vụ, nhạc sĩ Huy Du đã sáng tác tại chỗ bài “Bạch Long Vĩ đảo quê hương” và trở thành bài ca đi cùng năm tháng.

Tổng cộng trong chiến tranh chống Mỹ, Bạch Long Vĩ hứng chịu hơn 3.000 tấn bom đạn, đánh trả 118 trận, bắn rơi 23 máy bay các loại, được mệnh danh là đảo tiền tiêu anh hùng, là chiến hạm không bao giờ chìm. Quân dân trên đảo đã nhận một bao đường vượt kế hoạch 6 triệu tấn do tự tay Chủ tịch Cuba Fidel Castro đóng gói và gửi tặng, đồng thời cũng gửi tặng lại ông một mảnh xác máy bay Mỹ có khắc chữ “Bạch Long Vĩ”.

Theo tàu về đất liền đón tết.

3. Bạch Long Vĩ trở thành huyện khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 106/TTg ngày 18.11.1992 và từ đây bắt đầu đưa 32 nam, 30 nữ thanh niên xung phong người Hải Phòng ra xây dựng huyện đảo. Ngày 27.3.1993, Huyện ủy lâm thời, UBND huyện lâm thời đã tổ chức lễ ra mắt chính thức tại Nhà Truyền thống của Trung đoàn 952, cuối buổi lễ có diễu binh, diễu hành, lần đầu tiên trên đảo có những tà áo dài màu sắc sặc sỡ tung bay trước gió. Sau đó là tuyển chọn đưa dân ra định cư lập nghiệp lâu dài, huyện về tận đảo Cát Hải xét chọn được 5 hộ ngư dân có đơn tình nguyện xin đi. Tiêu chuẩn mỗi hộ dân được cấp một ngôi nhà xây kiên cố, có giá trị từ 150 triệu đồng trở lên, hỗ trợ cho mỗi hộ 5 triệu đồng phục vụ sản xuất, mỗi khẩu 500.000 đồng để mua sắm tư trang và hưởng lương thực trong 3 năm với mức 15kg gạo/người/tháng theo giá thực tế ở đảo.

Cuối tháng 6.1993, đảo bắt đầu xây lắp trạm chuyển tiếp tín hiệu vệ tinh các chương trình của Đài Truyền hình Trung ương có bán kính phủ sóng 5km. Tháng 7.1993 bắt tay xây dựng 20 căn hộ để đón dân từ đất liền ra sinh sống. Huyện vào tỉnh Thanh Hóa, trực tiếp làm việc với UBND thị xã Sầm Sơn tuyển chọn được 5 hộ gồm 29 nhân khẩu có nghề đánh cá biển, tình nguyện đến lập nghiệp, định cư lâu dài.

Tháng 9.1994, Trường Tiểu học Mầm non Bạch Long Vĩ khai giảng năm học đầu tiên. Tháng 7.1995, Sở Y tế Hải Phòng ra Quyết định trưng dụng bác sĩ tăng cường cho huyện Bạch Long Vĩ, sau đó 1 năm, quyết định thành lập Phòng khám Đa khoa Bạch Long Vĩ. Đến năm 1998, huyện đã tuyển chọn được 4 đợt cư dân gồm 22 hộ, 97 khẩu, 46 lao động từ Hải Phòng, Thanh Hóa, Quảng Ninh về với đảo. Cuối năm 2000, Viện KSND huyện và Tòa án huyện mới được thành lập. Tháng 9.2001, tiếp nhận thêm 10 hộ, 37 nhân khẩu, 20 lao động của các huyện Thủy Nguyên, Tiên Lãng, Kiến Thụy đến định cư lập nghiệp.

Đầu năm 2002, đảo đón nhận tàu cao tốc vỏ hợp kim nhôm, mã lực 2.000CV, có sức chở từ 80-100 hành khách, vận tốc lớn nhất 24 hải lý/giờ được đóng mới hoàn toàn, nhằm rút ngắn khoảng cách giữa đất liền và đảo. Tháng 8.2002, Đội Thuế huyện mới được thành lập. Trong năm này, Phó Thủ tướng Vũ Khoan đến thăm đảo và đã làm ấm lòng người khi ông nói rằng “xin được làm một công dân danh dự của huyện đảo Bạch Long Vĩ”.

Tiếp tế cho lính đảo.

Ngay sau khi công trình Cảng và Khu neo đậu tàu được đưa vào hoạt động, ngư trường Bạch Long Vĩ sôi động hẳn lên, thu hút hàng trăm tàu thuyền đánh cá vươn khơi tìm đến. Tính đến cuối năm 2004 đã có 300 tàu, thuyền với 212 hộ, 305 nhân khẩu thường xuyên sống và làm việc trong âu cảng. Ngày 26.3.2004, Đền Bạch Long được khởi công xây dựng trên nền một ngôi miếu cũ, trong khuôn viên đất bằng phẳng cạnh biển có diện tích 3.800m2, đáp ứng nhu cầu tâm linh của đông đảo bà con. Đầu năm 2008, Trung tâm Y tế huyện được nâng cấp thành Bệnh viện Đa khoa, mỗi năm khám và điều trị cho khoảng 2.000 lượt bệnh nhân, xử lý nhiều ca nặng không phải chuyển về đất liền và làm tốt công tác phòng, chống các loại dịch bệnh.

Cơn bão số 10 (Parma) ngày 13.10.2009 là cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào Bạch Long Vĩ trong nhiều năm qua, khi trong cảng có 306 chiếc tàu đánh cá với 2.079 ngư dân các tỉnh từ Khánh Hòa trở ra neo đậu. Tâm bão đi qua với gió giật trên cấp 14-15 làm gãy đổ cột điện sức gió và cột truyền hình. Vì bão di chuyển chậm nên thiệt hại về vật chất lên tới 95,6 tỉ đồng, nhưng chỉ trong thời gian ngắn các hoạt động kinh tế - xã hội từng bước được phục hồi và hoạt động trở lại.

Ngày 31.3.2010, Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết không đi trực thăng ra đảo mà đi bằng tàu để trải nghiệm, chia sẻ và đồng cảm. Ông nói với quân dân huyện đảo: “Chúng ta không để bất cứ ai xâm phạm lãnh thổ của chúng ta, biển của chúng ta, hải đảo của chúng ta. Chúng ta sẽ không nhượng bộ, cho dù một tấc đất cho bất cứ ai”.

4.Ngày 23.2.2012, huyện động thổ xây dựng khu tâm linh thờ Phật Thích Ca Mâu Ni trên đỉnh đảo Bạch Long Vĩ, do các nhà hảo tâm cung tiến. Pho tượng Phật theo trường phái Ấn Độ, cao hơn 1m, được luyện từ đất, trong đó có một phần đất lấy từ đảo Bạch Long Vĩ. Tượng được đặt trong một tòa nhà cao hơn 7m làm hoàn toàn bằng gỗ lim, sân và tường bao làm bằng đá, mặt tượng quay về hướng đông. Khu tâm linh thờ Phật cùng với đền thờ Đức Thánh Trần, chùa Bạch Long đã tạo thành quần thể di tích văn hóa của đảo. 19 liệt sĩ ngã xuống tại Bạch Long Vĩ và 3 nữ dân quân Vân Khánh, Châu Cúc, Cẩm Tú đều được thờ tự chu đáo trong chốn thiêng liêng.

Báo cáo số 47 ngày 10.12.2015 về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh năm 2015, phương hướng nhiệm vụ năm 2016 của huyện cho thấy, tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế năm 2015 đạt 375,5 tỉ đồng, đạt 110,9% kế hoạch năm, tăng 11,9% so với năm 2014.

Năm 2015 đã sắp xếp cho 7.680 lượt phương tiện neo đậu trong khu vực âu cảng; dịch vụ bốc xếp, vận chuyển hàng hóa qua cảng đạt 38.000 tấn, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ. Tổng các nguồn thu trên địa bàn năm 2015 ước đạt 1.948 triệu đồng, đạt 100,06% kế hoạch năm, tăng 3,56% so với cùng kỳ; tổng huy động vốn cho đầu tư phát triển đạt 204 tỉ đồng, trong đó chủ yếu thuộc nguồn đầu tư ngân sách nhà nước. Huyện chủ trương tích cực khai thác các nguồn vốn, phối hợp chặt chẽ với các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình: Dự án đầu tư xây dựng cảng và khu neo đậu tàu phía tây bắc đảo; Dự án đóng mới tàu chở khách và hàng hóa ra đảo; Dự án cung cấp, lắp đặt máy phát điện diesel cho Trạm điện Bạch Long Vĩ...

Huyện chỉ đạo các lực lượng chức năng tích cực kiểm soát, ngăn chặn các hành vi khai thác thủy sản trái phép, tăng cường bảo vệ các rạn san hô quanh đảo, tạm dừng khai thác đối với một số loài hải sản đang có nguy cơ cạn kiệt, nhất là 22 loài hải sản đặc hữu, quý hiếm và có nguy cơ tuyệt chủng; khám và chữa bệnh cho 3.625 lượt người, trong đó điều trị nội trú 400 lượt người, ngoại trú 3.265 lượt người, chuyển viện 18 lượt bệnh nhân. Đặc biệt, lần đầu tiên Bệnh viện Đa khoa huyện đã triển khai thành công kỹ thuật truyền máu lâm sàng từ Ngân hàng máu sống cho bệnh nhân phải cấp cứu do đứt rời 3/4 cánh tay ngày 5.8.2015 tại đảo.

Trong năm 2015 đã phát hiện 5.672 lượt tàu cá Trung Quốc hoạt động cách đảo từ 3-36 hải lý, tăng 22 lượt chiếc so với cùng kỳ. Trong đó có 1.189 lượt chiếc vi phạm chủ quyền, khai thác trộm hải sản cách đảo từ 3-26 hải lý, giảm 169 lượt chiếc so với cùng kỳ. Khởi tố 2 vụ tàng trữ vật liệu nổ với 2 đối tượng, khởi tố điều tra 1 vụ trộm cắp tài sản, xử lý 2 vụ tai nạn giao thông, 2 vụ xác chết trôi, 1 vụ chết do đột tử; xử phạt vi phạm hành chính 28 vụ việc với 49 đối tượng và số tiền hơn 96 triệu đồng. Lễ hội Chùa lần đầu tiên được tổ chức trong năm 2015 tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong các tầng lớp nhân dân.

Chỉ cần bách bộ chừng gần 3 giờ đồng hồ là tôi đã có thể đi khắp đảo. Nhiều nơi rậm rạp, xanh mướt như rừng nhiệt đới. Là đảo tiền tiêu, tiền đồn quân sự, nên nhiều khu vực được bảo vệ nghiêm ngặt. Dẫn đoàn đi chuyến này, Đại tá Nguyễn Trọng Bình - Tư lệnh Vùng 1 Hải quân - nói rằng, ông đã cho phủ bạt lên một số thiết bị quân sự trọng yếu từ trước khi chúng tôi đến đây, để tránh mọi sơ suất không đáng có bởi ống kính máy quay, máy ảnh. Chuyện phải như thế mới hợp logic, luôn cần cẩn trọng để tổ quốc không bị bất ngờ.

Một người dân mở quán bán cà phê tại đảo nói rằng, có ngày gia đình thu được tới 10 triệu đồng. Một người khác cho biết, gia đình ông hiện sở hữu vài chục trâu, bò và hai tàu buôn bán dầu trong cảng. Một cán bộ huyện kể, những người được tuyển lựa ra đảo làm ăn sinh sống từ ngày ấy chưa ai bỏ Bạch Long Vĩ quay lại sống ở đất liền. Trên tường căn phòng họp của huyện, tôi còn nhìn thấy bản đồ quy hoạch Bạch Long Vĩ được treo trang trọng với một sân bay cắt vát qua phần chóp Đông Phương Đầu của đảo. Hẳn là đường băng ấy đã có trong đầu của những người Bạch Long Vĩ, từ rất lâu rồi.

Tàu rời đảo trong đêm, với khoang hàng hóa có thêm hơn 100 người dân đi nhờ về đất liền ăn tết. Chạy xa mãi rồi mà ngọn hải đăng trên đỉnh Bạch Long Vĩ vẫn không thôi chớp sáng ở phía đuôi tàu. Có người nói với tôi rằng, Bạch Long Vĩ còn có một tên gọi khác - Phù Thủy Châu - tức là hòn ngọc nổi trên mặt biển.

Theo Bộ đội Biên phòng Bạch Long Vĩ, trong năm 2015 có 1 tàu thăm dò, 2 tàu kéo, 1 giàn khoan của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam hoạt động gần đảo. Một giàn khoan Trung Quốc hoạt động cách đảo 46 hải lý trên hướng đông đông bắc cách đường phân định khoảng 4 hải lý về phía đông Trung Quốc. Các hoạt động trên đều diễn ra bình thường và được bảo vệ an toàn.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/phong-su/bach-long-vi-hon-ngoc-noi-tren-mat-bien-513204.bld