Bác Năm Công với quê hương Quảng Nam

Nhà lưu niệm đồng chí Võ Chí Công tại thôn Khương Mỹ, nơi giữ gìn các kỷ vật của bác Năm Công.

Bám sát chiến trường, giúp dân, đánh giặc

Điều gây ấn tượng với chúng tôi là con đường dẫn vào làng Khương Mỹ (xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành) như rộng hơn trước. Nhà cửa hai bên đường mọc lên san sát, mái ngói đỏ au nấp mình dưới những rặng cau, hàng dừa sum suê trái... Biết chúng tôi về tìm hiểu quê hương, xứ sở của đồng chí Võ Chí Công, ông Đoàn Tất Thắng (86 tuổi) nhà ở ven đường chỉ tay về phía khu vườn rộng trước mặt bảo: Kia là Nhà lưu niệm đồng chí Võ Chí Công, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước! Và theo ông Thắng, chính ngôi làng nhỏ bé này, cách đây, 100 năm trước, cậu bé Võ Toàn (tên thật của đồng chí Võ Chí Công) đã cất tiếng khóc chào đời... Bây giờ, đồng chí Võ Chí Công đã "đi xa" cách đây gần một năm, nhưng tình cảm của đồng chí đối với quê hương và tình cảm của cán bộ, chiến sĩ và người dân Quảng Nam đối với "anh Năm Công", bác Năm Công vẫn đong đầy, trĩu nặng...

Lịch sử cách mạng của Quảng Nam - Đà Nẵng đã minh chứng rằng: Trong những thời điểm khó khăn nhất của lịch sử, đồng chí Võ Chí Công đã xuất hiện đúng lúc; là người chỉ huy vững vàng, tin cậy nhất trong việc gìn giữ lực lượng, phát triển phong trào với những chỉ đạo sáng suốt, kịp thời. Đồng chí Nguyễn Văn Sỹ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam, cho biết: Vào cuối năm 1939, phong trào cách mạng trong tỉnh luôn bị địch đàn áp, truy lùng gắt gao, có lúc tưởng như thoái trào. Tuy nhiên, với sự che chở, đùm bọc của nhân dân, bác Năm Công đã khôi phục lại phong trào cách mạng và thành lập lại Phủ ủy Tam Kỳ, rồi Tỉnh ủy Quảng Nam và trực tiếp làm Bí thư Phủ ủy, Bí thư Tỉnh ủy.

Vào những năm chiến tranh ác liệt, cơ quan Tỉnh ủy phải di chuyển nhiều nơi... ở đâu, hoàn cảnh nào, bác cũng thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của mình. Điều cảm phục nhất là, khi bị địch bắt giam ở nhà lao Hội An, sau đó đày lên Buôn Ma Thuột, dù chế độ giam cầm ở nhà lao rất gắt gao, nhưng bác luôn tìm cách liên lạc nắm tình hình, chỉ đạo phong trào. Trong nhà tù, bác vẫn bí mật liên lạc với các anh em tù nhân cùng quê hương. Khi biết tin đồng chí Trần Văn Quế (là người Quảng Nam) được ra tù trước, bác đã giới thiệu lại các cơ sở đã xây dựng để bạn tù về lại quê bắt nối, xây dựng lại phong trào. Vào tháng 8- 1945, được cử về Hội An, sau khi xem xét tình hình, bác đã thống nhất với đề xuất của địa phương, phát động khởi nghĩa giành chính quyền ở Hội An.

Cách mạng Tháng Tám thành công, bác Năm Công được phân công làm Ủy trưởng Tư pháp, rồi Chính trị viên Chi đội 1 giải phóng quân Quảng Nam, trong hoàn cảnh bị thù trong giặc ngoài bao vây, uy hiếp. Năm 1952, bác được Liên khu ủy cử về làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng. Vừa về đến Quảng Nam, nhiều công việc phải tập trung giải quyết, trong đó, nhiệm vụ chống đói được đặt lên hàng đầu. Lúc này, bác đã quyết định chuyển nội dung một cuộc họp Tỉnh ủy sang bàn nhiệm vụ chống đói và quyết định xuất kho gạo dự trữ của tỉnh tại Tam Kỳ để cấp cho nhân dân; đồng thời củng cố bộ máy tổ chức, phân công lại cán bộ... Nhờ đó, bác tập hợp được cán bộ, đảng viên, xây dựng khối đại đoàn kết và phát huy được sức mạnh của nhân dân, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đi đến thắng lợi...

Các đồng chí công tác cùng thời kể lại: Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trên các cương vị Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Bí thư Liên khu ủy rồi Bí thư Khu ủy kiêm Chính ủy Quân khu V, bác Năm Công đã tham gia chỉ đạo phong trào cách mạng của địa phương từng bước vượt qua nhiều khó khăn, thách thức. Bác trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng căn cứ của Liên khu ủy tại: Bến Hiên, Bến Giằng, Trà My, Hiệp Đức... để lãnh đạo phong trào cách mạng.

Nặng lòng nỗi nhớ...quê hương

Khi nước nhà thống nhất, bác Năm Công được điều ra Trung ương giữ nhiều trọng trách của Đảng và Nhà nước. Mặc dù vậy, bác vẫn dành thời gian về thăm và làm việc với lãnh đạo tỉnh. Trong những lần về Quảng Nam, ngoài việc truyền đạt các quan điểm đường lối của Đảng, các chủ trương, chính sách của Nhà nước; chỉ đạo, nêu ý kiến giúp Đảng bộ hoàn thiện nhiều chủ trương, định hướng phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng Đảng, chính quyền, bác còn tranh thủ thăm nhiều Đảng bộ cơ sở, thăm các đồng chí lão thành cách mạng, các gia đình có công với nước, thăm và tìm hiểu tình hình sản xuất, đời sống của người dân ở địa phương và các vùng căn cứ kháng chiến.

Nguyên Bí thư Chi bộ thôn Khương Mỹ Nguyễn Ngọc Châu bộc bạch: Khi còn sống, nhiều lần đồng chí về thăm, động viên anh em trong chi bộ và luôn hỏi thăm về tình hình đời sống của bà con ở quê nhà. Và cứ mỗi lần đồng chí về thăm quê là mỗi lần Đảng bộ và nhân dân Quảng Nam như được tiếp thêm sức mạnh mới.

Đồng chí Vũ Ngọc Hoàng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo T.Ư (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam) nhớ lại: Lần cuối cùng về thăm quê hương, lúc đó tuổi đã rất cao, sức khỏe yếu nhiều, bác nghe lãnh đạo tỉnh trình bày báo cáo những kết quả, thành tích đạt được và phương hướng về phát triển kinh tế - xã hội... Hôm đó, các đồng chí lãnh đạo tỉnh không nói nhiều về khuyết điểm, yếu kém, vì không muốn để bác buồn, suy nghĩ nhiều, ảnh hưởng sức khỏe. Nghe xong, bác nói: Nghe các đồng chí nói đạt nhiều thành tích, thấy cũng mừng. Nhưng đó là các đồng chí nói, chúng ta nói, còn chưa nghe được nhân dân nói, hãy lắng nghe nhân dân nói thế nào, nhân dân đánh giá thế nào mới là quan trọng nhất. Sắp tới, lãnh đạo tỉnh dự định làm nhiều việc, đó là ý muốn của chúng ta, nhưng hãy xem xét thật kỹ trong đó vấn đề lợi ích của nhân dân ra sao, có tốt cho dân mới làm!...

Sau này, bác sống tại TP Hồ Chí Minh, mỗi khi có bà con hoặc các đồng chí lãnh đạo tỉnh vào thăm, bác Năm Công thường hỏi: Nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, miền núi của Quảng Nam hiện nay bữa ăn hằng ngày như thế nào, có đủ gạo ăn không, được mùa hay mất mùa, trẻ em có đi học không?... Nghe bác hỏi vậy, mà ai nấy cảm thấy nghẹn ngào... Các dịp lễ mừng ngày giải phóng quê hương, đón nhận danh hiệu cao quý, nếu không về được, bác đều gửi hoa và điện chúc mừng. Bác cũng dành một phần lương hưu của mình để đóng góp vào quỹ học bổng, xây dựng các công trình đền ơn đáp nghĩa, giúp nhân dân địa phương khắc phục hậu quả thiên tai...

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/chinh-tri/2.670/bac-n-m-cong-v-i-que-h-ng-qu-ng-nam-1.361463