Bác Hồ với điện ảnh quân đội

(VOV) - Đã hơn 40 năm kể từ ngày Người bước “vào cuộc trường sinh nhẹ cánh bay”, nhưng những kỷ niệm về Bác với hoạt động điện ảnh Việt Nam vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí Đại tá, đạo diễn Phạm Quốc Vinh…

Là một trong những người đặt nền móng cho Điện ảnh quân đội (sau đổi thành Xưởng phim Quân đội) với 30 năm gắn bó cùng Xưởng phim, Đại tá, đạo diễn Phạm Quốc Vinh cũng là một nghệ sĩ may mắn có nhiều dịp gặp Hồ Chủ tịch. Năm 1959, khi còn làm ở Bảo tàng Quân đội, ông Phạm Quốc Vinh đã vinh dự được tiếp Bác đến thăm Phòng Bảo tàng chiến dịch Điện Biên Phủ. Có mặt ở Xưởng phim Quân đội (XPQĐ) từ ngày đầu thành lập, ông cũng là người thường chỉ đạo quay phim các hoạt động về Bác và các vị trong Trung ương Đảng. Trong ngôi nhà nhỏ và thanh đạm của ông nằm sâu trong một ngõ nhỏ trên đường Đội Cấn (Hà Nội), vẫn treo những bức ảnh ông được gặp Hồ Chủ tịch, cả bức ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh chúc mừng đoàn làm phim tài liệu “Những giây phút cuối đời Bác Hồ” do ông vừa biên tập, vừa đạo diễn. Giữa bộn bề thiếu thốn sau chiến tranh, những nghệ sĩ của XPQĐ đã khẩn trương xây dựng bộ phim đầu tiên “Dưới cờ quyết thắng”, ra mắt đúng ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12/1959. Dẫu vô cùng bận rộn việc Đảng, việc nước, nhưng Hồ Chủ tịch vẫn dành hơn 1 giờ để xem bộ phim tài liệu đầu tiên của điện ảnh quân đội. Xem xong, Người khen ngợi và căn dặn: “Sau bộ phim này, cần có nhiều bộ phim khác nữa để động viên, giáo dục bộ đội xây dựng lớn mạnh và chiến đấu thắng lợi”. Đến năm 1961, những thước phim đầu tiên do chính các nhà quay phim quân đội ghi lại về Bác mới được thực hiện. Đó là dịp Bác đến dự Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn quân. Khi đó, XPQĐ mới thành lập nên còn thiếu thốn mọi về, chưa có cả máy quay nên phải thuê của Xưởng phim tài liệu thời sự Trung ương một chiếc máy quay KS. Với cả tấm lòng thành kính, những người làm điện ảnh quân đội đã ghi lại được những thước phim về Bác rất sinh động. Với tác phong thân mật, giản dị, Bác đến thăm các đơn vị quân đội thường không báo trước. Vì thế, khi Người đến, ai cũng bất ngờ và đều muốn được đến gần Bác. Khung cảnh đón Bác sôi động với những tiếng hô “Bác Hồ muôn năm!” vang dậy và náo nức. Đầu tháng 8/1964, ngay sau khi bộ đội ta bắn rơi máy bay Mỹ khi chúng leo thang đánh phá miền Bắc, Hồ Chủ tịch đã ký lệnh tặng thưởng Huân chương Quân công cho 10 đơn vị lập chiến công đầu. Tại buổi lễ mừng chiến thắng do Bộ Tổng Tư lệnh tổ chức, Hồ Chủ tịch đã đến, vẫn trong bộ ka-ki bạc màu giản dị. Ngay khi người bước vào, anh em phóng viên đã vây quanh, cố chen cho bằng được gần Bác để quay phim, chụp ảnh, gây ồn ào vào lúc Người chuẩn bị nói chuyện. Thấy vậy, Bác quay sang nhẹ nhàng hỏi các phóng viên: “Thế Bác nói chuyện hay các chú nói chuyện?”, khiến tất cả lặng lẽ lùi ra xa. Thế nhưng, sau khi Bác tuyên dương các đơn vị và đồng chí Trường Chinh đã trao thưởng, Bác cho gọi đồng chí Phùng Thế Tài và Nguyễn Bá Phát, đại biểu của lực lượng phòng không không quân và hải quân, đến cạnh và bảo: “Bây giờ thì các chú quay phim, chụp ảnh đi!” Tiếng hoan hô vang dậy và các phóng viên được dịp xô lại, thi nhau bấm máy. Đợi cho các phóng viên đã hoàn thành công việc, Bác mới hỏi: “Các chú đã xong chưa?” Lời hỏi ân cần và nụ cười trên môi Người làm sáng cả không gian và lắng lại trong tâm trí những ai có mặt hôm đó! Giữa tháng 11/1965, ông Phạm Quốc Vinh lại được cùng chiến sĩ quay phim Phạm Chơn vào Phủ Chủ tịch quay cảnh các Anh hùng Quân giải phóng Tạ Thị Kiều, Huỳnh Văn Đảnh, Trần Dưỡng và chiến sĩ thi đua Lê Chí Nguyện vào gặp Bác Hồ. Xe vừa dừng đã thấy Bác tươi cười bước về phía đàn con thân yêu đang ùa lại ôm chầm lấy Bác. Máy quay toàn cảnh Bác cùng các ông Phạm Hùng, Võ Nguyên Giáp và các đại biểu vừa đi vừa nói chuyện, Anh hùng Tạ Thị Kiều quá sung sướng vì được gặp Bác, đã gục đầu bên Bác khóc nức nở, và giọng Bác cũng nghẹn ngào… Những cảnh ghi lại được trong buổi gặp mặt không thể nào quên này đã được nhiều đạo diễn trong và ngoài nước rất thích và đã chọn dùng trong nhiều bộ phim. Thế nhưng, hình như Người không muốn để lại những hình ảnh buồn. Trong tang lễ Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Phát hiện có máy quay phim ghi lại cảnh Người lặng lẽ cúi xuống bên thi hài, Người lập tức ra hiệu dừng lại. Vì thế, những cảnh vô cùng xúc động khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp dìu Người rơm rớm nước mắt bên linh cữu Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, rồi cảnh Người đến bên vợ, con cố Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ân cần và dịu dàng thăm hỏi, chia buồn trước khi ra về, đã không được ghi lại./. Thanh Hằng ghi (Báo TNVN)

Nguồn VOV: http://vovnews.vn/home/bac-ho-voi-dien-anh-quan-doi/20105/143907.vov