Bác Giáp mất, nhớ ngày tang lễ Chủ tịch Hồ Chí Minh

(GDVN) - Hơn 40 năm sau ngày ra đi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 18 giờ 9 phút chiều ngày 4 tháng 10 năm 2013, người học trò xuất sắc của Chủ tịch, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trút hơi thở cuối cùng.

Bàn thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà riêng

18 giờ 9 phút chiều ngày 4 tháng 10 năm 2013 Đại tướng đầu tiên, Tổng tư lệnh tối cao Quân đội nhân dân Việt Nam Võ Nguyên Giáp qua đời tại Viện quân y 108 khi ông vừa qua tuổi 103. Tang lễ Đại tướng Võ Nguyên Giáp được tổ chức trọng thể theo nghi thức Quốc tang vào hai ngày 12 và 13/10.
Lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp được bắt đầu từ 14 giờ 30 phút ngày 6/10 kéo dài đến 12/6 tại nhà riêng ở 30 Hoàng Diệu (Hà Nội). Nghi thức này được tiến hành nhằm đáp ứng nguyện vọng của đông đảo người dân mong muốn được bày tỏ lòng thương nhớ về Đại tướng. Ngay từ khi biết tin Đại tướng qua đời, dòng người đổ về tiến biệt Đại tướng trước công tư gia ngày một dài thêm. Với niềm tiếc thương vô hạn, những giọt nước mắt không ngừng rơi khi nhớ đền người.

Dòng người vào viếng Đại tướng tại nhà riêng.

Gia quyến đại tướng Võ Nguyên Giáp

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người học trò đầu tiên và xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã tiếp tục sự nghiệp chiến đấu giành độc lập giải phóng đất nước. Còn nhớ hơn 40 năm về trước, vào hồi 9 giờ 47 phút sáng ngày 2 tháng 9 năm 1969 (tức ngày 21 tháng 7 âm lịch) tại thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trút hơi thở cuối cùng, hưởng thọ 79 tuổi. Do hoàn cảnh thời chiến, để tránh trùng với ngày Quốc khánh, ngày mất của Chủ tịch Hồ Chí Minh ban đầu được Ban Lãnh đạo Đảng công bố là ngày 3 tháng 9, đến năm 1989 mới công bố lại là ngày 2 tháng 9.
Hà Nội đã nhận được hơn 22.000 bức điện chia buồn từ 121 nước trên khắp thế giới. Nhiều nước trong khối xã hội chủ nghĩa đã tự tổ chức truy điệu và đưa ra những lời ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một tuyên bố chính thức từ Moskva đã gọi Hồ Chí Minh là một "người con vĩ đại của dân tộc Việt Nam anh hùng, nhà lãnh đạo xuất chúng của Cộng sản quốc tế và phong trào giải phóng dân tộc, và một người bạn lớn của Liên bang Xô Viết". Từ các nước Thế giới thứ ba, người ta ca ngợi ông trong vai trò của người bảo vệ những con người bị áp bức.

Một bài báo xuất bản ở Ấn Độ miêu tả ông là sự kết tinh của "nhân dân và hiện thân của khát vọng đấu tranh cho tự do và cho sự đấu tranh bền bỉ của nhân dân". Những bài báo khác đề cao phong cách giản dị và đạo đức cao của ông. Một bài xã luận trên một tờ báo của Uruguay viết: “Ông có một trái tim bao la như vũ trụ và tình yêu trẻ thơ vô bờ bến. Ông là hình mẫu của sự giản dị trong mọi mặt”.

Cùng tưởng nhớ lại những giây phút lịch sử của dân tộc cách đây hơn 40 năm trong lúc cả triệu dân Việt đang tiếc thương khi phải tiễn biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp:

Quang cảnh lễ tang chủ tich Hồ Chí Minh. (Ảnh tư liệu)

Đoàn người vào viếng Bác.

Bạn bè quốc tế đến từ hơn 50 quốc gia viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Bí thư thứ nhất Lê Duẩn đọc điếu văn.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong tang lễ Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Những giọt nước mắt của các cháu thiếu nhi trong tang lễ Bác.

Đại tướng chia sẻ nỗi mất mát với đồng bào.

Bác sĩ Trần Duy Hưng an ủi một cháu bé trong lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh.

* Trong bài tòa soạn có sử dụng những hình ảnh tư liệu...

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/xa-hoi/bac-giap-mat-nho-ngay-tang-le-chu-tich-ho-chi-minh/319765.gd