Ba lần đánh thắng quân Nguyên Mông

ICTnews - Mỗi triều đại có thịnh có suy. Nhà Lý truyền ngôi đến đời thứ 9 là Lý Chiêu Hoàng thì triều đại chuyển sang họ Trần. Nhà Trần vẫn xây dựng hoàng thành trên nền cũ của triều Lý. Đất nước vẫn mang tên Đại Việt, tiếp tục phát triển rực rỡ hơn về mọi mặt và lập nên chiến công vang dội ba lần đánh thắng quân Nguyên Mông.

Quân Nguyên xâm lược Đại Việt lần thứ nhất (Tranh minh họa). Trần Cảnh được Lý Chiêu Hoàng “nhường ngôi” khi mới lên 8 tuổi. Tất cả việc triều chính trong tay điều hành của Thái sư Trần Thủ Độ. Đôi vợ chồng trẻ lấy nhau 12 năm chưa có con, nhà vua lại bị ép bỏ vợ để lấy bà chị dâu đã có thai (vợ Trần Liễu). Cảm thấy bị xúc phạm, Trần Thái Tông đã bỏ kinh thành lên núi Yên Tử định đi tu. Nhưng vì tấm lòng với dân với nước, nhà vua đã trở lại ngai vàng và sau này trở nên một vị minh quân. Ban đầu giữa Trần Liễu, Trần Cảnh có khúc mắc, nhưng họ đã biết hòa giải, anh em đồng lòng thân ái “gác chân lên nhau mà ngủ”. Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông cũng đều là những vị vua sáng. Đồng thời, triều đại này cũng sản sinh nhiều vị tướng tài, tiêu biểu nhất là người anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo và rất nhiều danh tướng như Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư, Trần Quốc Toản, Trần Bình Trọng… Năm 1232, nhà Trần đặt học vị Thái học sinh. Năm 1247 đặt ra danh vị Tam nguyên: Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa. Các cuộc thi cử đã phát hiện nhiều nhân tài cho đất nước. Lê Văn Hưu viết bộ chính sử Đại Việt sử ký. Năm 1256 sông Tô Lịch lại được nạo vét phong quang, trên bến dưới thuyền. Khi vua cha đang còn khỏe mạnh, minh mẫn đã nhường ngôi cho con, còn mình lên làm Thượng hoàng nhằm mục đích đào tạo các vua trẻ tập dượt làm quen với việc triều chính. Lịch sử thế giới ghi nhận, vào thế kỷ 13 quân Nguyên Mông được coi là đội quân vô địch, tung vó ngựa từ đông sang tây, đến đâu nơi đó đều bị giày xéo và khuất phục. Ấy vậy mà đội quân ấy đã bị chặn lại ở đất nước Đại Việt nhỏ bé, không chỉ một mà tới ba lần. Lần thứ nhất, năm 1257 Hốt Tất Liệt sai sứ sang dụ hàng, Trần Thái Tông ra lệnh bắt giam sứ giả và truyền lệnh cả nước sẵn sàng đánh giặc. Cuối năm đó Hốt Tất Liệt cử Ngột Lương Hợp Thai chỉ huy 10 vạn quân sang đánh chiếm nước ta. Trần Thủ Độ khẳng khái tâu với vua: “Đầu tôi chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo”. Trước thế giặc mạnh, đại binh của vua Trần rút lui khỏi kinh thành để Thăng Long vườn không nhà trống, lui về giữ Mạn Trò trên sông Thiên Mạc. Cuối tháng 1/1258, đích thân vua Trần Thái Tông chỉ huy đội quân đem binh thuyền trở về phản công ở Đông Bộ Đầu đánh bật quân giặc ra khỏi Thăng Long, buộc chúng rút chạy về Vân Nam. Lần thứ hai, tháng 1/1284 vua Nguyên sai thái tử Thoát Hoan đích thân đem 50 vạn quân sang đánh nước ta. Thêm 10 vạn quân do Toa Đô đánh từ phía nam ra. Vua Trần tập hợp Hội nghị Diên Hồng, muôn người như một thét vang một tiếng “Đánh”. Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn được cử giữ chức Quốc Công tiết chế ban “Hịch Tướng sĩ” để khích lệ quân dân tướng sĩ đồng lòng giết giặc cứu nước. Để bảo toàn lực lượng, Thăng Long lại một lần nữa bỏ ngỏ cho quân giặc tiến vào, Thoát Hoan đóng quân tại bờ bắc sông Hồng. An Tư công chúa phải đem thân dâng cho Thoát Hoan để làm chùng khí thế quân giặc. Sau nửa năm, quân dân nhà Trần mở đợt tổng tiến công đánh vỗ mặt quân thù tại Chương Dương, Hàm Tử, Tây Kết, Vạn Kiếp. Toa Đô, Lý Hằng, Lý Quán bị chém đầu tại trận, Thoát Hoan phải chui ống đồng chạy về nước. Chưa chịu ôm mối nhục, lần thứ ba quân Nguyên vẫn do Thoát Hoan cầm đầu một lần nữa ồ ạt kéo sang định làm cỏ nước Việt. Một lần nữa, hai vua Trần lại cùng triều thần bỏ trống Thăng Long thành lui dần về hạ lưu sông Hồng. Quân ta phục kích đánh chặn đoàn thuyền chở lương do Trương Văn Hổ chỉ huy, cắt đứt đường tiếp tế lương thực của giặc. Quân giặc hết lương thực, hoảng loạn, Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp được lệnh theo đường thủy kéo quân về nước. Đoàn thuyền giặc sa vào bãi cọc trên sông Bạch Đằng do Trần Hưng Đạo đã bài binh bố trận từ trước. Quân giặc bị chết và bị bắt nhiều vô kể, Ô Mã Nhi, Tích Lệ Cơ Ngọc, Phàn Tiếp bị bắt sống cùng với hơn 400 chiến thuyền giặc. Thoát Hoan hoảng hốt rút quân qua ải Nội Bàng, bỏ rơi cả quân sĩ để thoát thân về nước. Đất nước giải phóng, Thăng Long hát khúc khải hoàn. Hồ Quý Ly là người có tài làm quan dưới triều Trần Nghệ Tông, được vua tin yêu gả công chúa, thăng tới chức Đồng Bình Chương sự (Tể tướng). Khi Trần Nghệ Tông mất, tất cả quyền hành rơi vào tay ông. Hồ Quý Ly cho xây thành Tây Đô ở Thanh Hóa (nay thường gọi là Thành Nhà Hồ), ép vua dời đô về đấy. Và như vậy, thành Thăng Long được gọi là Đông Đô. Sau đó Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần, đổi tên nước là Đại Ngu, chính thức định đô tại Tây Đô. Hồ Quý Ly truyền ngôi cho Hồ Hán Thương là đời thứ hai, tất cả chỉ kéo dài trong 7 năm. Đó là triều đại ngắn nhất trong lịch sử thời phong kiến tự chủ của nước ta. Hồ Quý Ly là người tài năng lỗi lạc, đề ra nhiều cải cách táo bạo để thay đổi nền nếp lạc hậu, chấn hưng đất nước, nhưng ông đã đi trước thời đại quá sớm, gặp phải sức chống đối mạnh mẽ của hệ thống quan lại và không được lòng dân. Nhân cơ hội đó nhà Minh đem quân sang xâm lược nước ta, cha con Hồ Quý Ly bị giặc bắt và đất nước rơi vào cảnh lầm than.

Nguồn ICTNews: http://ictnews.vn/Home/1000-nam-Thang-Long/Ba-lan-danh-thang-quan-Nguyen-Mong/2010/10/3MSVC10232338/View.htm