Bà Rịa - Vũng Tàu: Nghề mới, hiệu quả kinh tế cao: Nuôi động vật rừng

Nhiều năm trở lại đây, mô hình nuôi động vật rừng tại các hộ gia đình trong tỉnh phát triển mạnh. Nhiều gia đình làm giàu nhờ vào việc gây nuôi động vật rừng.

Dễ nuôi, dễ bán Giới thiệu về những chú trăn đang nằm cuộn mình trong những chiếc lồng sắt chắc chắn, ông Phạm Hồng Phúc, ở Ấp Nam, xã Hòa Long, thị xã Bà Rịa nói: “Trăn vốn là loài động vật rất hiền, chỉ khi bị tấn công hoặc bị làm giật mình, trăn mới phản công để phòng vệ”. Ông Phúc say sưa kể về những ngày vợ chồng ông quyết định chọn con vật nuôi đầy mạo hiểm này. Năm 2004, ông xuống miền Tây mua 100 con trăn giống về nuôi, với số tiền hơn 20 triệu đồng. Sau 5 năm, thu nhập từ tiền bán da trăn thu được bình quân 10 triệu đồng/con. Cộng với tiền bán trăn giống, sau khi trừ chi phí ông Phúc có lãi từ 200-300 triệu đồng/năm. Ông Phúc cho biết: “Nuôi trăn nhàn và ít tốn công chăm sóc so với những loại vật nuôi khác. Từ một tuần đến 10 ngày mới cho ăn một lần. Thức ăn cho trăn lúc còn nhỏ chủ yếu là chim cút, khi trăn bắt đầu có thể lấy da thì tất cả các loại động vật có lông vũ như chim cút, gà, vịt..., miễn là còn sống trăn đều ăn được”. Ông Trần Phức, ở ấp Tây, xã Hòa Long, thị xã Bà Rịa lại chọn mô hình nuôi nhím sinh sản. Hiện trang trại của ông có 28 con nhím bố mẹ. Theo tính toán của ông, 1 cặp trung bình mỗi năm đẻ 2 lứa, mỗi lứa từ 1 đến 3 con. Như vậy, mỗi năm trại nhím của ông Phức cung cấp từ 20 đến 40 con nhím giống. Với giá bán 1 cặp nhím giống 2 tháng tuổi 7-8 triệu đồng, sau khi trừ chi phí mỗi năm gia đình ông Phức có lời hơn 200 triệu đồng. Theo ông Phức, nhím là loài vật rất dễ nuôi ít khi bị bệnh, đầu ra thuận tiện (hơn 5 năm nuôi nhím nhưng ông chưa bao giờ thấy nhím bị bệnh). Nuôi nhím không cần diện tích chuồng trại lớn. Trung bình 1 cặp chỉ cần 1,5 m2, không gây ô nhiễm môi trường, phù hợp với nhiều hộ nông dân ở nông thôn và thành thị. Ở ấp Phước Lăng, xã Tam Phước, huyện Long Điền có anh Tạ Văn Tân nổi tiếng với nghề nuôi cá sấu và heo rừng. Hiện tại, trang trại anh Tân có 2.100 con cá sấu, 300 con heo rừng. Mỗi năm gia đình anh Tân thu được hơn 200 triệu đồng tiền lãi từ mô hình trang trại nuôi động vật rừng. Cần tăng cường công tác quản lý Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bà Rịa - Vũng tàu cho biết, hiện nay toàn tỉnh có 143 hộ gia đình nuôi động vật rừng với 13.419 cá thể. Trong đó, 19 hộ nuôi cá sấu, 86 hộ nuôi nhím, 3 hộ nuôi trăn, 10 hộ nuôi heo rừng, 3 hộ nuôi nai, 4 hộ nuôi rắn ráo trâu, 2 hộ nuôi kỳ đà. Các hộ gây nuôi đều với mục đích sinh sản và thương mại, động vật gây nuôi có giấy tờ nguồn gốc rõ ràng… Theo đánh giá của ngành kiểm lâm, các loại động vật rừng được gây nuôi sinh trưởng và phát triển tốt, ít xảy ra dịch bệnh đem lại hiệu quả kinh tế cao. Bình quân các hộ nuôi động vật rừng đều có thu nhập từ 200 triệu đồng đến 500 triệu đồng/năm. Theo ông Ngô Thanh Quang, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, nuôi động vật rừng có ý nghĩa quan trọng góp phần việc bảo vệ động vật hoang dã, đồng thời đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi. Tuy nhiên, do các loại động vật rừng có bản năng hoang dã, nên nếu người nuôi không tuân thủ theo quy định an toàn, bảo vệ và phát triển thì việc gây nuôi động vật rừng có nguy cơ ảnh hưởng đến sự an toàn cho con người và môi trường xung quanh. Vì vậy, theo khuyến cáo của ngành kiểm lâm, các hộ gây nuôi phải có phương án gây nuôi, chuồng trại bảo đảm theo quy định, nhất là các loài động vật hung dữ như: gấu, trăn, cá sấu… Hiện nay, phong trào nuôi động vật rừng phát triển còn mang tính chất nhỏ lẻ tự phát, ngoài một số hộ nuôi heo rừng với số lượng lớn thuộc quy mô trang trại thì các loại vật nuôi còn lại chủ yếu là ở quy mô hộ gia đình, gây khó khăn trong việc quản lý cho các địa phương; sản phẩm gây nuôi chủ yếu được các hộ tiêu thụ trôi nổi trên thị trường nên hiệu quả kinh tế chưa tương xứng. (Sở KH&CN Bà Rịa - Vũng Tàu)

Nguồn HĐKH: http://www.tchdkh.org.vn/ttchitiet.asp?code=11590