'Bà Hai' và Food photography: 'Nghề chơi' rất lắm đam mê

'Bà Hai' và Food photography: 'Nghề chơi' rất lắm đam mê

Xem một số món ăn chị Hai dành cho Đẹp Online

Chị tên thật là Vũ Nga với nickname Bà Hai Hậu Giang trên Facebook hay nguoiyeuamthuc trên Flickr và Góc bếp Richangyinshi ở blogspot.

Vẻ đẹp của những bức ảnh ẩm thực của chị Hai có thể gói gọn trong từ “Mộc”. Sự cuốn hút trong những bức ảnh của chị là đến từ sự mộc mạc, giản dị và gần gũi.

Cùng Đẹp Online lắng nghe những chia sẻ của chị về niềm đam mê nấu nướng cũng như chụp ảnh food (Food photography) nhé.

“Muốn chụp được một tấm ảnh food đẹp, có hồn, ngoài việc yêu thích nấu nướng thì còn phải có sự đam mê thật sự với ảnh ẩm thực” – Bà Hai Hậu Giang

– Chị sống ở Úc tính đến nay là bao nhiêu năm?

– Mình đã sống ở Úc được 15 năm rồi đấy.

– Từ đâu mà chị lại mê mệt với bếp núc đến vậy?

– Niềm đam mê ẩm thực của mình bắt đầu từ khi mình đặt chân đến nước Úc. Lúc mới qua đây, tất cả các thói quen từ ăn uống trở đi đều thay đổi. Ví như ngày trước lúc còn ở Việt Nam, buổi sáng, mình thường dậy sớm chuẩn bị đi làm, trước khi vào công sở, mình thường ghé hàng quán để ăn, nhưng khi đến Úc thì thói quen ăn sáng ở hàng quán không còn nữa, thay vào đó mình phải tự nấu món ăn sáng tại nhà. Tất cả những món ăn sáng, trưa, chiều mình đều phải tự chuẩn bị và nấu. Không biết từ khi nào nấu nướng đối với mình đã trở thành thói quen và mình ngày càng yêu thích nó.

– Nấu nướng và bày biện chụp ảnh ngốn rất nhiều thời gian, chị làm sao sắp xếp mọi việc để thỏa niềm đam mê?

– Mình chỉ nấu những món ăn cầu kỳ vào những dịp như ngày nghỉ, lễ, tết nhất, sinh nhật con thôi. Những ngày như thế mình thường làm nhiều món để mời bạn bè tới ăn cho vui và luôn tiện mình có cơ hội được “tác nghiệp” ảnh.

Còn với bữa cơm hàng ngày, mình thường mất khoảng 30 phút thôi. Thường sẽ có 2 món chính và một món canh đơn giản, ví như hôm nay ăn thịt kho thì mình sẽ kèm thêm một món rau luộc hoặc xào, món canh bí hoặc canh cà chua nấu trứng.

Chị Hai đã mày mò tự làm rất nhiều những món ăn đậm đà chất Việt.
Sở thích của chị là cầm máy ảnh mọi lúc có thể chụp những gì liên quan tới ẩm thực và vườn tược

– Chị đã làm rất nhiều món ăn độc đáo và dân dã thuần Việt mà ít food blogger Việt làm như bánh men, bánh tai heo, bánh tổ, bánh ú tro…? Chị đã học chúng từ đâu vậy?

– Có những món ăn mình học từ sách vở và có những món ăn mình ăn từ lúc bé, nhớ lại và làm theo khẩu vị. Ở Úc không phải món nào cũng có bán ở ngoài hàng, nênnhững món nào thèm ăn mà ở ngoài không có bán hay có bán nhưng không hợp khấu vị, mình sẽ hỏi mẹ hoặc bạn bè để biết cách nấu.

– Chị chụp ảnh food rất đẹp. Mọi thứ chị chụp luôn toát lên sự mộc mạc nhưng lại vô cùng thu hút. Chị bắt đầu chụp ảnh food từ khi nào vậy?

– Mình bắt đầu tập chụp ảnh food cách đây khoảng 8 năm. Lúc đó, tình cờ, mình tham gia vào một trang web ẩm thực, thấy mọi người tự nấu rồi tự chụp và chia sẻ các món ăn qua hình ảnh, mình cũng học làm như thế. Mình đã từng chia sẻ việc nấu nướng chụp ảnh qua blog Yahoo 360, rồi sau này có thêm vài trang khác nhưng giờ thì chỉ có Góc bếp Richangyinshi thôi.

Chị là tác giả của rất nhiều bức ảnh lowkey (chụp ảnh dưới ánh sáng yếu) cực kỳ đẹp mắt

– Mất bao lâu để chị có thể định hình cho mình một phong cách nấu nướng cũng như phong cách chụp ảnh thực sự?

– Nói chung cách nấu nướng của mình cũng khá đơn giản, không cầu kỳ, đôi khi, tủ lạnh có gì thì nấu nấy. Cách chụp ảnh ẩm thực của mình cũng vậy, mình thiên về cách chụp ảnh mộc hơn là sắp xếp công phu. Có hôm vừa nấu xong một món là mình để lên bàn, thêm đôi đũa hay cái chén, cây muỗng và rồi bấm máy. Những hình ảnh các món ăn mình chụp thường là những món ăn hàng ngày của gia đình, kể cả bánh trái. Nói về chụp ảnh món ăn, mình mất khá nhiều thời gian để học hỏi từ những trang web rồi sau đó tự mày mò, sáng tạo. Thời gian đầu mới tập chụp ảnh food, hầu như ngày nào mình cũng dành một buổi để tập chụp. Chỉ đơn giản là chụp một tách trà sáng thôi, mà có khi mình chụp tới chụp lui để canh ánh sáng, bố cục và góc chụp đấy.

– Có rất nhiều người chụp ảnh food, nhưng không phải ai cũng có thể chụp một bức ảnh có hồn, theo chị, làm thế nào để chụp được một bức ảnh food đẹp?

– Mình nghĩ muốn chụp được một tấm ảnh food đẹp, có hồn, ngoài việc yêu thích nấu nướng thì mình còn phải có sự đam mê thật sự với ảnh ẩm thực. Phải say mê lắm thì mới thổi được cái “hồn” vào bức ảnh.

– Chụp ảnh food, ngoài việc đầu tư máy móc, dụng cụ chụp, còn phải đầu tư rất nhiều vào props (đồ dùng trang trí, phụ trợ như thìa, đĩa, dĩa, bát, các loại đồ dùng liên quan… – PV), tôi không nhầm thì chị có hẳn cả một “kho”?

– Đúng là chụp ảnh món ăn phải có props và cần dùng đúng props thì mới đẹp được. Chẳng hạn như món cá kho, nếu để trong một chiếc chảo sâu lòng thì e là không hợp chút nào, thay vào đó là một chiếc thố đất thì rất tuyệt. Đa số “dân” chụp ảnh food đều thích săn props, thấy cái nào hay hay đều nhặt nhạnh về. Chúng tôi vẫn hay đùa nhau chúng ta là “đồng nát” đấy.

Bản thân mình cũng không nhớ là có bao nhiêu props chụp hình nữa. Thỉnh thoảng muốn làm món gì đó để chụp hình mà không tìm thấy props phù hợp là lại phải gác lại để mua được props cái đã. Cũng kha khá những món đắt đỏ đấy. Mình đi đâu cũng ngó nghiêng để mua nên ông xã đã phải mua hẳn cho hai cái kệ để đựng props đấy.

Chị rất thích “săn” những prop chụp hình lạ mắt. Props là những tài sản vô giá với chị.

– Hình như có nơi mời chị hợp tác để ra sách, nhưng có vẻ như chị vẫn chưa bắt đầu?

– Công việc hiện tại quá bận rộn nên mình tạm “gác” việc ra sách sang một bên. Một cuốn sách hay ra đời cần có thời gian, từ việc chọn món, nấu nướng, chụp ảnh rồi cả viết lách nữa, mình tạm thời chưa sắp xếp được. Nhưng chắc chắn mình sẽ cố gắng để ra cuốn sách của riêng “Bà Hai” trong tương lai.

Chị Hai trong tôi là…

Tôi không còn tham gia Facebook, nhưng tôi vẫn cảm ơn nó, vì ở đây, tôi đã gặp gỡ được những người mà tôi gọi là “gia đình thứ hai” của mình, những người đã giúp đỡ và có ảnh hưởng đến tôi về nhiều mặt trong cuộc sống. Và chị Nga – “Bà Hai Hậu Giang”, là một trong những người mà tôi yêu quý nhất.

Khi ấy, tôi bắt đầu chụp ảnh và tham gia vào mạng xã hội chia sẻ ảnh Flickr, tình cờ, hay có lẽ gọi là “duyên”, tôi “gặp” chị Hai. Tôi còn nhớ rõ những bức ảnh đầu tiên khi tôi biết chị. Đó là những bức ảnh món ăn còn rất thô mộc nhưng lại tràn đầy tình cảm.

Năm 2010, tôi đến Melbourne theo đuổi con đường học vấn. Tuy biết chị cũng ở thành phố này nhưng mãi đến 3 năm sau đó chúng tôi mới gặp nhau. Khu vực phía Tây Melbourne có hai khu chợ Việt rất nổi tiếng mà tôi hay mua thức ăn mỗi cuối tuần. Tôi vẫn thường gặpchị ở đây vì cả hai đều dành buổi sáng cuối tuần để đi chợ mua thực phẩm. Chị Hai như một người chị lớn của tôi, chúng tôi trao đổi với nhau nhiều về những món ăn trên khu thảo luận Facebook cũng như những lần họp mặt. Tôi rất khâm phục chị, vì dù hơn tôi nhiều tuổi, lại phải tất bật chồng con, nhưng chị lúc nào cũng vui vẻ và dễ gần, lúc nào cũng luôn chân, luôn tay trong căn bếp và mảnh vườn của mình.

Tôi, chị Hai, và chị Lili (Muối blog) thường hay tổ chức những buổi nấu ăn theo chủ đề nho nhỏ, rồi lại bày biện chụp ảnh. Người này chỉ cho người kia một chút về công thức món ăn hay hoặc những kỹ thuật chụp ảnh. Chị Hai rất giỏi nấu đồ ăn châu Á, nhất là đồ Việt và đồ Hoa. Những món nào cần sựtỉ mẩn,khéo léo thì khó ai qua được chị. Ngoài tìm tòi, sưu tầm công thức nấu ăn, chị Hai cũng rất thích “nhặt nhạnh” đồ dùng nhà bếp và đồ trang trí chụp ảnh. Ít người Việt nào ở trời Tây lại có đủ “đồ nghề” bếp núc như chị, chị có từ cái xửng hấp bánh bao, đến cả cái chảo lớn dùng để xào thức ăn và đổ bánh xèo. Ở Việt Nam, những món đồ này xem như rất bình thường, nhưng ở xứ người thì lại đắt đỏ, giá thành gấp mấy lần so với những loại nồi, chảo Tây thông thường. Có lần cả ba chị em cùng ngồi tiếc rẻ cái chảo hấp bánh khọt bằng đất nung ở một tiệm đồ bếp vì giá quá đắt (đâu đó trên 50 đô la Úc). Chị Hai cũng là người chỉ tôi cách gói nhiều thứ bánh đẹp (nhưng mãi thì tôi cũng chỉ gói được bánh bao và sủi cảo mà thôi). Về ảnh food mà nói, kỹ thuật chụp low key (một kỹ thuật chụp ảnh với nguồn sáng yếu) thì tôi chưa gặp ai “qua mặt” được chị Hai cả.

Người ta hay nói phụ nữ đến tuổi trung niên thì như đóa hoađã bắt đầu tàn, nhưng với chị Hai, có lẽ nên ví chị như hũ rượu lâu năm, càng thâm niên lại càng đậm đà. Chị vừa đi làm, vừa quán xuyến gia đình, lại còn tự mình trồng một mảnh vườn rộng với đủ thứ rau, bí, chanh, tắc…; khi có thời gian rảnh vẫn chụp ảnh, tập làm những món mới. Chị đã tiếp cho chúng tôi rất nhiều cảm hứng trong việc nấu nướng và chụp ảnh.

(Alex Trần, tác giả cuốn “Chuyện bếp”)

Nguồn Đẹp: http://dep.com.vn/Gia-dinh/Ba-Hai-va-Food-photography-Nghe-choi-rat-lam-dam-me/38210.dep