Áp dụng xử phạt người đi bộ: Còn là bài toán khó

Xử phạt người đi bộ là một quy định mới được áp dụng, đã không chỉ gây nhiều bỡ ngỡ cho người dân mà còn đang tạo ra một bài toán khó cho cả 2 phía trong việc áp dụng Nghị định ra đời từ năm 2013 này.

Xử phạt người đi bộ là một quy định mới được áp dụng, đã không chỉ gây nhiều bỡ ngỡ cho người dân mà còn đang tạo ra một bài toán khó cho cả 2 phía trong việc áp dụng Nghị định ra đời từ năm 2013 này.

Điều 9 Nghị định 171/2013/NĐ – CP ngày 13/11/2013 Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt: Xử phạt người đi bộ vi phạm quy tắc giao thông đường bộ

1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 60.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không đi đúng phần đường quy định, trừ hành vi vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này;

b) Không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường;

c) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, người kiểm soát giao thông.

2. Phạt tiền từ 60.000 đồng đến 80.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Mang, vác vật cồng kềnh gây cản trở giao thông;

b) Vượt qua dải phân cách; đi qua đường không đúng nơi quy định hoặc không bảo đảm an toàn;

c) Đu, bám vào phương tiện giao thông đang chạy.

3. Phạt tiền từ 80.000 đồng đến 120.000 đồng đối với người đi bộ đi vào đường cao tốc, trừ người phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc.

Từ ngày 1/2/2016, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC67) thuộc Công an Hà Nội đã ra quân xử phạt người đi bộ vi phạm các quy tắc giao thông đường bộ, được quy định tại Nghị định 171/2013/NĐ – CP ngày 13/11/2013. Dù Nghị định 171 đã ra đời từ lâu nhưng việc áp dụng khi cơ sở hạ tầng còn chưa thực sự đồng bộ cũng như ý thức người tham gia giao thông còn kém đang gây ra nhiều trắc trở cho cả việc tuân thủ của người dân cũng như việc xử phạt của đơn vị chức năng.

Hạ tầng còn thiếu và chưa thuận tiện

Quy định về xử phạt người đi bộ đã có mặt từ năm 2013, nhưng cho tới hiện tại, theo quan sát tại Hà Nội, hạ tầng dành cho người đi bộ vẫn còn nhiều bất cập. Có những nơi thiếu, có những nơi đã có hạ tầng nhưng còn thiếu đồng bộ, chưa thực sự thuận tiện.

Thực tế trên địa bàn thủ đô, hầu hết các ngã tư hoặc những con đường dài đều đã có vạch kẻ sang đường cho người đi bộ hoặc cầu vượt cho người đi bộ, nhưng vẫn còn khá nhiều địa bàn chưa đáp ứng được nhu cầu giao thông của người dân.

Nút giao nổi tiếng Ngã tư Sở, từ lâu đã được trang bị hệ thống hầm đi bộ để giải tỏa bớt giao thông. Tuy nhiên, cho tới hiện tại, thực trạng xuống cấp, bị lấn chiếm của những hầm đi bộ này đã phần nào cản trở người đi bộ sử dụng.

Cửa hầm thường xuyên bị chiếm dụng làm nơi bán hàng hoặc để xe. Trong khi bên trong hầm thì đã khá xuống cấp và thiếu vệ sinh, khiến người dân ngại sử dụng.

Ngay cạnh đó, đường dài hơn 1 km nối giữa ngã tư Sở và ngã tư Tôn Thất Tùng - Trường Chinh cũng hoàn toàn không có vạch kẻ dành cho việc sang đường. Người dân sinh sống giữa đoạn đường này sẽ khó có lựa chọn nào khác là băng trực tiếp qua đường, trèo qua dải phân cách.

Đoạn đường dài hơn 1 km mà không có vạch kẻ sang đường cho người đi bộ.

Một điểm nữa cũng không thể không nhắc tới là tình trạng lấn chiếm vỉa hè tại nhiều tuyến phố, khiến việc tuân thủ luật của người dân hầu như là bất khả thi. Một khi lực lượng chức năng còn chưa xử lý dứt điểm tình trạng này thì việc người đi bộ dưới lòng đường là khó tránh khỏi.

Một đoạn phố Tôn Đức Thắng với phần vỉa hè hoàn toàn bị các hộ kinh doanh chiếm dụng. Người đi bộ buộc phải đi dưới lòng đường.

Điểm cuối cùng mà chúng tôi nhận thấy sự bất cập, có lẽ là những đoạn đường đặc biệt như hình ảnh dưới đây. Khi mà không có vỉa hè, thì việc đi bộ dưới lòng đường có bị coi là vi phạm và bị xử phạt?

Anh Nam ở quận Hoàng Mai (người đi bộ trong hình) đã biết về quy định xử phạt người đi bộ nhưng trong tình huống này, đã buộc phải vi phạm do đường không có vỉa hè.

Ý thức người tham gia giao thông

Không chỉ dừng lại ở hạ tầng, mà ý thức người tham gia giao thông còn kém cũng là một phần lớn gây ra những trở ngại trong việc xử phạt người đi bộ. Không nhường đường cho người đi bộ hoặc "ngại" sử dụng cầu vượt đi bộ là tình trạng không khó gặp ở Hà Nội.

Cũng có lẽ là vì quy định ra đời từ lâu nhưng chưa bị xử phạt, nên những hình ảnh như dưới đây không có gì xa lạ. Nhiều người đi bộ cho rằng cầu vượt đi bộ quá xa, nên đã đi thẳng qua đường. Còn một số người thì cho rằng người điều khiển phương tiện cơ giới không nhường đường, nên qua đường ở đâu cũng như nhau cả thôi (?!).

Người đi bộ "ngại" sử dụng cầu vượt vì ở quá xa.

Một nhóm du khách nước ngoài bất lực trước việc dòng phương tiện không nhường đường cho người đi bộ qua đường, dù đã đứng đúng tại khu vực quy định.

Không xử phạt nếu hạ tầng chưa sẵn sàng

Để phần nào trả lời những băn khoăn của bạn đọc, chúng tôi xin dẫn một đoạn trả lời của Tiến sĩ Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia: "... xử lý nghiêm những người đi bộ cố tình vi phạm pháp luật, uy hiếp trật tự an toàn giao thông... những chỗ mà hạ tầng dành cho người đi bộ không sẵn sàng, những chỗ chưa có vỉa hè, thì người đi bộ phải đi sát vào lề đường bên phải. Cảnh sát sẽ không xử phạt những người này".

Do đó, để tránh bị xử phạt, bạn đọc lưu ý đi đúng phần đường quy định, chấp hành hiệu lệnh, biển chỉ dẫn, vạch kẻ đường. Trong trường hợp đường đi không có vỉa hè, đi sát vào lề đường bên phải để tránh bị xử phạt.

Thành NT

Nguồn AutoPro: http://autopro.com.vn/tin-tuc/ap-dung-xu-phat-nguoi-di-bo-con-la-bai-toan-kho-20160203145010048.chn