Ảnh về vùng cao và đồng bào các dân tộc thiểu số

ND - Không chỉ ở các cuộc thi ảnh cấp tỉnh, cấp khu vực, nơi đồng bào các dân tộc thiểu số đang sinh sống mà ở hầu hết các cuộc thi, liên hoan, tuyển chọn ảnh cấp quốc gia do Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức hoặc phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các ngành ở trung ương tổ chức, ảnh về đề tài dân tộc luôn chiếm số lượng lớn trong tổng số ảnh gửi đến tham dự.

Trong giao lưu quốc tế, ở các cuộc thi do Việt Nam đăng cai với sự tham gia của vài chục quốc gia, hay tại các cuộc thi do Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế FIAP gồm gần 100 nước thành viên, các cuộc thi do ACCU (tổ chức văn hóa các nước châu Á và Thái Bình Dương), v.v. ảnh của Việt Nam gửi đến tham dự với đề tài "Vẻ đẹp của thiên nhiên và con người các dân tộc thiểu số Việt Nam" cũng chiếm số lượng nhiều, có nhiều ảnh đoạt giải. Theo tổng kết của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, ở bốn nhiệm kỳ gần đây, trong số 300 tác phẩm đoạt giải, có tới gần nửa được chụp tại các tỉnh miền núi phía bắc và các tỉnh Trung Bộ, Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ và vùng đồng bằng sông Cửu Long..., nơi tập trung sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Thiên nhiên miền núi Việt Nam rất đẹp, đa dạng. Con người Việt Nam, các dân tộc Việt Nam giàu bản sắc văn hóa, phong tục tập quán giàu giá trị nhân văn. Bên cạnh đó, chính sách đổi mới kinh tế - xã hội và giao thương quốc tế mở rộng đã khiến đời sống nhân dân nói chung có sự thay đổi lớn, nhu cầu sử dụng ảnh như một hình thức giao lưu văn hóa đã tăng nhiều. Cùng lúc, nhờ những nỗ lực chung của nhiều cơ quan chức năng thuộc các lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, đội ngũ những người cầm máy ảnh ở những vùng này đã tăng nhanh về số lượng, khả năng sáng tác đã ngày một cao hơn. Một số nhà nhiếp ảnh là người dân tộc thiểu số xuất hiện, có vị trí đáng kể trong đội ngũ nhiếp ảnh cả nước. Ở khía cạnh khác, sự chăm sóc tới văn hóa văn nghệ của các cấp chính quyền tại nơi đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng nhiều cũng là lý do quan trọng. Nhiếp ảnh ở các lĩnh vực dịch vụ, báo chí và nghệ thuật thực sự chỉ được phát triển ở miền núi, vùng sâu, vùng xa kể từ sau khi Nhà nước có chính sách đổi mới và mở cửa. Xin nêu một thí dụ. Cuối những năm 80 của thế kỷ trước, ở các tỉnh miền núi phía bắc hầu như chưa làm ảnh mầu bằng máy tự động. Anh em chụp ảnh cưới, đám hiếu hay cần có ảnh mầu làm truyền thống cho các cơ quan... đều phải về Hà Nội để in, tráng phim và phóng ảnh. Hà Nội lúc đó, số máy làm ảnh tự động cũng đếm trên đầu ngón tay. Còn hôm nay, không chỉ ở Thái Nguyên, Lạng Sơn là hai tỉnh có số dân đông, nhiều người chụp ảnh dịch vụ và nghệ thuật, mà ngay cả ở Hà Giang, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình..., dịch vụ ảnh mầu cũng như chụp ảnh bằng máy ảnh kỹ thuật số đã trở nên khá phổ biến. Điều kiện làm việc tốt hơn, giao thông thuận lợi, cuộc sống ngày một khấm khá hơn đã cùng lúc tạo điều kiện cho nhiếp ảnh các địa phương phát triển. Số nhà nhiếp ảnh chuyên chụp về đề tài văn hóa các dân tộc thiểu số ngày càng nhiều, không chỉ ở cơ sở mà từ khắp nơi trong nước. Cuộc sống đồng bào dân tộc vùng cao luôn là đề tài hấp dẫn cho họ sáng tác ảnh, đặc biệt là nhiếp ảnh nghệ thuật. Hằng năm có tới hàng trăm chuyến đi được tổ chức cứ mỗi độ xuân về, trước và những tháng sau Tết âm lịch, miền núi phía bắc là địa chỉ hấp dẫn đặc biệt với các nhà nhiếp ảnh Việt Nam. Vẻ đẹp cuộc sống các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long hay miền Đông Nam Bộ... luôn là nơi hướng đến các ống kính máy ảnh Việt Nam và quốc tế. Tuy nhiên, do còn có sự chênh lệch về kinh tế và văn hóa giữa miền núi và các vùng đô thị, số lượng người tham gia sáng tác ảnh và phần nào kể cả chất lượng giữa các vùng chưa đồng đều. Cả nước hiện chưa có được 10 hội viên Hội NSNA Việt Nam là người dân tộc thiểu số mà phần đông trong số họ đang là cốt cán về văn hóa cơ sở, của hội chuyên ngành. Số người trực tiếp cầm máy còn quá ít, người làm văn hóa ảnh tại chỗ có vị trí quan trọng trong xây dựng đội ngũ nhiếp ảnh cơ sở cũng không nhiều. Để gây dựng và phát triển đội ngũ các nhà nhiếp ảnh tại vùng các dân tộc thiểu số, nên chăng cần coi việc xây dựng và phát triển đội ngũ những người làm văn nghệ trong đó có nhiếp ảnh người dân tộc thiểu số là nhiệm vụ chung của nhiều ngành và nhiều tổ chức, đặc biệt của Hội VHNT địa phương. Sở Văn hóa, Thông tin và Du lịch địa phương với sự chỉ đạo của Hội Văn hóa - văn nghệ các dân tộc, sự giúp đỡ về chuyên môn của Vụ Mỹ thuật và nhiếp ảnh cũng như Hội NSNA Việt Nam. Trong khi chưa có bộ môn nhiếp ảnh tại các trường văn hóa nghệ thuật các tỉnh, trường dạy nghề hoặc các trường dân tộc nội trú, các tỉnh miền núi, Hội VHNT các dân tộc thiểu số, Vụ Văn hóa các dân tộc (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cần phối hợp với Hội NSNA Việt Nam tổ chức các trại sáng tác ảnh tại các khu vực. Bên cạnh hình thức liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực do Hội NSNA Việt Nam phối hợp với các hội VHNT địa phương từng tổ chức hơn chục năm nay, cần có các trại sáng tác nhiếp ảnh, có thể cùng phối hợp với bộ môn hội họa, vì hai ngành này khá gần nhau. Như vậy, chọn ra các thanh niên trẻ, có trình độ văn hóa phổ thông để đào tạo là cách tốt để dần dần ở mỗi tỉnh, mỗi vùng dân tộc đều có các người chuyên làm ảnh. Là người tại chỗ, hiểu biết và có thực tiễn sinh động, họ có điều kiện sáng tạo ra những bức ảnh thật hơn, gần gũi hơn và có tác động nhiều tới người xem. Nhiếp ảnh về cuộc sống con người các dân tộc thiểu số có vị trí lớn trong sự nghiệp phát triển nhiếp ảnh Việt Nam, trong quảng bá và phổ biến nhanh đến quần chúng. Là ngành nghệ thuật thị giác, dễ phổ cập và có ngôn ngữ chuyển tải đặc biệt dễ hiểu, những bức ảnh đẹp về các miền đất nước, sự đổi thay về kinh tế - xã hội cần có sự tài trợ và đầu tư sâu, rộng hơn. Bên cạnh đó, một ngành quan trọng khác là du lịch, hẳn cũng có những yêu cầu cụ thể cho việc xây dựng đội ngũ các cộng tác viên về ảnh. Đội ngũ này dù không chuyên nhưng lại là phương tiện văn hóa góp lời kêu gọi các du khách trong nước và quốc tế đến thăm và tìm hiểu văn hóa giàu bản sắc của một cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=169691&sub=127&top=39