Anh hùng lặng lẽ bên đường...

Nhắc đến Anh hùng-Liệt sĩ Hoàng Kim Giao hẳn khá nhiều người biết. Biết anh qua phim tài liệu Để lại mùa xuân (Điện ảnh QĐND), biết anh qua các cuốn sách: Sống để yêu thương và dâng hiến, Hoàng Kim Giao - Chân dung một cuộc đời, Những bức thư tình thời chiến... Quả tình, lâu nay tôi vẫn cứ đinh ninh anh đang yên nghỉ đâu đó xa xôi hoặc ở quê hương Hải Phòng. Tôi không thể ngờ rằng anh vẫn còn nằm ngay bên đường 30 (quốc lộ 15A) mà tôi thường xuyên đi qua trong những chuyến công tác ngược lên Đô Lương, Anh Sơn, Con Cuông... (Nghệ An).

Nhắc đến Anh hùng-Liệt sĩ Hoàng Kim Giao hẳn khá nhiều người biết. Biết anh qua phim tài liệu Để lại mùa xuân (Điện ảnh QĐND), biết anh qua các cuốn sách: Sống để yêu thương và dâng hiến, Hoàng Kim Giao - Chân dung một cuộc đời, Những bức thư tình thời chiến... Quả tình, lâu nay tôi vẫn cứ đinh ninh anh đang yên nghỉ đâu đó xa xôi hoặc ở quê hương Hải Phòng. Tôi không thể ngờ rằng anh vẫn còn nằm ngay bên đường 30 (quốc lộ 15A) mà tôi thường xuyên đi qua trong những chuyến công tác ngược lên Đô Lương, Anh Sơn, Con Cuông... (Nghệ An).

Mộ Anh hùng - Liệt sĩ Hoàng Kim Giao và đồng đội nằm lặng lẽ bên quốc lộ 15A.

Tôi đến xã Nam Hưng (huyện Nam Đàn, Nghệ An) hỏi thăm mộ phần Liệt sĩ Hoàng Kim Giao. Hỏi những người bán trái cây bên đường, không biết; những người đi đường, không biết... Cuối cùng phải nhờ anh Nguyễn Văn Hiếu, Chánh văn phòng UBND xã Nam Hưng hướng dẫn tôi mới tạm xác định được vị trí. Sau đó, nhờ mấy trẻ chăn trâu từ xã Mỹ Sơn (huyện Đô Lương) sang chăn trâu ở khu vực xã Nam Hưng tôi mới đến được ngôi mộ. Những đứa trẻ gọi đây là “mộ đôi”.

Hóa ra mộ nằm cách quốc lộ 15A chỉ chừng trên chục bước chân. Nhưng vì không có biển chỉ dẫn, lại bị cây dại bên đường che khuất nên khó ai có thể biết được đây là mộ của người được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1. Mộ phần cách khu di tích Truông Bồn tầm 1km, chỉ khác Truông Bồn thuộc địa bàn xã Mỹ Sơn-Đô Lương, còn mộ phần Anh hùng Hoàng Kim Giao và đồng đội thuộc địa bàn xã Nam Hưng-Nam Đàn.

Bước vào khu vực “mộ đôi” thấy xung quanh bao trùm cây xanh, hoa dại, đặc biệt là hoa mua. Chính giữa mộ phần là dòng chữ tạc vào đá: Thân xác anh đã tan vào đất mẹ/Tâm hồn anh còn mãi với quê hương. Phía dưới bên trái là di ảnh và thông tin về Liệt sĩ Hoàng Kim Giao: Sinh ngày 25-12-1941 (HP-Hải Phòng), kỹ sư vật lý, kỹ sư vô tuyến điện, nghiên cứu và tháo bom từ trường năm 1968.

Phía bên phải là di ảnh và thông tin về Liệt sĩ Lương Văn Tín: Sinh năm 1949, quê quán An Dục, Quỳnh Phụ, Thái Bình. Phía trên, bên trái, phải, bên dưới 2 di ảnh là các phiến đá trang trọng ghi những dòng trích từ bút tích của Hoàng Kim Giao, những xúc cảm của người thân, đồng đội, đồng chí... viết về Hoàng Kim Giao và Lương Văn Tín.

Ngay phía trước di ảnh của Liệt sĩ Hoàng Kim Giao là bảng tóm tắt thành tích của anh đăng trên TTXVN - Báo Quân đội Nhân Dân ngày 29-5-2010: “Với tinh thần không quản gian khổ, hy sinh, với trách nhiệm của một nhà khoa học - Hoàng Kim Giao đã trực tiếp phá 32 quả bom nổ chậm, tháo ngòi nổ 40 quả bom từ trường phục vụ công tác nghiên cứu, giúp quân và dân ta đối phó hiệu quả với bom đạn “thông minh” của đế quốc Mỹ... Đoàn ra chiến trường đã: Lập bảng tính khung dây cung cấp cho các đơn vị, viết tài liệu về bom chống tăng MK20, bom vướng nổ hình cầu... Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, đồng chí được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1-1996 về “đóng góp giải pháp khoa học công nghệ vào công trình phá thủy lôi từ tính và bom từ trường bảo đảm giao thông giai đoạn 1967-1972” cùng nhiều phần thưởng cao quý khác”.

Bên cạnh mộ phần vẫn còn đó hố bom gần như nguyên trạng đã bị cây bụi phủ lên xung quanh. Cách đây 44 năm, vào sáng 31-10-1968, 13 thanh niên xung phong anh dũng hy sinh tại Truông Bồn. Ngay sau đó chỉ 2 tháng, vào ngày 30-12, ngay chính “tọa độ lửa” trên tuyến đường 30 lại thêm những người anh hùng nằm lại cùng tuyến đường huyết mạch...

Hoàng Kim Giao đã giành lấy việc phá một quả bom nổ chậm từ chiến sĩ Phạm Văn Cư, vì anh biết vợ đồng đội mình mới sinh con. “Để con trai được nhìn thấy bố...” - anh nói với đồng đội. Anh cùng chiến sĩ lái xe phóng từ Lương Văn Tín thực thi nhiệm vụ. Quả bom phát nổ, thân xác hai người cùng hòa vào đất. Sau đó đồng đội và người dân chỉ còn tìm được một phần nhỏ thi thể của hai anh, đem chia làm đôi và an táng cùng một mộ.

Ra quán tạp hóa bên đường cách mộ không xa mua hương, tôi chợt nghĩ, sao bấy lâu nay không có một tấm biển (dù nhỏ thôi) để chỉ dẫn về sự tồn tại của ngôi mộ? Chỉ cần vậy thôi có lẽ sẽ có không ít người dừng chân ghé thăm hai anh, để những người dân nơi đây biết nơi mình đang sống trước kia là trọng điểm đánh phá ác liệt của Mỹ, cũng chính là nơi chứng minh sự kiên cường, dũng cảm, hy sinh của bao người con đất Việt, trong đó có 2 liệt sĩ ở “mộ đôi”.

DUY CƯỜNG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/phongsudieutra/2012/7/294569/